Lao động tự do “ngóng” hướng dẫn từ gói 26 nghìn tỷ đồng

GD&TĐ - Nhiều chuyên gia cho rằng, gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng không quy định trách nhiệm cụ thể dễ bị buông lỏng việc hỗ trợ cho đối tượng là lao động tự do. Trong khi đó, nhiều địa phương vẫn chờ hướng dẫn.

Người lao động tự do là đối tượng được nhận hỗ trợ từ gói 26 nghìn tỷ đồng. Ảnh minh họa
Người lao động tự do là đối tượng được nhận hỗ trợ từ gói 26 nghìn tỷ đồng. Ảnh minh họa

Cần quy định trách nhiệm

Theo ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng liên quan đến Nghị quyết 68 lần này sẽ được đơn giản hoá thủ tục, tiết kiệm tối đa thời gian.

Ông Đào Ngọc Dung cho biết, rút kinh nghiệm gói hỗ trợ lần trước, người lao động tự do phải về quê lấy xác nhận chưa nhận hỗ trợ. Sau đó, họ phải quay trở lại nơi cư trú để giải quyết. Gói hỗ trợ lần này, ai ở đâu thì giải quyết luôn ở đấy.

Hiện, nhiều địa phương vẫn đang lên kế hoạch thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Chính phủ về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng cho người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Khác với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng trước đó, gói hỗ trợ lần 2 này sẽ không hỗ trợ cho lao động tự do trực tiếp từ ngân sách với mức tối đa 1 triệu đồng/người/tháng, kéo dài tối đa không quá 3 tháng như trước đây.

Thay vào đó, các địa phương căn cứ điều kiện cụ thể, khả năng ngân sách địa phương để xác định người được hưởng và mức hỗ trợ cụ thể, song không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người hoặc 50 nghìn đồng mỗi ngày. Chính phủ cũng rất hoan nghênh các địa phương hỗ trợ cao hơn “mức sàn” quy định.

Bên cạnh những điểm mới, chuyên gia cho rằng, gói hỗ trợ còn một số điểm cần lưu ý và bổ sung, đặc biệt với chính sách hỗ trợ cho lao động tự do. Quyết định 23 đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể và thời gian thực hiện rõ ràng, nhanh chóng đối với 11 nhóm trong số này.

Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, Quyết định này lại chưa có hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ cho nhóm lao động tự do. Trong khi đó, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, lao động có việc làm phi chính thức trong năm 2020 là 20,3 triệu người, chiếm gần một nửa tổng số người trong độ tuổi lao động (48,6 triệu người).

Mặc dù hiện nay, Chính phủ yêu cầu địa phương chủ động xem xét, cân đối ngân sách để tự quy định mức hỗ trợ cho đối tượng là lao động trong khu vực phi chính thức.

Dù vậy, một số chuyên gia lo ngại việc thiếu các quy định và hướng dẫn rõ ràng về chính sách cũng như trách nhiệm thực thi sẽ dẫn đến sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các địa phương đối với nhóm lao động tự do, di cư. Chưa kể đến việc, nếu không có quy định cụ thể sẽ dẫn tới sự chênh lệch hỗ trợ đối với các địa phương, nhóm ngành nghề, nhóm lao động.

Ngoài ra, chính quyền địa phương chưa khảo sát đầy đủ sẽ bỏ sót nhiều người lao động tự do đang gặp khó khăn. Các kênh thông tin về chính sách hỗ trợ đến đối tượng là lao động tự do vẫn còn chưa hiệu quả khiến cho tỷ lệ lao động tự do biết về gói hỗ trợ này còn rất hạn chế.

Theo chị Nguyễn Thị Hà – người bán trà đá vỉa hè nhiều năm, mặc dù được nghe rất nhiều về gói hỗ trợ, nhưng không hiểu cần làm gì, thủ tục như thế nào, khai báo với ai thì được nhận.

“Cần có hướng dẫn rõ ràng cho đối tượng là lao động tự do về các quy trình được nhận gói an sinh này. Trước đó, cũng có nghe nói về gói 62 nghìn tỷ nhưng nhiều người buôn bán như chúng tôi vẫn không được hỗ trợ”.

Chuyên gia cũng cho rằng, nếu tiếp tục thiếu những quy định cụ thể về trách nhiệm thực thi chính sách, cũng như không đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện thì tỷ lệ người lao động tự do được nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng sẽ rất thấp.

Nhiều địa phương vẫn chờ hướng dẫn

Để tăng tính hiệu quả cho việc thực hiện gói hỗ trợ mới, chuyên gia đề xuất Chính phủ tiếp tục ban hành quyết định hoặc giao Bộ LĐ-TB&XH ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 68 với nhóm lao động tự do. Trong đó, cần quy định trách nhiệm thực thi chính sách của các bộ, ngành và các địa phương, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan này.

Kết quả thực hiện hỗ trợ người lao động tự do cần trở thành một trong các tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương trong ứng phó với tác động của Covid-19 tới đời sống của nhóm dân cư dễ bị tổn thương. Việc này sẽ đóng góp thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân.

Cho đến nay, nửa tháng sau khi gói an sinh 26.000 tỷ được thông qua, nhiều tỉnh/thành như Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Tĩnh vẫn đang rà soát, xem xét kế hoạch hỗ trợ lao động tự do.

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, đến nay mới có 33 trong số 63 tỉnh/thành ban hành quyết định hỗ trợ lao động tự do. Việc lập danh sách gặp khó khăn do nhiều người đi làm trong doanh nghiệp nhưng không có hợp đồng, không đủ điều kiện xét hỗ trợ.

Nhiều địa phương lúng túng trong triển khai, nhất là cán bộ cấp xã, huyện. Một số nơi thận trọng, cầu toàn, sợ sai sót. Việc lập danh sách mất nhiều thời gian, thủ tục phê duyệt còn chậm.

Nằm trong nhóm địa phương chưa ban hành quyết định hỗ trợ, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết đã hoàn thiện dự thảo lần hai gửi các quận huyện, thị xã, sở ngành liên quan góp ý. Các huyện báo cáo số lao động dự kiến được hỗ trợ về Sở vào ngày 16/7. Ngày 20/7, Sở sẽ trình UBND TP Hà Nội xem xét để ban hành quyết định.

Từ cuối tháng 5 đến nay, Hà Nội hai lần tạm dừng hoạt động cơ sở ăn uống, chỉ cho bán mang về. Lao động tự do là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi việc tạm dừng này.

Theo các chuyên gia, với nhóm lao động tự do thì khó khăn nhất với các địa phương là xác định được tiêu chí hỗ trợ và thông tin về người được hỗ trợ chính xác. Sở LĐ,TB&XH phải tham mưu để trình HĐND, UBND tỉnh bố trí nguồn ngân sách.

Hiện, TPHCM là địa phương đi đầu cả nước trong công tác hỗ trợ lao động tự do. Chủ yếu đối tượng là xe ôm truyền thống, bán vé số dạo, buôn bán hàng rong, thu gom rác, phế liệu, vận chuyển hàng hóa...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.