(GD&TĐ) - Không mấy ai biết ngay giữa lòng Thủ đô vẫn tồn tại một ngôi làng nổi tiếng với nghề “vít đầu vít cổ thiên hạ” vang bóng một thời của kinh thành Thăng Long xưa, từng đi vào trong ca dao: “Kim Liên xanh vỏ đỏ lòng/Đàn ông cắt tóc, đàn bà hái rau”. Từ Nam chí Bắc, nói tới thợ cạo làng Kim Liên ai cũng biết tiếng. Thời hoàng kim nhất đã trôi qua, trầm luân bao phen. Sau nhiều năm mai một, làng đã bắt đầu khôi phục nghề cắt tóc truyền thống.
Tích xưa, truyện cũ
Theo các cụ cao niên, từ lâu ở Kim Liên đã lưu truyền giai thoại về ông thầy địa lý Tả Ao có lần đi qua làng. Lúc dừng chân ngồi uống nước, ông đã được các cụ bô lão mời vào đình hỏi ý kiến xem nên chọn nghề nào là nghề chính cho trai làng. Sau một hồi bàn luận, ý tứ của mọi người muốn chọn nghề mà bảo sao người ta phải nghe vậy, cụ Tả Ao liền bảo vậy mọi người chọn nghề “vít đầu vít cổ thiên hạ”. Mọi người đều vui vẻ đồng ý và nghề cắt tóc của làng Kim Liên ra đời từ đó. Ông Đinh Trọng Thêm (81 tuổi), người 19 năm ròng rã tập hợp, nghiên cứu ghi chép lại lịch sử của làng cho biết: “Làng Kim Liên có rất nhiều nghề nhưng trong đó có 3 nghề giá trị nhất là: cắt tóc, nhuộm vải nâu non và trồng rau muống tiến vua. Các nghề khác đã thất truyền, may mắn còn giữ được nghề làm đẹp cho đời của dân làng Kim Liên”.
Ông Hào đang cắt tóc cho khách |
Kim Liên đệ nhất kéo
Những tay kéo lão làng ngày ấy như cụ Phạm Văn Cam, cụ Trịnh Hữu Kỳ, Nguyễn Văn Mùng, ông Nguyễn Đức Hiền, ông Phạm Duy Cốc… đã mang danh tiếng làng đến khắp thiên hạ. Trước cả làng đều theo nghề cắt tóc, có của ăn của để. Dân làng đi làm ăn tứ xứ mang theo nghề truyền thống của làng góp thêm tiếng thơm vang danh gần xa. Hiện nay, nhiều cửa hàng cắt tóc nổi tiếng đất Hà Nội đều thuộc thế hệ con cháu làng Kim Liên. Một trong những người nối tiếp thành công nhất của làng chính là cây kéo vàng Phạm Duy Hào - “Quang Trung đệ nhất kéo”, với những kiểu tóc như đầu đinh lệch, đầu đổi màu... khiến lớp thanh niên một dạo mê như điếu đổ. Ông nội của anh là cụ Phạm Duy Hiền (cụ Đảng) từng được vua Bảo Đại chọn làm thợ cắt tóc riêng cho mình và quần thần. Ngay từ nhỏ, anh đã “bị” ông nội truyền cho nghề cắt tóc. Anh vẫn còn nhớ như in những câu thơ xưa ông nội thường ngâm nga:
Làm thân con gái chẳng biết lo
Thợ tóc không lấy, lấy học trò
Kéo lớn, kéo con dăm bảy bộ
Còn hơn kinh sử dăm bảy kho
Bản thân chuyện duyên phận với cây kéo của Duy Hào cũng đủ viết thành một cuốn hồi ký đầy màu sắc. Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, mô hình hợp tác xã ra đời. Các cửa hàng do cụ Đảng mở trên các phố Hàng Quạt, Hàng Đào, Cầu Gỗ… quy tụ vào hợp tác xã Đồng Tiến do cha anh Hào làm chủ nhiệm. Ngày ấy, thợ cắt tóc muốn làm nghề thì phải thông qua cuộc thi xếp cấp bậc do Sở quản lý ăn uống và dịch vụ Hà Nội tổ chức. Anh Hào đã đỗ ngay thủ khoa khóa thi và được thăng bậc hai. Đi bộ đội, làm công tác đoàn rồi có một thời gian sang Nga nhưng chưa phút giây nào anh rời xa dụng cụ dao, kéo, tông đơ. Về nước, nhớ nghề quá anh làm hòm gỗ ra cắt tóc vỉa hè Quang Trung, cho đến khi con phố bị giải tỏa anh mới về mở cửa hàng tại phố Đào Duy Anh (nay là phố Xã Đàn).
Thiên hạ lắm người vẫn nghĩ cắt tóc tầm thường. Chỉ cần sắm lấy cái gương, ít đồ dao kéo, tông đơ thì ai cũng làm thợ cắt tóc được. Một phần suy nghĩ đó từng ăn sâu vào lớp thanh niên làng Kim Liên với bao mặc cảm nghề nghiệp. Với người thợ cạo chính tông đất Kim Liên như anh Hào thì nghề cắt tóc là nghề cao quý, nghề làm đẹp cho đời, xứng đáng được trân trọng và tôn vinh. Thế hệ thứ 4, Phạm Duy, cậu con trai thứ 2 của anh chưa một lần được dạy nghề nhưng đã làm ông bố giật mình khi tận mắt chứng kiến cậu múa kéo điệu nghệ. “Hổ phụ sinh hổ tử”, anh Hào đang nuôi dưỡng và định hướng thế hệ kế cận họ Phạm với bao niềm mong mỏi và tin tưởng như ý tưởng đã thành hiện thực của việc khôi phục làng nghề thời gian qua.
Ban giám khảo hội thi cắt tóc |
Khôi phục làng nghề
Nghề cắt tóc vất vả, độc hại do thường xuyên tiếp xúc với hóa chất nên phần lớn thợ cắt tóc hầu hết là nam không hợp với phụ nữ. Trước, người làng Kim Liên chuyên cắt tóc nam nhưng giờ thì cắt cả đầu nam, đầu nữ. Chỉ học khoảng 3 tháng là người thợ cắt tóc đã có thể kiếm tiền nhưng phải mất từ 2-3 năm để thành nghề. Nghệ nhân làng chọn học viên cũng có những chỉ tiêu riêng của mình. Người học cần phải có năng khiếu và kiên trì. Hai yếu tố quan trọng không thể thiếu là kỹ thuật và tâm hồn nghệ sĩ. Sự trẻ trung, yêu thích cái đẹp sẽ giúp người thợ cho ra đời những tác phẩm tóc nghệ thuật. Có lẽ bởi vậy, người tìm đến học nghệ nhân làng không thiếu nhưng cũng không nhiều người bám trụ được dài hơi!
Cách cầm kéo là cả một sự học hỏi. Người thợ cầm bằng 3 ngón, trong đó 1 ngón khoá kéo, đánh bằng ngón tay cái. Với tông đơ bằng tay thì dùng ngón cái để khoá và bóp bằng 4 ngón sẽ tạo dáng đầu tốt hơn. Dù đã có tông đơ điện thay thế nhưng tông đơ tay vẫn được dùng song song. Nói thì có vẻ đơn giản nhưng để học được cách sử dụng đồ nghề thuần thục đòi hỏi rất nhiều sự nhẫn nại và chú tâm của người học. Thợ giỏi cần đạt được 3 tiêu chí: dáng đứng làm việc; tạo dáng, bắt phom tóc bóng, đẹp; ứng xử với khách.
Thợ làng già hay trẻ đều có chút nghệ sĩ, trẻ trung, khi tiếp xúc tất thảy đều rất vui vẻ và thân thiện! Phải chăng đấy cũng là điểm đặc biệt riêng của thợ kéo đất này?
Anh Hào tiết lộ: “Thợ cắt tóc Kim Liên có ngón nghề gia truyền, chỉ truyền cho con cháu của làng nên chúng tôi có thể phân biệt được đâu là người thợ gốc làng và người đến từ nơi khác”.
Những người thợ từ khắp nơi đổ về dự hội thi cắt tóc tại Đình Kim Liên |
Thanh niên làng mặc cảm với nghề nên làng nghề đã có lúc đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Ý tưởng khôi phục làng nghề được lên kế hoạch thực hiện. Ông Bùi Minh Hoàng - chủ tịch UBND phường Phương Liên cho biết: “Là con dân làng Kim Liên, lên làm chủ tịch phường, cả niềm riêng và chung, tôi đau đáu nỗi lo mất nghề. Cùng với anh Hào, chúng tôi đã tìm lại các tay kéo một thời trong làng giúp đỡ trong việc khôi phục nghề cổ”.
Từ năm 2005, cứ tới dịp lễ hội truyền thống đình - đền Kim Liên, cuộc thi “cây kéo vàng” lại tưng bừng diễn ra với các cuộc thi tài của những tay kéo gốc làng đến từ mọi miền đất nước. Hội thi “làng nghề truyền thống cắt tóc” năm nay khai mạc trong không khí nhộn nhịp, háo hức của đông đảo người dân và những tay kéo về tụ hội. Thi đấu không phải để hơn nhau mà thắng thua, điều quan trọng chính là chia sẻ, học tập kinh nghiệm của những tay kéo lão luyện và góp sức khôi phục lại danh tiếng tay kéo Kim Liên là ấn tượng đẹp nhất. Năm năm nhìn lại, nỗi niềm đau đáu của những nghệ nhân kéo làng dành cho nghề truyền thống đã ít nhiều được vợi bớt, khi lớp thanh niên trong làng đã bắt đầu quay lại với nghề, yêu và sống bằng nghề.
Đi vào làng Kim Liên hôm nay, người ta cảm nhận thật rõ ràng không khí tay kéo hiển hiện dù là 1 góc cắt tóc đầu con dốc hay những cửa hàng treo biển hiệu lấp lánh.
Ai bảo “nghề thợ cạo vốn không có danh”. Chữ danh ấy vốn đã đặt trang trọng trong tâm thức những người biết yêu, biết thưởng nghề kéo Kim Liên bấy lâu nay. Trang trọng trong bia đá khắc yểm mạch hành nghề thợ cạo của cụ tổ nghề địa lý Tả Ao:
Giang san một tráo, gương, lược, dao
Chơi ngông gọt gáy khách anh hào
Giàu thánh tướng ai ta cũng mặc
Vít cổ vua xoay chẳng sợ nào…
Và đang được những thế hệ trẻ của làng viết tiếp những trang vàng trang trọng vào ngày mai.
Hà An