Lan tỏa truyền thống Tôn sư trọng đạo tới học trò

GD&TĐ - Thông qua các hoạt động Đội đa dạng, sinh động, các trường phổ thông luôn chú trọng công tác giáo dục truyền thống "Tôn sư trọng đạo" cho học sinh.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Giáo dục truyền thống "Tôn sư trọng đạo"

Trước câu chuyện nữ sinh ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hoà, có lời lẽ thô tục với thầy giáo trong giờ học, việc giáo dục đạo đức, truyền thống "Tôn sư trọng đạo" cho học sinh được thảo luận sôi nổi. Tại các trường học, giáo dục học sinh lòng biết ơn, yêu thương và tôn trọng thầy cô luôn được quan tâm triển khai song song với giáo dục văn hóa.

Là giáo viên Mỹ thuật kiêm Tổng Phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh tại Trường Tiểu học Đại Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, thầy giáo An Xuân Mười được các thế hệ học trò nhắc đến bằng tên gọi gần gũi “thầy Mười Mỹ thuật”.

Thầy Mười kể, trong hơn 20 năm đi dạy, niềm vui lớn nhất của thầy là được học sinh yêu quý, tôn trọng và nhớ về bằng những kỷ niệm, tên gọi thân thiết. Nhiều học sinh đang theo học tại Trường Tiểu học Đại Hưng, khi gặp thầy trên sân trường hay ngoài hành lang, không chỉ lễ phép chào hỏi mà còn chạy lại ôm chầm lấy thầy và reo vui.

Trên vai trò Tổng Phụ trách Đội TNPT Hồ Chí Minh, thầy Mười đã tổ chức nhiều hoạt động Đội sinh động, thu hút, lôi cuốn nhằm giáo dục học sinh yêu thương, tôn trọng và biết ơn thầy cô giáo.

Nổi bật nhất, trong năm học có một số ngày lễ lớn có gắn kết với chủ đề “Tôn sư trọng đạo” như ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày 20/10, ngày 8/3, ngày 26/3...

Nhân dịp này, liên đội Trường Tiểu học Đại Hưng tổ chức cho học sinh vẽ tranh, viết lời chúc dành tặng thầy cô giáo. Giáo viên môn Mỹ thuật phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm và liên đội hỗ trợ học sinh trong hoạt động này.

Giáo dục truyền thống "Tôn sư trọng đạo" giúp học sinh phát triển toàn diện văn thể mỹ. Ảnh: NVCC.
Giáo dục truyền thống "Tôn sư trọng đạo" giúp học sinh phát triển toàn diện văn thể mỹ. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh đó trong các giờ sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt đầu tuần, liên đội đã tổ chức diễn đàn theo chủ đề, trong đó có chủ đề “Tôn sư trọng đạo”.

Theo thầy Mười, để học sinh khắc sâu hơn kiến thức và nhận thức về việc tôn trọng thầy cô giáo có rất nhiều cách xây dựng diễn đàn như tổ chức đóng tiểu phẩm, kể chuyện.

Ngoài ra, nhà trường tổ chức cho học sinh biểu diễn văn nghệ với chủ đề về thầy cô giáo. Từ đó, học sinh được bồi đắp tình yêu với thầy cô giáo, học cách bày tỏ lòng biết ơn, sự yêu mến đối với thầy cô – những người đã có công nuôi dạy mình.

Thấu hiểu và tôn trọng học sinh

Còn dưới góc độ là giáo viên môn Mỹ thuật, thầy Mười thường lồng ghép giáo dục sự tôn trọng, biết ơn thầy cô trong mỗi giờ học. Thầy giáo tâm niệm rằng nếu bản thân thầy tôn trọng học sinh, các em sẽ hiểu, học và tôn trọng thầy cô giáo.

Khi nhận xét các tác phẩm tranh vẽ của trò, thầy Mười không so sánh các em với bạn bè trong lớp mà sẽ so sánh các em với chính các em trong quá khứ. Ví dụ, nếu năm nay, một học sinh đã biết cách phối màu đẹp hơn năm trước, thầy sẽ khen em đã làm tốt hơn và có sự tiến bộ trong học tập.

Lời khen nhỏ, dù chỉ xoay quanh một chi tiết là cách phối màu, cũng giúp học sinh vui vẻ cả ngày học hôm đó. Hơn nữa, học sinh cũng cảm nhận được sự quan tâm, tôn trọng của thầy giáo dành cho mình.

Giáo dục lòng biết ơn thầy cô giáo được các trường lồng ghép trong nhiều ngày lễ lớn. Ảnh: NVCC.

Giáo dục lòng biết ơn thầy cô giáo được các trường lồng ghép trong nhiều ngày lễ lớn. Ảnh: NVCC.

Được học sinh coi như “người mẹ thứ hai”, cô Ka Mai, giáo viên môn Địa lý kiêm giáo vụ Trường PT DTNT liên huyện Tân Phú – Định Quán, tỉnh Đồng Nai cho rằng, để giáo dục học sinh biết yêu thương, tôn trọng thầy cô, trước hết mỗi giáo viên cần mở lòng, lắng nghe và chia sẻ với học sinh.

Với đặc thù trường phổ thông dân tộc nội trú, học sinh ở lại trường hàng tuần, thậm chí hàng tháng, thầy cô chính là những người cha, người mẹ thứ hai của các em. Nếu thầy cô mở lòng với học sinh sẽ nhận về sự thấu hiểu, tin yêu của các em.

Thầy cô cũng cần trau dồi và tự trau dồi các kỹ năng sư phạm, kỹ năng ứng xử với học sinh, kỹ năng xử lý vấn đề trong môi trường sư phạm... bởi lẽ học sinh, đặc biệt học sinh THCS, đang trong giai đoạn dậy thì, tâm sinh lý có nhiều thay đổi. Nếu nắm bắt được tâm lý của học sinh, thầy cô có thể linh hoạt xử lý các tình huống sư phạm và đồng hành cùng các em trên chặng đường trưởng thành.

Thầy giáo An Xuân Mười (trái) tổ chức tập huấn cho học sinh Trường Tiểu học Đại Hưng. Ảnh: NVCC.

Thầy giáo An Xuân Mười (trái) tổ chức tập huấn cho học sinh Trường Tiểu học Đại Hưng. Ảnh: NVCC.

Trong gần 40 năm đứng lớp, cô Nguyễn Thị Thảo, giáo viên dạy Vật lý tại Hà Nội, nay đã về hưu, chia sẻ, bên cạnh nhiều học sinh tôn trọng thầy cô giáo, cô đã gặp không ít em có thái độ vô lễ, thậm chí là nói hỗn với giáo viên.

Tuy nhiên, trong trường hợp này và trong quá trình đi dạy, giáo viên cần chủ động kiểm soát cảm xúc của bản thân, không để hành vi của học trò làm ảnh hưởng đến cảm xúc, lời nói và hành động của mình. Thay vì xoáy sâu vào câu chuyện, người thầy cần cho học sinh thời gian lấy lại bình tĩnh để nhận thức được sai lầm của bản thân.

Sau giờ học, giáo viên bộ môn trao đổi với giáo viên chủ nhiệm và gia đình học sinh để kịp thời uốn nắn.

Song song giáo dục văn hóa, cô Thảo cho rằng mỗi giáo viên cần chú trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Hãy đặt ra những tình huống như học sinh nổi nóng với giáo viên, học sinh có thái độ chưa tôn trọng giáo viên... để các em cùng thảo luận. Khi học sinh đã nhận thức được hành vi như vậy là sai, tiếp tục thảo luận về cách làm đúng hoặc biện pháp sửa chữa sai lầm.

"Việc được học sinh yêu quý không chỉ là niềm may mắn mà còn minh chứng rằng bản thân người giáo viên đã mang lại những giá trị tích cực hoặc lan tỏa tình yêu đến học trò. Ngoài ra, đây cũng là kết quả của việc giáo dục truyền thống “Tôn sư trọng đạo” cho học sinh", thầy giáo An Xuân Mười, giáo viên Trường Tiểu học Đại Hưng, tỉnh Hưng Yên, bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ