Làng sứ ngũ sắc cuối cùng

GD&TĐ - Vốn là báu vật hoàng cung và từng có giai đoạn phát triển mạnh mẽ, song giờ đây sứ ngũ sắc Thái Lan có nguy cơ thất truyền.

Wat Arun, ngôi chùa nổi tiếng bởi kiến trúc khảm sứ ngũ sắc. Ảnh: Marina Pissarove, Alamy.com.
Wat Arun, ngôi chùa nổi tiếng bởi kiến trúc khảm sứ ngũ sắc. Ảnh: Marina Pissarove, Alamy.com.

Hiện sứ ngũ sắc Thái Lan chỉ được sản xuất ở làng nghề Don Kai Dee, huyện Krathumaen, tỉnh Samut Sakhon.

Nguồn gốc Trung Hoa

Người đam mê kiến trúc Thái Lan chắc sẽ biết Wat Arun, ngôi chùa cổ tráng lệ nhất Thủ đô Bangkok, tọa lạc trên bờ Tây sông Chao Phraya, được khảm trọn vẹn bằng sứ ngũ sắc. Tên tiếng Việt của Wat Arun là chùa Bình Minh. Khi ánh nắng đầu tiên vừa rọi xuống, bề mặt các mảnh sứ ngũ sắc trơn nhẵn, màu sắc lập tức bắt lấy và phản quang, tỏa rạng lộng lẫy.

Theo tài liệu của Thái Lan, sứ ngũ sắc có nguồn gốc Trung Hoa. Khoảng cuối vương triều Ayutthaya (1350 – 1767), hoàng gia Thái Lan đặt mua đồ sứ từ miền Nam Trung Quốc, làm đồ dùng hoàng cung.

Từ hoa văn ban đầu gồm hoa, cá và núi, hoàng gia Thái Lan yêu cầu chúng phải được trang trí bằng 5 màu sắc: Trắng, đen, xanh lá cây, đỏ và vàng. Vì thế, họ đặt tên sứ mua từ Trung Quốc là ngũ sắc - benjarong (benja - màu sắc, rong - 5).

Thế kỷ XVIII - XIX, sứ ngũ sắc là vật dụng hoàng cung thường thấy. Chúng bao gồm từ đồ ngự thiện đến hộp đựng châu báu, bình trang trí… Bước sang vương triều Rama V (1868 - 1910), hoàng gia Thái Lan nhập sứ Trung Quốc trắng. Các nghệ nhân Thái Lan tự tay pha màu, vẽ trang trí đồ gốm bằng các hoa văn địa phương. Kể từ lúc này, sứ ngũ sắc mang dấu ấn phong cách Thái Lan.

Đầu thế kỷ XX, Quốc vương Rama V ban hành lệnh phổ biến sứ ngũ sắc. Ông muốn nó trở thành vật dụng toàn dân, thay vì chỉ là của riêng của tầng lớp thượng lưu. Nhờ lệnh mới này, các xưởng gốm lũ lượt mọc lên khắp Thái Lan.

Họ sản xuất hàng loạt sứ ngũ sắc, bán với giá rẻ. Nhiều ngôi chùa trong kinh đô Bangkok đã mua chúng rồi đập vỡ và khảm tôn tạo. Wat Arun là kiệt tác khảm sứ ngũ sắc ấn tượng nhất. Dù đã trải qua hơn thế kỷ, nó vẫn duy trì diện mạo tráng lệ như ban đầu.

Làng nghề tư nhân

Chế tác sứ ngũ sắc gồm nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tập trung và tính kiên nhẫn cao độ. Ảnh: Ronan O’connell, Nationalgeographic.com.

Chế tác sứ ngũ sắc gồm nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tập trung và tính kiên nhẫn cao độ. Ảnh: Ronan O’connell, Nationalgeographic.com.

Năm 1910, Quốc vương Rama V băng hà. Không rõ vì lý do gì, sứ ngũ sắc cũng “chết” theo. Chỉ trong vòng 20 năm, nó biến mất khỏi Thái Lan. Trên cả vương quốc, không còn bất cứ xưởng hay nghệ nhân vẽ sứ ngũ sắc nào.

“Lịch sử Thái Lan không có bất cứ ghi chép gì đề cập tới sự biến mất cũng như nguyên nhân dẫn đến sự biến mất của sứ ngũ sắc”, Atthasit Sukkham – nhân viên Bảo tàng Gốm sứ Đông Nam Á (Southeast Asian Ceramics Museum), cho biết.

Năm 1982, nhà máy sản xuất gốm sứ gần Bangkok đóng cửa, khiến hàng chục thợ gốm, trong đó có nữ nghệ nhân Urai Tangaeum thất nghiệp. Không còn việc làm, Tangaeum buộc phải tìm kiếm sinh kế mới. Bà quyết định thử khôi phục sứ ngũ sắc truyền thống bí ẩn thất truyền.

Ban đầu, Tangaeum mày mò vẽ sứ ngũ sắc một mình. Các sản phẩm thủ công của bà được khách hàng Thái Lan yêu thích, hỏi mua ngày càng nhiều.

Tangaeum bèn mạo hiểm mở lò nung, xưởng vẽ tại Don Kai Dee. Sau 40 năm, bà biến xưởng gốm bé nhỏ thành làng nghề, tạo công ăn việc làm cho hàng chục người.

Sứ ngũ sắc mới được bắt đầu với đất từ 3 tỉnh, trộn đều rồi nhào với nước, đạt đến độ mềm dẻo hoàn hảo. Tangaeum nung đồ gốm bằng lò điện 800 độ C, trong 10 giờ. Sau khi lấy ra và đợi nguội, bà tráng men và lại tiếp tục nung thêm 10 tiếng, nhiệt độ trên 800 độ C.

Thành phẩm ban đầu là sứ men trắng sáng bóng. Để biến nó thành sứ ngũ sắc, Tangaeum tiến hành vẽ phác thảo hoa văn bằng vàng lỏng, trị giá 5 nghìn dollar/lít. Chỉ những nghệ nhân thâm niên trên 20 năm mới phụ trách việc này.

Kế tiếp, Tangaeum cho tô màu bằng sơn lên thiết kế hoa văn. Trang trí xong, bà lại nung thêm một lần nữa. Tính ra, phải mất 3 - 4 ngày mới hoàn thành 1 sản phẩm sứ ngũ sắc. Đối với các tạo tác kích thước lớn và phức tạp, thời gian có thể lên tới 2 tuần.

Hoa văn trang trí sứ ngũ sắc đa dạng, đậm bản sắc Thái Lan. Phổ biến nhất là các mẫu hoa văn Phật giáo. Chúng rất cầu kỳ, đòi hỏi cả kỹ năng hội họa điêu luyện lẫn sự kiên nhẫn.

Nguy cơ tái thất truyền

Sản phẩm sứ ngũ sắc đa dạng, tinh tế và siêu đắt đỏ, có thể lên tới 10 nghìn dollar/tạo tác. Ảnh: Ronan O’connell, Nationalgeographic.com.

Sản phẩm sứ ngũ sắc đa dạng, tinh tế và siêu đắt đỏ, có thể lên tới 10 nghìn dollar/tạo tác. Ảnh: Ronan O’connell, Nationalgeographic.com.

Giá thành sứ ngũ sắc siêu đắt đỏ, chỉ cái cốc, chiếc đĩa nhỏ xíu cũng từ 30 dollar/chiếc. Ngoài các sản phẩm làm sẵn, Don Kai Dee còn nhận đơn hàng chế tác theo yêu cầu của khách. Dĩ nhiên, giá cả tùy mặt hàng.

Trước đại dịch Covid-19, mỗi tuần Don Kai Dee đón hàng trăm du khách tham quan, mua và đặt hàng. Bây giờ, khách khá vắng. “Tôi không chán nản bỏ cuộc đâu. Vốn dĩ, tôi làm sứ ngũ sắc chủ yếu vì say mê nghệ thuật”, nghệ nhân Prapasri Pongmatha (60 tuổi) nói.

Giới trẻ Thái Lan không mặn mà với sứ ngũ sắc. Tuy thường xuyên có thanh niên hiếu kỳ đến thử học nhưng không ai có ý theo nghề.

“Nếu thuộc tuýp người nóng vội, việc làm sứ ngũ sắc có thể khiến bạn phát điên. Tuy nhiên, nếu đủ nhẫn nại, bạn sẽ thấy nó rất nhàn nhã, gần giống với ngồi thiền”, Pongmatha cho biết.

“Giới trẻ cần kiếm tiền, muốn có công việc an ổn nhưng nghề làm sứ ngũ sắc lại không đảm bảo được điều đó”, Supawan Pongmatha – con gái của nghệ nhân Pongmatha, giải thích.

Supawan cũng yêu thích sứ ngũ sắc, nhưng không khuyến khích người khác xem nó như sự nghiệp. Dân làng Don Kai Dee suy nghĩ giống như Supawan. Vì vậy nên, sứ ngũ sắc có khả năng lại biến mất lần nữa.

Theo Nationalgeographic

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ