'Làm mới' ngoại khóa giáo dục đạo đức lối sống

GD&TĐ - Giáo dục đạo đức lối sống được triển khai đa dạng qua các hoạt động ngoại khóa bổ ích, gần gũi, khơi gợi hứng thú học tập cho học sinh.

Tăng sự tương tác, trao đổi giữa giáo viên và học sinh qua sinh hoạt trải nghiệm.
Tăng sự tương tác, trao đổi giữa giáo viên và học sinh qua sinh hoạt trải nghiệm.

Bồi đắp giá trị văn hóa, lịch sử

Ngay từ đầu năm học 2022 -2023, nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xây dựng và triển khai hiệu quả chủ đề sinh hoạt đầu tuần, ngoại khóa để giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh. Qua đó, tạo hứng thú học tập, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ.

Tại Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) tiết sinh hoạt ngoại khóa qua vở biểu diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ vừa được tổ chức cuối tuần đã giúp học sinh được khám phá văn hoá dân gian. Đặc biệt, bồi đắp thêm kiến thức lịch sử và tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh.

Cụ thể, vở biểu diễn Tinh hoa Bắc Bộ có thời lượng 55 phút, 6 phần chính gồm: Thi ca, cõi Phật, hoài cổ, nhạc họa, an vui và ngày hội. Vở diễn đã tái hiện những câu chuyện lao động, học tập của người Việt thông qua các đại cảnh lớn dưới nước, lồng ghép vào đó là tiếng mưa, tiếng ve gọi hè hay tiếng đan lát áo mưa rơm…

Vở diễn có sự tham gia của 300 diễn viên chuyên nghiệp sẽ mang lại một cảm xúc mãn nhãn, đầy tự hào, thêm yêu đất nước con người Việt Nam. Đặc biệt, có nhiều diễn viên chính là người dân xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội. Đây cũng là Chương trình Thực cảnh hay nhất do CNN của Mỹ bình chọn.

Xen kẽ vào chương trình Lịch sử ngoại khóa, học sinh trường THCS Giảng Võ còn tham gia các hoạt động gồm: xem biểu diễn Cá heo - Sứ giả truyền tin; tham gia vào các trò chơi dân gian như Múa sạp, ném còn, đi cà kheo…

Một trong những tiết mục qua vở diễn thực cảnh Tinh Hoa Bắc Bộ.

Một trong những tiết mục qua vở diễn thực cảnh Tinh Hoa Bắc Bộ.

Đại diện Ban giám hiệu trường THCS Giảng Võ đánh giá, vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ ngoài việc giúp học sinh thêm tình yêu đam mê với lịch sử cội nguồn dân tộc thì còn giúp các em cân bằng cảm xúc trong học tập. Vở diễn cũng tái hiện lại những nét tinh hoa văn hóa dân tộc giàu truyền thống như dân ca quan họ Bắc Ninh, hát ca trù, tín ngưỡng thờ Mẫu...giúp học sinh có thêm kiến thức văn hóa.

Còn tại trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình, Hà Nội), cô Nguyễn Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, buổi sinh hoạt dưới cờ chuyên đề “Khởi nguồn ước mơ” vừa được tổ chức. Hoạt động với mong muốn cho học sinh hiểu được và có thêm động lực để kiên trì theo đuổi ước mơ.

“Bất kể đích đến nào từ học tập đến cuộc sống, đều được bắt đầu từ những ước mơ. Khi mỗi học sinh biết ước mơ, các con sẽ có mong muốn đạt được ước mơ đó, và “Khởi nguồn ước mơ” cũng chính là một slogan của Trường THCS Thăng Long.

Khi các con bước chân vào cổng trường, các con đã được nuôi dưỡng những ước mơ của mình. Từ đó, sẽ biết tu dưỡng, rèn luyện, sẽ trau dồi bản thân, có những hành động cụ thể, để đạt được ước mơ của mình.

Chuyên đề cũng hướng đến giáo dục các con tính kiên trì. Kiên trì theo đuổi, thực hiện ước mơ thì sẽ dẫn đến thành công. Nhà trường cũng luôn có các chuyên đề giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong các buổi sinh hoạt dưới cờ và ở các hoạt động khác…”, cô Nguyễn Thanh Hà chia sẻ.

Giáo dục đạo đức từ truyện ngụ ngôn

"Động lực học tập" là chủ đề của tiết sinh hoạt ngoại khóa vừa được trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa, Hà Nội) tổ chức. Theo cô Nguyễn Thị Thảo - giảng viên đến từ Trung tâm đào tạo Vietfuture cho biết, buổi sinh hoạt giúp học sinh có thêm nhiều cảm hứng hơn trong việc học. Bởi, thay vì để những người xung quanh tác động, các em sẽ tự tìm ra động lực để tự học, học vì mình, vì ước mơ, thậm chí là vì đam mê của bản thân.

Trong buổi học, các em có thể thoải mái nêu ra quan điểm, ý kiến của bản thân về việc học. Các em được tham gia những trò chơi khác nhau để hiểu được rằng học tập không chỉ trên ghế nhà trường mà học tập là ở mọi lúc, mọi nơi và bất cứ khi nào cũng có thể học tập được.

Học sinh trường THCS Lý Thường Kiệt hào hứng trong giờ sinh hoạt ngoại khóa.

Học sinh trường THCS Lý Thường Kiệt hào hứng trong giờ sinh hoạt ngoại khóa.

"Tôi đưa các câu chuyện ngụ ngôn vào tiết học để các em hiểu được rằng cần phải vượt qua rất nhiều quá trình rèn luyện khổ cực, vất vả thì mới có thể đến được với thành công. Trong học tập cũng vậy, sẽ có những lúc các con cảm thấy chán nản, mệt mỏi nhưng để thực hiện được ước mơ và mục tiêu của mình thì các con phải tự mình vượt qua được…”, cô Thảo thông tin.

Giảng viên Thảo cũng cho hay, thông điệp muốn nhắn gửi tới học sinh trong buổi học là giảng viên sẽ giúp các em đi trên con đường ngắn nhất dẫn đến thành công. Vì vậy, các em cần phải cố gắng, nỗ lực không ngừng để thực hiện được ước mơ của bản thân.

Từ các trò chơi, bài học thực tiễn hay câu chuyện ngụ ngôn giảng viên Thảo đã đưa được các kiến thức cần thiết cho học sinh một cách đơn giản và dễ hiểu. Đặc biệt là giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh từ việc hướng dẫn giúp học sinh THCS biết tự quản lý tiền và trân quý sức lao động, tiền bạc. Sẵn sàng tham gia lao động cùng bố mẹ, giúp đỡ bố mẹ làm các việc nhỏ hàng ngày như nấu cơm, rửa bát hay dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp…

"Tự tin là chính mình khi bước vào tuổi dậy thì, thấu hiểu tâm lý, sự khác biệt giới tính và không kì thị giới tính thứ 3. Can đảm và mạnh mẽ khi đứng trước nỗi sợ hãi và những khó khăn. Ngoài ra, các em sẽ biết yêu thương gia đình, cha mẹ và những người xung quanh...", đó là những thông điệp bài giảng đến từ Trung tâm đào tạo Vietfuture.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thu Hương, chủ nhiệm lớp 5A5, Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình, Hà Nội) đánh giá, tiết ngoại khóa với chương trình "thiếu nhi đột phá" được nhà trường phối hợp với Trung tâm đào tạo Vietfuture rất bổ ích.

Hoạt động ngoại khóa giúp học sinh thêm kiến thức về văn hóa, truyền thống của dân tộc.

Hoạt động ngoại khóa giúp học sinh thêm kiến thức về văn hóa, truyền thống của dân tộc.

Chương trình với câu chuyện ngụ ngôn gần gũi, khơi gợi hứng khởi học tập cho các con, đặc biệt công tác giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh.

Cô Hương tâm sự, nhiều tiết học trên lớp có kiến thức tương đối nặng nên học sinh phải tập trung, giữ trật tự tránh làm ảnh hưởng bạn bè. Tuy nhiên, tiết ngoại khóa, ngược lại, rất sôi động vì các em có thể liên tục trả lời, đặt câu hỏi với giảng viên đứng lớp.

Cô Hương cũng bày tỏ mong muốn cơ quan có thẩm quyền thí điểm 1-2 tiết/tháng về ngoại khóa kỹ năng sống để các em có thể thư giãn, vận động sau các giờ học chính khóa căng thẳng.

Nói về các hoạt động ngoại khóa, cô Nguyễn Thị Vân Anh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Đồng cho biết, Nhà trường nỗ lực để chọn các địa điểm phù hợp với hoạt động thực tế và gắn kết với chương trình học của học sinh từng khối lớp, tăng cường giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh.

Đơn cử, tổ chức học sinh đi tham quan các làng nghề truyền thống, các di tích lịch sử, vở biểu diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ… Từ đó, thêm yêu quý trân trọng giá trị truyền thống của dân tộc, có thêm những hiểu biết về lịch sử của cha ông. Góp phần quan trọng vào hình thành và phát triển năng lực giúp cho việc học tập hiệu quả và tích cực hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.