Bài học về xử lý tình huống sư phạm

GD&TĐ - Những ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền một clip ghi lại cảnh nữ sinh văng tục  thách thức thầy giáo ngay ở lớp.

Xử lý tình huống khéo léo trong sư phạm là cách giáo dục tốt nhất cho học sinh. Ảnh minh họa
Xử lý tình huống khéo léo trong sư phạm là cách giáo dục tốt nhất cho học sinh. Ảnh minh họa

Bên cạnh việc lên án hành vi lệch chuẩn của học sinh, các chuyên gia cho rằng, giáo viên cũng cần có kỹ năng xử lý trước những tình huống sư phạm ngoài giáo án.

Lệch chuẩn

Thầy Hà Văn Thọ - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) - xác nhận sự việc trên được cho là xảy ra tại trường mình. Nhà trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phối hợp với gia đình để nắm tình hình, động viên học sinh tiếp tục đi học. “Chúng tôi sẽ trực tiếp làm việc với phụ huynh để có hướng xử lý phù hợp” - thầy Hà Văn Thọ nói.

Sau sự việc trên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh đã có tâm thư với lời tựa: “Hãy tin tưởng chúng tôi”. Trong thư, thầy Thọ viết, Hội đồng nhà trường, cùng gia đình đang tìm hiểu sự việc, cùng nhau tìm cách giáo dục, uốn nắn học sinh để các em nhận thấy cái sai, cái thiếu chuẩn mực mà sửa đổi.

Nữ sinh văng tục với thầy giáo. Ảnh: Cắt từ clip/Internet

Nữ sinh văng tục với thầy giáo. Ảnh: Cắt từ clip/Internet

“Trong lúc này đây, chúng tôi mong muốn mọi người đồng hành và chia sẻ để cùng nhà trường giáo dục những học sinh chưa ngoan để các em tốt hơn khi rời khỏi ghế nhà trường. Chúng tôi đang tìm cách tốt nhất để dạy dỗ. Chúng tôi tin tưởng, bằng sự quan tâm và cảm thông sâu sắc, bằng tình cảm yêu thương chân thành của người thầy đối với học sinh sẽ uốn nắn được các em đi đúng con đường. Các em sẽ nhận thấy được cái sai của mình để sửa đổi, nhất định các em sẽ có những ký ức đẹp đẽ trong cách giáo dục của chúng ta” – thầy Thọ viết.

Trước sự việc này, ông Võ Hoàn Hải – Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa - cho hay, quan điểm của ngành Giáo dục là xử lý nghiêm, tuy nhiên cũng cần hài hòa, không nên vì một lỗi lầm mà hủy hoại tương lai của trò, thầy giáo trong clip. Đây là sự việc đáng tiếc, không nên có và cần có biện pháp xử lý phù hợp chứ không trù dập nữ sinh. Ông Hải mong muốn dư luận chia sẻ để nữ sinh này có cơ hội sửa chữa cái sai của mình và tiếp tục tới trường.

Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Ảnh: Facebook nhà trường

Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Ảnh: Facebook nhà trường

Tránh tình huống “leo thang cảm xúc”

Cho rằng, đây là tình huống sư phạm ngoài giáo án, TS Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Tâm lý – Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục - nhấn mạnh, chúng ta cần suy nghĩ thấu đáo trước tình huống này. Trước hết, hành vi lệch chuẩn của học sinh cho thấy, trong nền giáo dục dân chủ, khai phóng nếu không triển khai phù hợp, không thông tin đầy đủ sẽ làm cho học trò hiểu chưa đúng.

Các em có thể nghĩ rằng, mình được tôn trọng, được bảo vệ, được thụ hưởng các dịch vụ học đường mà quên mất trách nhiệm, nghĩa vụ hợp tác và thái độ tôn trọng đối với người khác, đặc biệt là nhà giáo - người đang hàng ngày dạy dỗ mình.

Trong ứng xử sư phạm, người thầy dường như đang “chới với” giữa cách giáo dục cũ. Thầy giáo cũng chưa hiểu đúng, chưa áp dụng đúng cách giáo dục mới dẫn đến không đủ quyết liệt, “mất uy” trong giáo dục học trò.

Theo TS Hoàng Trung Học, thầy giáo cần lưu ý trong các tác động sư phạm cần tránh những đụng chạm cơ thể, đặc biệt với học sinh khác giới. Đặc biệt, cần kiểm soát hành vi và cảm xúc, tránh tình huống “leo thang cảm xúc” ở cả thầy và trò, gây ra những tổn thương cho cả hai bên.

TS Trịnh Thị Xim - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương - cho rằng, giáo viên phải được trang bị kỹ năng xử lý tình huống. Khi đứng trên bục giảng, có thể có vô vàn tình huống “éo le”, thậm chí là “dở khóc, dở cười” nhưng giáo viên phải biết quản trị cảm xúc. “Trong nhiều trường hợp, giáo viên phải lắng nghe học sinh nói, không áp đặt, giáo điều... Hãy là bạn của học trò để đồng hành cùng các em”

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, kỹ năng không tự nhiên mà có. Vì thế, giáo viên phải rèn luyện thường xuyên, liên tục thông qua quan sát, qua việc làm và độ “nhạy”, tinh tế của người thầy. Ngoài ra, giáo viên cần tự tìm tài liệu để tự học, tự trang bị cho mình năng lực sư phạm để có những ứng xử chuẩn mực, phù hợp trước mọi tình huống.

Ở góc độ học sinh, TS Trịnh Thị Xim nhìn nhận, giáo dục từ gia đình có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách. Trước hết, cha mẹ phải là tấm gương, hình mẫu để các con học tập, noi theo và dạy các con từ “lời ăn, tiếng nói”. “Tôi vẫn nhấn mạnh, giáo dục đạo đức, nhân cách của học sinh phải được quan tâm, chú trọng ngay từ bậc mầm non. Cây non dễ uốn, cho nên cha mẹ cần hiểu điều này để đầu tư cho các con trong 6 năm đầu đời. Khi trưởng thành, các em sẽ là cây xanh vững vàng trước mọi bão tố” - TS Trịnh Thị Xim nhấn mạnh.

Trong mối quan hệ “kiềng 3 chân”: Nhà trường, gia đình và xã hội, TS Trịnh Thị Xim đặc biệt lưu tâm đến “mắt xích” gia đình. Sự chuẩn mực từ cha mẹ sẽ giúp các con trưởng thành và hoàn thiện về phẩm chất, đạo đức. Hơn bao giờ hết, gia đình hãy chia sẻ và đồng hành với nhà trường trong giáo dục con cái; tuyệt đối không đẩy hết trách nhiệm cho thầy, cô giáo và nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tàu sân bay USS Harry S. Truman tại Biển Đỏ.

Mỹ phóng 200 tên lửa đối phó Houthi

GD&TĐ - Theo War Zone, Hải quân Mỹ phóng gần 400 quả đạn, trong đó có hơn 200 tên lửa, để đối phó các đòn tập kích của Houthi trong hơn 10 tháng qua.

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.