Sức hấp dẫn bất ngờ từ triển lãm bảo vệ môi trường biển

GD&TĐ - Dù mở cửa giữa ngày Hè nắng oi ả nhưng 'Phiêu' vẫn tấp nập khách tham quan.

Rùa biển duy nhất trở về sau hành trình biển khơi thu hút sự quan tâm của khách tham quan. Ảnh: Bình Thanh.
Rùa biển duy nhất trở về sau hành trình biển khơi thu hút sự quan tâm của khách tham quan. Ảnh: Bình Thanh.

Nhất là, những “Ồ”, “À” bật thốt ở đây không chỉ từ các em nhỏ mà cả người lớn cũng thích thú, ngạc nhiên để rồi cùng hưởng ứng thông điệp chung tay bảo vệ môi trường biển đầy tâm huyết của nghệ sĩ điêu khắc Cao Thanh Thà.

Trải nghiệm hấp dẫn

“Phiêu” được mở cửa từ khá sớm, 8 giờ 30 phút, những tưởng sẽ vắng, nhất là ngày cuối tuần nhiều người có tâm lý thích ngủ nướng. Nhưng không, ngay từ những phút đầu, Trung tâm triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã nhộn nhịp khách, trong đó phần đông là những ông bố, bà mẹ đưa con đến thưởng lãm.

Ngay khi bước vào cửa, nhiều người bị cuốn hút ánh nhìn bởi chú rùa biển lớn màu xám – con đầu đàn duy nhất trở về sau hành trình phiêu lưu biển khơi mà “Phiêu” kể chuyện - nghếch đầu chào đón tại không gian “Trở về”.

'“Phiêu” mong muốn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, xây dựng nên cộng đồng bảo vệ rùa biển, cổ vũ, thúc đẩy các hoạt động về bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã. Đồng thời lan tỏa thông điệp về sự tôn trọng tính tự nhiên, tự do, độc lập, khác biệt của mỗi con người trong xã hội”' - Thạc sĩ mỹ thuật, nghệ sĩ điêu khắc Cao Thanh Thà

Đám trẻ ùa vào xoay tròn ngắm nghía, nắc nỏm trước những hoa văn có hình rẻ quạt trên mai cùng những nốt chấm nâu tròn ở chân và đuôi rùa nhìn thật “yêu kiều”. Nhất là, phía bên phải mai rùa còn có những vỏ ốc, vỏ hà “bám” vào thành một dải khiến ai cũng phải cất lời trầm trồ.

Rồi thì, đám trẻ tinh nghịch thi nhau vùi tay vào cát trắng mịn màng cùng tiếng cười sung sướng và ánh nhìn lấp lánh sự ngạc nhiên không hiểu vì sao ở giữa Thủ đô mà tưởng chừng như đang được đứng trên bãi biển để chơi với cát với rùa biển.

Rẽ lối sang bên phải, chúng lại mắt tròn, mắt dẹt khi thấy rất nhiều quả trứng rùa… đang nở. Có bạn trai vừa xem vừa reo lên: “Dì nhìn kìa, rùa con giỏi quá!”. Đó là, dù ở phía ngoài hay trong bình thủy tinh thì những chú rùa con với đủ sắc màu cùng vươn đầu, rướn và kéo hai chân trước ra khỏi vỏ, trông thật đáng yêu.

“Ngay khi mới chào đời, rùa biển đã phải nỗ lực vượt ải đầu tiên chẳng dễ dàng gì như thế đó. Nhưng, chặng đường thử thách dành cho chúng không chỉ dừng ở đây mà còn rất nhiều phía trước”.

Chị Nguyễn Hân (Đống Đa, Hà Nội), dì của bạn nhỏ học lớp 1 và lớp 2 vừa đáp lời vừa chỉ dẫn hai đứa cháu tiếp tục “bước xuống” bãi biển kế bên (các không gian: “Đại dương tươi đẹp”, “Không gian thực tại” và “Tương lai”) để vừa “dạo chơi” trên cát trắng vừa quan sát biển cả bao la có biết bao điều kỳ thú nhưng cũng có bao điều thắc mắc: Vì sao rùa lại phải bơi vào bãi cát để đẻ trứng? Vì sao ở bãi cát mắc nhiều đồ chơi điện tử, chai lọ thế này? Khi trở về biển khơi, rùa sẽ tiếp tục hành trình thế nào, liệu có gặp vòng xoáy khốc liệt kia không?...

Ngừng lời giải đáp những thắc mắc ấy với các bạn nhỏ, chị Nguyễn Hân kể, khi biết dì sẽ đưa đi triển lãm “Phiêu”, hai bạn nhỏ thức dậy từ sớm, ăn sáng rất nhanh chứ không mè nheo như những ngày khác.

Dù trời nắng nóng nhưng không bạn nào thấy ngại ngần, trái lại còn giục dì đi từ sớm. Bước vào triển lãm, chúng hào hứng quan sát và không ngớt thắc mắc đủ chuyện về rùa biển, nếu không có kiến thức cơ bản cũng khó lòng giải đáp. May là chị cũng quan tâm đến vấn đề này và đã có những quan sát, tìm hiểu khá nhiều.

“Việc dành thời gian giúp chị gái đưa hai đứa cháu đến triển lãm là tôi muốn chúng biết thêm về tập tính của loài rùa và một hoạt động bảo vệ rùa biển. Tôi thấy, triển lãm được mô phỏng rất chân thực, giúp mọi người khi đến đây có thể hiểu một phần công việc của những người đang tham gia công tác bảo tồn loài rùa biển như thế nào”, chị Nguyễn Hân bày tỏ.

Cùng bố mẹ đến triển lãm từ sớm, bạn Nguyễn Ngọc Bảo Anh năm học tới lên lớp 3 Trường Tiểu học Lý Nam Đế (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cẩn thận căn chỉnh và chụp từng bức hình đám rùa biển nằm bập bềnh trên sóng trập trùng đổi thay sắc màu từ lúc bình minh đến hoàng hôn và bóng đêm, được nghệ sĩ khéo léo tái hiện.

Dừng bên phần “Dòng hải lưu”, cô bé thỏ thẻ cất tiếng hỏi: “Cái này người ta làm bằng cách nào mà nhìn như dòng nước biển chảy khá lớn, mang theo rất nhiều rùa biển nhỏ xinh?”. Rồi Bảo Anh chỉ về phía “bờ” cát trắng nói rằng đó là điểm tham quan cô bé ấn tượng, thích thú nhất.

Cũng vì, ở đây, Bảo Anh được check in hình ảnh bãi biển như thật rồi xoa tay trên cát và ngắm nhìn những con rùa xinh xắn từ thảnh thơi ẩn mình trong cát song chợt giật mình khi thấy chúng phải nhọc nhằn vượt qua rác thải như đồ điện tử, đồ nhựa, lưới, gốc cây… cũng như vỏ sò, ốc, xác san hô…vương trên đó.

“Dạo một vòng triển lãm, con đã ghi lại nhiều ảnh về các chú rùa biển trông con nào cũng xinh xắn, sinh động. Đọc tài liệu thì con được biết chúng được nghệ sĩ điêu khắc Cao Thanh Thà làm từ gốm và nặn bằng tay. Những chú rùa ấy cũng như không gian sắp đặt của triển lãm thật đẹp, rất nhiều màu sắc nhưng chủ đạo nhất vẫn là màu xanh ngắt của biển khơi.

Nhìn bãi cát trắng mắc rác thải công nghiệp, có xác chết của một số sinh vật biển con thấy lo lắng cho sự sinh tồn của rùa biển. Liệu chúng có bị mắc kẹt trong đó và không thể trở về nhà không?”, Bảo Anh lo lắng nói.

Khoảng 9 giờ 30 phút, 20 bạn nhỏ (đăng ký trước) bước vào ca đầu dài chừng một tiếng của hoạt động trải nghiệm trang trí, tạo hình rùa biển. Bạn nào cũng tích cực cán mỏng đất sét rồi ấn khuôn tạo hình được ban tổ chức chuẩn bị sẵn để có được những chú rùa xinh xắn cho riêng mình. Hoạt động này được tổ chức cùng với đọc sách, vẽ tranh… ở mỗi buổi triển lãm mở cửa.

Sau khi hướng dẫn cách cán đất sét, chị Tú (Định Công, Hà Nội) chăm chú quan sát cô con gái nhỏ năm học tới sẽ vào lớp 1 đang tỉ mẩn chọn mẫu tạo hình theo sở thích. Theo chị Tú, hai mẹ con đến với triển lãm từ việc cập nhật thông tin ở “Tổ líu lo” trên Facebook.

Chị cũng là người biết và quan tâm đến các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã nên ngay khi tiếp nhận thông tin là thu xếp để tranh thủ ngày cuối tuần đưa con gái tới “Phiêu”. Trước khi bước vào hoạt động tạo hình, trang trí rùa biển, chị đã cùng con đọc một số cuốn sách mượn từ ban tổ chức như: “Rùa biển”, “Chuyện mẹ rùa”, “San hô”.

“Con đã rất thích thú khi được mẹ đưa đến triển lãm, cùng các bạn nhỏ thực tế bằng những hiện vật là các chú rùa gốm, cát trắng, video, rác công nghệ… qua bàn tay sắp đặt rất khéo léo của nghệ sĩ. Với tôi, triển lãm còn truyền cảm hứng “phiêu” tới người lớn sau những quan sát, trải nghiệm.

Chẳng hạn, trước không gian “Vòng xoáy” và “Dòng hải lưu” có thể suy ngẫm sâu hơn về những nỗ lực của bản thân trước khó khăn của cuộc sống. Cùng với đó là nỗi e ngại về thực trạng bảo tồn động vật hoang dã trong đó có rùa biển còn nhiều tồn tại, cũng như ý thức, trách nhiệm của mỗi người trước vấn đề đáng báo động này”, chị Tú nói.

Cô bé Thảo Anh thích thú ghi lại hình ảnh 'Bóng đêm' ở triển lãm. Ảnh: Bình Thanh.

Cô bé Thảo Anh thích thú ghi lại hình ảnh 'Bóng đêm' ở triển lãm. Ảnh: Bình Thanh.

Truyền tải thông điệp ý nghĩa

5 ngày mở cửa, Triển lãm nghệ thuật sắp đặt 1.001 rùa biển bằng gốm với tên gọi “Phiêu” của nghệ sĩ điêu khắc Cao Thanh Thà với sự bảo trợ chuyên môn của IUCN Việt Nam và Dự án Born to be wild, luôn đông khách tới tham quan, từ 8 giờ 30 phút đến 16 giờ.

Để có được thành công đó, triển lãm thực sự có sức hút đặc biệt khi lấy chủ đề rất thời sự - bảo tồn động vật hoang dã và có cách kể chuyện bằng không gian nghệ thuật thú vị cùng những tạo hình chân thực, sống động và truyền cảm hứng.

Ở đây, sự hiện diện của 1.001 trứng và rùa biển rất đa dạng khi thì trong bình thủy tinh, lúc lại vùi mình vào bãi cát trắng tinh hay cũng có khi bám theo vòng xoáy rồi trôi chảy theo dòng hải lưu được mô phỏng bằng đường ống xanh khổng lồ...

Và nghệ sĩ Cao Thanh Thà cùng các cộng sự đã kỳ công dùng bút lông vẽ trực tiếp lên rùa các loại họa tiết, hoa văn sau đó để khô và nung ở nhiệt độ 1200 độ C để có được những quả trứng, chú rùa gốm bóng bẩy, diện áo đủ sắc màu. Còn để tạo không gian trực quan sinh động là cả tâm huyết của nghệ sĩ khi chị mang từ biển Nha Trang về đến 3 tấn cát trắng. Những vỏ sò, vỏ ốc hay xác san hô xuất hiện ở trên thân rùa lớn và trên dải cát trắng cũng được gom từng mảnh từ biển cả quê hương.

“Triển lãm tạo cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong công tác bảo tồn thiên nhiên, các cá nhân yêu động vật, quan tâm đến vấn đề môi trường gặp gỡ, giao lưu, kết nối qua đó xây dựng mạng lưới bảo vệ động vật hoang dã đặc biệt đó là bảo vệ rùa biển. Đây cũng là nơi gặp gỡ giữa nghệ thuật và truyền thông, giữa những thông điệp từ biển cả, thiên nhiên và những chia sẻ, tâm sự từ nội giới con người - nghệ sĩ”, nghệ sĩ Cao Thanh Thà chia sẻ.

Các bạn nhỏ thích thú với 'bãi biển' cát trắng được sắp đặt cùng rùa biển làm bằng gốm. Ảnh: Bình Thanh.

Các bạn nhỏ thích thú với 'bãi biển' cát trắng được sắp đặt cùng rùa biển làm bằng gốm. Ảnh: Bình Thanh.

Có thể thấy, mục tiêu ấy của chị đã đạt được. Cùng với lượng khách tham quan tấp nập thì những trang lưu lại cảm xúc về triển lãm cũng ăm ắp.

Nhiều bạn nhỏ viết dòng nhắn nhủ không chỉ với rùa biển: “Nhớ và yêu rùa biển. Em rùa sống tốt nhé!” (Nguyễn Minh Đức), “Em mong rùa biển sẽ sống lâu và đông đúc hơn” (Phạm Đoàn Hải Phong), “Em mong sau này được bơi cùng rùa biển” (Khánh); mà còn là những mong muốn về nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng: “Em mong rằng môi trường biển của Việt Nam sẽ luôn xanh, sạch, đẹp không bị ô nhiễm!” (Trịnh Minh Ánh), “Em mong Trái đất sẽ trong lành hơn” (Nguyễn Ngọc Linh Chi); “Em mong chúng ta sẽ bớt xả rác bừa bãi để các sinh vật dưới biển có một cuộc sống xanh, sạch, đẹp” (Anh)…

Còn với người lớn thì đó là những cảm nhận khó quên: “Triển lãm đã truyền tải một thông điệp vô cùng quý giá việc bảo vệ rùa biển nói riêng và môi trường biển nói chung”; “Hành trình của các bạn rùa biển thật đáng khâm phục! Chúc những điều tốt đẹp nhất cho các bạn rùa thân yêu”; “Thật là cảm động khi được tham quan triển lãm. Cảm ơn tác giả đã cùng chung tay với các nhà bảo tồn biển”; “Một trải nghiệm rất xứng đáng và ý nghĩa”…

“Tôi mong rằng, không chỉ ở Hà Nội mà triển lãm cần được mở thêm ở những địa phương khác và nên có thêm nhiều hơn nữa thông tin qua các tài liệu cụ thể về hoạt động bảo vệ rùa biển như thế nào, vì sao phải bảo tồn, để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của những bạn thanh, thiếu niên” - Chị Nguyễn Hân (Đống Đa, Hà Nội).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.