Muôn cách đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống học trò

GD&TĐ - Xã hội phát triển kéo theo tác động vào đạo đức, lối sống học sinh. Để giáo dục nhân cách học trò hiệu quả cần đổi mới nhận thức phương pháp.

Sân khấu hóa các vấn đề cần tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống học trò.
Sân khấu hóa các vấn đề cần tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống học trò.

Đa dạng giải pháp

Nhằm giáo dục đạo đức, lối sống học sinh hiệu quả nhiều năm trở lại đây, Trường PTDTNT tỉnh Lai Châu đã thực hiện đổi mới nội dung, hình thức tổ chức giờ chào cờ theo hướng ngắn gọn, trang nghiêm và có thêm phần hoạt động văn hóa, văn nghệ, phổ biến pháp luật...

Thời gian dành cho hoạt động này chiếm khoảng 15-20 phút/tổng số 45 phút chào cờ. Từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch tổng thể với chủ điểm từng tháng như: mừng sinh nhật Bác, an toàn giao thông, phòng tránh bạo lực học đường, chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; Ngày Thương binh liệt sĩ…

Bám sát chủ điểm từng tháng, mỗi lớp trực tuần sẽ chủ trì tổ chức, tập luyện, biểu diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc, phù hợp khác nhau. Qua đó tác động trực tiếp đến cảm xúc, suy nghĩ học trò; các kiến thức, kĩ năng cũng được truyền tải không sáo rỗng, cứng nhắc. Hoạt động này đã và đang được học sinh, giáo viên đón nhận, hưởng ứng nhiệt tình.

Tại trường THCS Lương Yên, hoạt động giáo dục lối sống, đạo đức cho học sinh được cô Đinh Phương Anh, Hiệu trưởng cho biết không chỉ lồng ghép trong một số môn học Văn học, Lịch sử, Giáo dục công dân… mà còn đẩy mạnh qua hoạt động trải nghiệm, thực tế.

Nhà trường thường xuyên mời chuyên gia các ban ngành, cán bộ ngành tư pháp, Công an, Y tế… trao đổi trực tiếp về các vấn đề “nóng”, gắn liền với học trò như: Quyền của người tham gia sử dụng mạng xã hội trong đó nhấn mạnh tới đối tượng học trò; Thủ đoạn lôi kéo, tấn công học trò từ đối tượng xấu; An toàn giao thông; Giáo dục giới tính…

Đổi mới giờ chào cờ để giáo dục đạo đức học trò hiệu quả.

Đổi mới giờ chào cờ để giáo dục đạo đức học trò hiệu quả.

Theo cô Đinh Phương Anh, học sinh hiện nay được tiếp cận nhiều với công nghệ số nên các thông tin, hình ảnh, trò chơi qua mạng biết khá nhiều. Song không phải em nào cũng đủ độ “chín” để thanh lọc thông tin, vấn đề mình tiếp nhận. Đây chính là cơ hội để những thông tin, trò chơi… xấu trên mạng xâm nhập làm lệch lạc hành vi, lối sống.

Trong khi đó, giáo dục tại nhà trường nếu chỉ giáo dục đạo đức, lối sống thông qua kiến thức thì chưa đủ và không kém hiệu quả. Do đó nhà trường đẩy mạnh giáo dục qua hoạt động trải nghiệm thực tế, sân khấu hóa các vấn đề xã hội cần truyền tải; mời chuyên gia trao đổi…

“Được mắt thấy, tai nghe, cảm nhận thực tế sẽ đã giúp giáo dục đạo đức, lối sống học sinh hiệu quả hơn so với giáo dục chỉ với lý thuyết trên lớp; Mặt khác, được trao đổi cùng các chuyên gia, người có chuyên môn sâu về các vấn đề mà học sinh đang quan tâm sẽ cuốn hút học trò hơn nhiều so với giáo viên, nhân viên y tế, đoàn đội nhà trường truyền tải, lồng ghép trong tiết học ngoại khóa… Đổi mới phương pháp để giáo dục đạo đức, lối sống, hướng tới giáo dục toàn diện học trò trong mỗi nhà trường vô cùng cần thiết và không thể chậm trễ…”, cô Đinh Phương Anh khẳng định.

Cô Nguyễn Lan Phương, giáo viên Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng cho rằng giáo dục nhân cách học trò cần đổi mới, linh hoạt về phương pháp để phù hợp với từng lứa tuổi.

Với học sinh tiểu học, dù sự cảm nhận chưa nhiều nhưng nếu được giáo dục sớm và thông qua việc làm, hoạt động cụ thể các em dễ nắm bắt và được tạo thói quen, ý thức ngay từ nhỏ. Ví như, để giúp học sinh tham gia giao thông tới trường đúng cách, có văn hóa, an toàn… giáo viên dẫn học trò đi bộ trong phạm vi 1 con phố, hướng dẫn chức năng đèn xanh, đèn đỏ, vạch phân cách, chức năng vỉa hè, lòng đường. Từ sự hiểu biết này sẽ hình thành trong học sinh kĩ năng, văn hóa giao thông …

“Nhiều phụ huynh đã trao đổi, những tiết học trải nghiệm về an toàn và văn hóa giao thông của nhà trường dù đơn giản, dễ thực hiện nhưng tác động tích cực tới học trò. Thậm chí, nhiều em trở thành những tuyên truyền viên nhắc nhở bố mẹ, anh chị trong quá trình tham gia giao thông chưa đúng quy định. Và nếu bài học về an toàn và văn hóa giao thông chỉ trải nghiệm trong phạm vi sân trường thì kỹ năng, văn hóa giao thông trong học trò cũng chưa thể phát huy hết như khi tham gia thực tế…”, cô Phương trao đổi.

Để giáo dục toàn diện

TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh (Giám đốc Học viện Thành Công, Hà Nội) cho rằng trong cuộc sống hiện đại có nhiều hoạt động phong phú, đòi hỏi ở con người nhiều khả năng, kĩ năng, kĩ thuật, thể hiện được bản sắc, cá tính, hiểu biết. Mặt khác, học sinh học được từ cuộc sống, cha mẹ, bạn bè, xã hội về lối sống, hành vi, ứng xử… nhiều hơn là các kiến thức trong trường phổ thông.

Trong khi đó nhiều nhà trường lại quan tâm dạy kiến thức nhiều hơn kĩ năng và rèn luyện thái độ, lối sống, đạo đức học trò. Có những trường, thầy cô đánh giá học sinh nhiều hơn qua thang điểm, các bài làm, điểm số tổng kết, xếp loại…

Giáo dục lối sống cho học trò qua hoạt động trải nghiệm.

Giáo dục lối sống cho học trò qua hoạt động trải nghiệm.

Sự biến đổi của xã hội, đổi mới giáo dục cần thầy cô nhà trường đổi mới cách nhận thức về tuổi teen, học trò, và những vấn đề thực tế của xã hội. Thầy cô, nhà trường cần thay đổi cách nhìn nhận mục tiêu giáo dục, cách thể hiện của học sinh để hiểu và không “bức xúc” không cần thiết. Cần bình tĩnh tìm cách giáo dục đạo đức, lối sống chưa phù hợp, lệch chuẩn của học sinh và đánh giá các em một cách công bằng hơn.

TS Vũ Việt Anh cho rằng có những học sinh phạm lỗi hoặc mắc sai lầm. Nếu giáo viên biết phớt lờ tha thứ thì sự tha thứ đó lại là cứu vớt, tạo cơ hội giúp học sinh vượt lên. Có những học sinh thuộc diện bất trị, giáo viên cũng không nên dùng nguyên tắc, sự cứng nhắc để điều chỉnh. Đôi khi phải lờ đi như không biết, hoặc biết mà không xử lý để học trò tự nhận thức, tự kỷ luật.

Có trường hợp học sinh dùng lời lẽ không tốt, chửi giáo viên qua tin nhắn. Cô giáo bức xúc kể với đồng nghiệp và xử lý bằng phương pháp truyền thống là mời cha mẹ, bắt làm bản kiểm điểm, bắt nhận lỗi…

Học sinh có thể nhận lỗi trước mặt cô nhưng điều đó không nói lên sẽ thay đổi hoặc đã nhận ra lỗi bản thân, thậm chí vẫn thù ghét cô. Thay vào đó, giáo viên có thể gặp riêng để hỏi, phân tích, và bỏ qua lỗi lầm học sinh. Điều đó khiến các em thêm nể trọng, thấy được bao dung, đại lượng từ thầy cô mà nhìn lại bản thân và tự sửa đổi.

Giáo dục đạo đức lối sống, hướng tới giáo dục toàn diện cho học sinh trong bối cảnh hiện nay không dễ dàng nếu không nói còn nhiều khó khăn thách thức. Muốn làm tốt điều đó, từ nhà trường tới thầy cô, cha mẹ thể không không đổi mới hình thức, phương pháp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tra cứu điểm vnedu trực tuyến