Giáo dục đạo đức qua các chuyên đề dưới cờ

GD&TĐ - Bằng những hoạt động đa dạng, các em học sinh được giáo dục về lòng biết ơn, sự tri ân đối với các bà, các mẹ và thầy cô giáo nhân dịp ngày 20/10.

Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) luôn tổ chức các chuyên đề dưới cờ đầy ý nghĩa cho học sinh.
Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) luôn tổ chức các chuyên đề dưới cờ đầy ý nghĩa cho học sinh.

Giáo dục về lòng biết ơn

Sáng 17/10, Trường THPT Phan Đình Phùng đã tổ chức chuyên đề sinh hoạt dưới cờ với chủ đề "Chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10". Cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đây là một trong số các hoạt động thường xuyên của trường nhằm góp phần giáo dục cho các em học sinh về đạo đức, lối sống, kỹ năng sống.

"Tuần này có sự kiện kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nhà trường cũng mong muốn qua buổi sinh hoạt chuyên đề này, học sinh sẽ học được những bài học về lòng biết ơn trước sự hi sinh, cống hiến của các bà, các mẹ dù trong thời chiến hay thời bình. Chính các em sẽ là những người lên kịch bản, thể hiện trên sân khấu với những hoạt cảnh sinh động để truyền tải thông điệp ý nghĩa đó tới các bạn của mình" - cô Nhâm Huyền chia sẻ.

Các tiết mục sinh động, ý nghĩa của các em học sinh mang thông điệp về lòng biết ơn đấng sinh thành.

Các tiết mục sinh động, ý nghĩa của các em học sinh mang thông điệp về lòng biết ơn đấng sinh thành.

Hình tượng người phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ luôn hiện lên thật đẹp và đáng tự hào bởi đức tính cần cù, chịu thương chịu khó và sẵn sàng động viên những đứa con của mình ra chiến trận khi Tổ quốc cần. Tại chương trình, các em học sinh lớp 10A7, 11D4 và 11D7 đã khéo léo xây dựng lên những tiết mục hát múa kết hợp nhiều hoạt cảnh trong thời đại xưa và nay.

"Bác Hồ kính yêu đã từng nói, giang sơn gấm vóc Việt Nam do phụ nữ Việt Nam trẻ cũng như già dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ. Từ đó có thể thấy, người phụ nữ Việt Nam luôn gắn liền với Tổ quốc. Đất nước là cội nguồn, là máu thịt và là những gì thiêng liêng nhất đối với mỗi người con Việt Nam. Qua các tiết mục hôm nay, các em đã phần nào thể hiện rất đúng tinh thần đó và khơi gợi được sự tự hào về người phụ nữ Việt Nam", cô Nhâm Huyền nói.

Thời gian dần trôi, xã hội phong kiến cũ và chiến tranh đã lùi xa nhường chỗ cho một xã hội hiện đại, tiên tiến hơn. Xã hội thay đổi cũng kéo theo những chuẩn mực thay đổi, trong đó có quan niệm về vai trò của người phụ nữ. Ngày nay, phụ nữ ngày càng có vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực xã hội, góp phần xây dựng nền kinh tế - xã hội của đất nước.

Đa dạng các hoạt động tuyên truyền

Em Nguyễn Thị Giang đến từ lớp 7A6 Trường THCS Đông La thuyết trình phần thi cắm hoa với tên gọi "Gánh mẹ" thể hiện sự tri ân với bao nỗi vất vả của mẹ dành cho con.

Em Nguyễn Thị Giang đến từ lớp 7A6 Trường THCS Đông La thuyết trình phần thi cắm hoa với tên gọi "Gánh mẹ" thể hiện sự tri ân với bao nỗi vất vả của mẹ dành cho con.

Tương tự, Trường THCS Đông La (Hoài Đức, Hà Nội) cũng rất chú trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh thông qua các hoạt động khác nhau. Nổi bật trong số đó chính là hoạt động sinh hoạt dưới cờ đầu tuần theo chủ đề từng tháng.

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Dung cho hay, ngày 17/10, nhà trường đã tổ chức chương trình chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Đây cũng là dịp để chúng ta cùng nhìn lại những truyền thống tốt đẹp mà lớp lớp thế hệ đi trước đã để lại về sự hi sinh, nỗi vất vả của các bà, các mẹ đã cống hiến cho quê hương, đất nước để có được hòa bình, thống nhất như ngày nay.

"Quả thực không có đại dương nào mênh mông bằng lòng mẹ, cũng chẳng có kì quan nào đẹp tựa tình yêu mẹ dành cho con. Người mẹ đã mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng ta khôn lớn, bao dung mọi lỗi lầm của ta, sẵn sàng hi sinh vô điều kiện để mang đến cho ta những điều tuyệt vời nhất. Lòng mẹ là nơi con xuất phát cũng chính là nơi con trở về, là bến đỗ bình yên nhất của con. Tình yêu của mẹ chính là hành trang vững chắc nhất để con bước vào đời và để con vượt qua mọi khó khăn, thử thách" - em Nguyễn Thị Giang, học sinh lớp 7A6 tâm sự.

Em Bùi Phương Anh - học sinh lớp 11D4, Trường THPT Phan Đình Phùng chia sẻ: "Cả 3 lớp chúng em đều có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ từ thầy cô. Với em, mỗi chuyên đề sinh hoạt dưới cờ cũng chính là những bài học đắt giá về tình yêu quê hương, đất nước. Từ đó giúp chúng em thêm yêu và tự hào về Tổ quốc mình. Qua buổi hôm nay, em càng nhận thức rõ hơn trách nhiệm của thế hệ trẻ với những cống hiến, sự hi sinh của các thế hệ đi trước để ra sức phấn đấu học tập tốt, góp phần dựng xây đất nước thêm giàu đẹp".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.