Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai: Thử nghiệm mô hình 'mũi tên, hòn đạn'

GD&TĐ - Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là vấn đề lớn, cần có chiến lược và lộ trình cụ thể...

Học sinh Trường Phổ thông Liên cấp Phenikaa. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường Phổ thông Liên cấp Phenikaa. Ảnh: NTCC

Chênh lệch trình độ

Là trung tâm chính trị - hành chính - văn hóa và kinh tế của Thủ đô Hà Nội, quận Ba Đình có hơn 50 nghìn học sinh và khoảng 4 nghìn giáo viên. Theo TS Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT, dù có nhiều thuận lợi nhưng Ba Đình vẫn gặp những khó khăn nhất định trong dạy - học tiếng Anh. Chẳng hạn như chênh lệch về trình độ giáo viên giữa các trường; thiếu hụt đội ngũ giáo viên giỏi chuyên môn, kinh nghiệm. Cùng đó, chênh lệch trình độ học sinh giữa các trường, lớp…

Theo PGS.TS Hà Lê Kim Anh, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai cần từng bước, không nóng vội. Khi đặt ra vấn đề này, cần mô tả tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học như thế nào? Chia các cấp độ khác nhau ra sao… Sau đó, chúng ta phải có lộ trình, kế hoạch, với những bước đi cụ thể.

Từ góc độ cơ quan quản lý giáo dục địa phương, TS Lê Đức Thuận thấy khó khăn của việc dạy học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng ở hai vấn đề: Thứ nhất, đội ngũ giáo viên thiếu cả lượng và chất. Thứ hai, mục tiêu Chương trình GDPT 2018 đã rõ nhưng có thầy, cô giáo dạy để thi nên học sinh học để đi thi, phụ huynh cũng cho con học vì điểm số… Vô hình trung khiến mục tiêu việc dạy học ngoại ngữ bị lệch.

Ngoài ra, trong 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, học sinh có thể tự tin về đọc và viết, nhưng giao tiếp nhiều hạn chế. “Tôi nghĩ, tiếng Anh là sinh ngữ nên nếu không có môi trường, thiếu khích lệ động viên, phương pháp luận... sẽ rất khó”, TS Lê Đức Thuận nêu ý kiến.

Việc chênh lệch trình độ tiếng Anh thể hiện rõ ở đầu vào của sinh viên Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam (BUV), bà Võ Hồng Hạnh - Giám đốc Marketing & Truyền thông chia sẻ, ở điều kiện đầu vào, phần lớn sinh viên BUV giỏi kỹ năng đọc, viết nhưng nghe, nói có độ lệch lớn. Có sinh viên trình độ tiếng Anh tương đương IELTS 6.5 nhưng khả năng nghe, nói chỉ tương đương IELTS 3.5.

Là đơn vị triển khai nhiều chương trình đào tạo tiếng Anh ở các cấp, bậc khác nhau, TS Đàm Quang Minh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Equest (TPHCM) cho hay, trước đây, được IELTS 5.5 hay 6.5 đã thấy rất giỏi. Giờ đây, con số này ngày càng phổ biến. Mức độ các bạn đạt IELTS 9.0 xuất hiện khá nhiều. Có thể thấy, mặt bằng chung tiếng Anh tăng đáng kể.

“Tại Singapore, các bạn trẻ nói tiếng Anh rất chuẩn, xuất sắc. Đây là cuộc đua và các quốc gia phải đẩy mạnh tốc độ phát triển. Việt Nam không thể hài lòng với tốc độ phát triển hiện tại, dù đã có nhiều nỗ lực. Thuận lợi trong việc giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam là, nếu học tốt bộ môn này sẽ đem lại lợi ích trực tiếp cho học sinh và người dân”, TS Đàm Quang Minh nhìn nhận và mong muốn, khi chiến lược quốc gia tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 được đưa vào, sẽ có những điều kiện triển khai tiếng Anh nhanh hơn.

dua-tieng-anh-tro-thanh-ngon-ngu-thu-hai-2-8137.jpg
Giờ học tiếng Anh của cô - trò Trường Tiểu học Lơ Pa (Mang Yang, Gia Lai). Ảnh: Website nhà trường

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Từng viết tâm thư gửi Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề xuất, cần có quốc sách đối với việc dạy - học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân, GS.TS Trần Văn Nhung - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ về lý do viết tâm thư: Thế hệ trẻ rất thông minh. Khi thế giới bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo thì công nghệ thông tin và ngoại ngữ được ví như như “hai chân” có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu.

“Chúng ta đang làm rất tốt về công nghệ thông tin, bởi người Việt Nam nhanh nhạy, chịu khó học, thích logic. Tuy nhiên, về tiếng Anh đang yếu. Chúng ta sẽ khó khăn để có thể ‘chạy đua’ với các quốc gia khác, nhất là trong bối cảnh các nước phải cạnh tranh bằng năng lực như hiện nay”, GS.TS Trần Văn Nhung nhìn nhận.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, nếu có một chỉ thị dành cho ngoại ngữ, đặc biệt tiếng Anh tương tự như Chỉ thị 58/CT-TW về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá” thì “chân” còn lại về tiếng Anh sẽ khỏe dần. Khi đó, cùng với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, xã hội, việc dạy - học, sử dụng tiếng Anh trên đất nước ta sẽ được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt và có những bước tiến ngoạn mục.

“Công thức” con người cần có trong thời Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạolà: Sức khỏe tốt + Trái tim nhân hậu và yêu nước + Bộ óc tốt + Kỹ năng sống tốt + Tiếng Anh (ngoại ngữ) + Công nghệ thông tin và truyền thông”, GS.TS Trần Văn Nhung đề xuất.

Để có thể thực hiện mục tiêu đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý. Chẳng hạn, trong Luật Giáo dục phải có quy định tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.

Liên quan đến hành lang pháp lý, bà Nguyễn Thị Mai Hoa đặt vấn đề, giả sử có những chương trình từ trường ngoài công lập muốn đưa vào để hỗ trợ các trường công lập thì cơ sở pháp lý, thủ tục như thế nào? Đây là những vướng mắc, cần tiếp tục hoàn thiện và sẽ là khâu đầu tiên phải đột phá. Ngoài ra, cần có chính sách và chiến lược mang tính đường hướng nhưng phải được cụ thể hóa thành các đề án. Tất nhiên, phải có nguồn lực, nếu không chúng ta không thể làm được.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Quan điểm này đúng, chủ trương hay nhưng khi thực hiện mỗi một địa phương có sự phân bổ khác nhau. Đâu đó, có nơi quan tâm nhiều hơn tới đầu tư cho những con đường, công trình, còn đầu tư cho giáo dục sẽ ưu tiên sau, không phải là ưu tiên trước.

“Vì vậy, để đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường, trước hết phải có đề án cụ thể. Hiện, có một số đề án, nhưng chúng ta đánh giá các đề án đó như thế nào, rút ra những kinh nghiệm gì? Từ đó phải có những đề án mới”, bà Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.

Trong các đề án này, nếu xét đến tính ưu tiên, đầu tiên phải là đào tạo đội ngũ giáo viên. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, để đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, không đơn thuần là dạy ngoại ngữ, mà cần có giáo viên dạy song ngữ cho những môn khoa học cơ bản trong nhà trường. Đây mới là cái khó, bởi ngoài các trường ngoài công lập, hầu như trường công lập không có đội ngũ này.

Giải quyết bài toán trên, trước hết cần bắt đầu từ việc đầu tư cho các cơ sở đào tạo giáo viên. Đó không chỉ là các trường sư phạm, mà phải mở ra các khoa ở trường đào tạo khoa học cơ bản. Khi đó, họ có kiến thức về Toán, Vật lý, Hóa học với các môn khoa học cơ bản khác nhưng sẽ được học thêm ngoại ngữ để có thể trở thành giáo viên dạy trong trường phổ thông. Muốn vậy, phải có đề án, chiến lược rõ, với sự chuẩn bị kỹ càng.

Bên cạnh đó, cần có những đề án liên quan tới cơ sở vật chất, hạ tầng. Bà Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh, đây là bài học của nhiều nước và cũng là kinh nghiệm khi triển khai Chương trình GDPT 2018. Việc đưa ngoại ngữ trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường không thể dạy - học chay.

Chúng ta phải có phòng học bộ môn, đưa phương tiện, công nghệ vào hỗ trợ. Điều này cần sự đầu tư và có tính ưu tiên. Những nơi nào xã hội hóa được thì chúng ta khuyến khích, nhưng vùng sâu, xa, dân tộc thiểu số thì phải dùng ngân sách của Nhà nước trên tinh thần công khai, minh bạch và hiệu quả.

“Chúng ta đang triển khai Chương trình GDPT 2018, với chương trình này, muốn đưa ngoại ngữ là ngôn ngữ thứ hai thì phải tính, bởi không thể đồng loạt, ồ ạt các môn đều dạy song ngữ, vì không có người và cơ sở vật chất. Do đó, phải có những định hướng, chủ trương rõ nét”, bà Nguyễn Thị Mai Hoa nêu vấn đề.

dua-tieng-anh-tro-thanh-ngon-ngu-thu-hai-1-4301.jpeg
Giờ học của ngành Sư phạm Toán học - dạy Toán bằng tiếng Anh của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: INT

Cần người đi trước

Để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, GS.TS Trần Văn Nhung nhận thấy toàn bộ cái khó sẽ nằm ở vùng khó. Tất cả chiến lược này thành hay bại phụ thuộc vào việc chúng ta thực hiện ở các vùng khó thế nào. Bên cạnh đó, chúng ta phải chấp nhận “mô hình khí động học” hay “mô hình mũi tên nhọn”, không thể dàn hàng ngang để cùng tiến lên trong giáo dục.

Ngoài ra, chúng ta nên đi theo phương châm “mũi tên, hòn đạn”. Tức là, phải có người đi trước. Họ sẽ tìm ra cách để phát triển; sau đó có thể quay về giúp cho cộng đồng, kéo cả “đoàn tàu” đi lên. Sau này, các địa phương phát triển, đã làm tốt có thể xuống vùng khó khăn để giúp đỡ, hỗ trợ các địa phương khác. “Ngay tại Hà Nội, TPHCM cũng cần người đi trước và khu vực vùng sâu, xa cũng cần người đi trước”, GS.TS Trần Văn Nhung gợi mở.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khuyến nghị, cần thí điểm để nhân rộng việc dạy các môn Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, sau đó là các môn Khoa học xã hội. Mặt khác, cần có sự phân tầng và những chính sách để các nơi có thể “tự thân vận động”. Trước đây, chúng ta có nhiều chương trình, chính sách, chiến lược nhưng không nằm trong sự đồng bộ; quan trọng nhất là chưa kích thích vào lợi ích để các nơi có thể tự thân vận động.

“Các quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Thái Lan… có nhiều kinh nghiệm trong dạy - học tiếng Anh ở vùng khó khăn. Chúng ta có thể tham khảo, học hỏi những kinh nghiệm quốc tế này”, GS.TS Trần Văn Nhung trao đổi.

Đồng quan điểm, PGS.TS Hà Lê Kim Anh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, một số quốc gia thành công trong việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai như: Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Philippines…

Ban đầu xuất hiện với tư cách là ngoại ngữ nhưng Chính phủ Singapore nhận thấy tầm quan trọng của tiếng Anh trong việc thúc đẩy kết nối quốc tế, giao lưu kinh tế. Vì thế, họ quyết định phát triển tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai, dần đưa tiếng Anh vào giáo dục.

Theo PGS.TS Hà Lê Kim Anh, hiện tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính trong trường học ở Singapore. Đây cũng là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi trong hệ thống Chính phủ cũng như các cơ quan của Singapore. Giờ đây, tiếng Anh của Singapore không còn sắc thái riêng. Malaysia, Philippines cũng sử dụng tiếng Anh trong cơ quan Chính phủ.

Họ nhận thấy, tiếng Anh có tầm quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, kết nối quốc tế. Vì thế, họ đặt ra chính sách đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. “Không thể học tập nguyên mô hình của nước nào, nhưng chúng ta có thể chắt lọc để xây dựng chính sách phù hợp tình hình thực tiễn trong nước”, PGS.TS Hà Lê Kim Anh gợi mở.

Ngày 12/8/2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 91-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong Kết luận 91-KL/TW là: Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Liệu có lợi hại hơn?

GD&TĐ - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã biến nghi thức nhậm chức thành một lễ hội lớn thực sự nhằm tôn vinh sự trở lại của mình.