Xoay quanh 3 chữ P
Chia sẻ về tiêu chí xây dựng Trường học hạnh phúc, TS Ngô Xuân Hiếu - Phó Trưởng bộ môn Quản lý Giáo dục, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội – trao đổi:Lấy cảm hứng từ mô hình “Happy School” của UNESCO. Mô hình "Trường học hạnh phúc" bắt đầu triển khai thí điểm ở nước ta vào tháng 4/2018 và nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều cơ sở giáo dục đào tạo các cấp.
UNESCO xác định 22 tiêu chí để tạo ra những gì họ xem là Trường học hạnh phúc. Các tiêu chí này xoay quanh 3 chữ P: Đầu tiên là People (con người), gồm các tiêu chí: tình bạn và các mối quan hệ trong cộng đồng nhà trường, thái độ tích cực của giáo viên, tôn trọng sự đa dạng và khác biệt của các cá nhân, sự tích cực và hợp tác giữa các thành viên trong nhà trường, điều kiện làm việc của giáo viên, kỹ năng và năng lực của giáo viên.
Để có một Trường học hạnh phúc, cần chú trọng xây dựng những giá trị nhân văn và những chuẩn mực hành xử tích cực giữa người với người. Cụ thể là giữa giáo viên với học sinh, giữa giáo viên với giáo viên, giữa giáo viên với ban giám hiệu nhà trường, giữa giáo viên với phụ huynh.
Thứ hai là Process (Hệ thống). Tức là các quy trình, chính sách, hoạt động... được thiết kế để vận hành ngôi trường ấy có hợp lý hay không. Thật khó để học trò hạnh phúc khi mà ngày ngày các em phải đối mặt với khối lượng bài vở khổng lồ, thời gian chơi đùa gần như không có.
Cũng như thật khó để giáo viên kiến tạo Lớp học hạnh phúc cho học trò của mình, với một chương trình quá tải, áp lực thành tích đè nặng trên vai, các công cụ hỗ trợ ít ỏi, đồng lương lại thấp.
Thứ ba là Place (Môi trường). Tức là những không gian vật chất lẫn không gian văn hóa giúp cho trường học là một môi trường an toàn, thân thiện với học sinh. Trong đó sẽ không có nhà vệ sinh bẩn, bạo lực học đường...
“Với những tiêu chí của UNESCO, với thực thế của Việt Nam, Bộ GD&ĐT đã đưa ra 3 yếu tố (tiêu chí) cốt lõi trong xây dựng Trường học hạnh phúc đó là: Yêu thương, an toàn và tôn trọng” - TS Ngô Xuân Hiếu nhấn mạnh, đồng thời cho rằng:
Để thực hiện được một nhiệm vụ nào đó một cách thành công thì cần phải có sự đồng bộ. Tuy có những thứ ưu tiên hơn, nhưng không có nghĩa là có thể thực hiện độc lập. Do vậy, có thể nói 3 tiêu chí trên là quan trọng và cần phải cùng thực hiện song song để xây dựng trường học hạnh phúc.
Xây dựng Trường học hạnh phúc không thể nóng vội
TS Ngô Xuân Hiếu viện dẫn, GS Peck Cho - chuyên gia Hàn Quốc, người thiết kế chương trình "Thầy cô chúng ta đã thay đổi" phân tích: nhiều trường học Việt Nam đang "tạo ra sự giận dữ" bằng cách chơi chữ: MAD (Giận dữ) được tạo thành từ ba yếu tố: Memorizing (Ghi nhớ), Anlyzing (Phân tích) và Data processing (Xử lý dữ liệu).
“GS Peck Cho muốn nói, cách dạy học nhồi nhét kiến thức khiến học sinh áp lực, không hạnh phúc khi đến trường. Trong tương lai các hiệu trưởng cần xác định, môi trường giáo dục chứa đựng sự giận dữ không được chấp nhận. Thầy cô nếu muốn tạo ra Trường học hạnh phúc, cần tập trung giáo dục cảm xúc cho học sinh, thay vì chỉ dạy kiến thức như trước đây” - TS Ngô Xuân Hiếu nói.
Theo TS Ngô Xuân Hiếu, hiệu trưởng có vai trò đặc biệt, đó là tạo ra môi trường hạnh phúc, gợi mở cho học sinh, với những cảm xúc tích cực, giáo viên, học sinh được sáng tạo và tôn trọng. Chỉ khi các hiệu trưởng hạnh phúc, mới có sự cảm thông, chia sẻ, vị tha, tạo được môi trường để mọi người thương yêu nhau.
Ngoài ra, nhà quản lý giáo dục (lãnh đạo sở, phòng và các nhà trường) cần nhận thức rõ tầm quan trọng của Trường học hạnh phúc đối với xã hội. “Chúng ta vẫn biết rằng, trường học không chỉ dạy cho học sinh kiến thức, mà còn giúp học sinh có những cảm nhận, cảm xúc về tình yêu quê hương đất nước, con người và những giá trị tốt đẹp…” - TS Ngô Xuân Hiếu trao đổi, đồng thời nhấn mạnh:
Mỗi giáo viên và học sinh có những giây phút hạnh phúc tại trường là điều vô cùng quan trọng, là cấp số nhân sau các giờ lên lớp tới các gia đình Việt Nam. Hiệu trưởng hạnh phúc sẽ lan tỏa đến giáo viên. Giáo viên hạnh phúc sẽ lan tỏa cấp số nhân đến học sinh hạnh phúc.
Chính cá nhân mỗi hiệu trưởng là người phải tự nhận thức, tự “chuyển hóa” để thay đổi tích cực, hướng tới xây dựng và lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong mỗi nhà trường.
Tuy nhiên, mọi cuộc cách mạng hay sự thay đổi điều cần sự đồng lòng và quyết tâm của cả tập thể cán bộ, giáo viên (ở tất cả các vị trí). Mỗi người có một vai trò và chức năng khác nhau, nhưng đều hướng về một mục tiêu chung của tổ chức.
Ví dụ: Lãnh đạo nhà trường có vai trò là người truyền cảm hứng, thu hút và động viên mọi người tham gia, đồng hành và trợ giúp…. Còn giáo viên là trực tiếp và gián tiếp thực thi nhiệm vụ…, học sinh vừa là người thụ hưởng nhưng cũng là người cộng hưởng…
Qua đó cho thấy, xây dựng Trường học hạnh phúc, khó nhất là sự đồng lòng, quyết tâm. Quyết tâm ở đây không phải là áp lực, mà là quyết tâm trong tâm thế cởi mở và thấy cần phải làm của tất cả các thành viên trong nhà trường.
Sau đó là xây dựng các tiêu chí phù hợp, kiên trì và từng bước thực hiện các tiêu chí để xây dựng Trường học hạnh phúc. “Phải khẳng định rằng, xây dựng Trường học hạnh phúc không thể một sớm một chiều và cố gắng làm cho xong, mà là một quá trình, từng bước và không nóng vội” - TS Ngô Xuân Hiếu trao đổi.