Điều này đã mở ra cơ hội điều trị thành công cho các bệnh ung thư vú và ung thư buồng trứng ở Việt Nam nói chung và ở Bệnh viện Trung ương Huế nói riêng.
Báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trao đổi với PGS.TS.BS. Nguyễn Duy Thăng - Phó Giám Bệnh viện T.Ư Huế, Chủ nhiệm đề tài đề tài cấp Nhà nước độc lập “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng”.
Thưa PGS, trong thời gian tới nếu chúng ta áp dụng đại trà việc sử dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng sẽ mở ra những cơ hội điều trị nào cho những bệnh nhân đang mắc phải căn bệnh này?
Xuất phát từ những thất bại trong công tác điều trị cho những bệnh nhân ung thư vú và ung thư buồng trứng giai đoạn muộn (giai đoạn III-IV, nghĩa là đã bị di căn nhiều cơ quan), bản thân tôi đã xây dựng và trình bày đề tài cấp Nhà nước và được Hội đồng khoa học Cấp Nhà nước chấp nhận cho phép Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện từ năm 2012 đến nay.
2 trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Sau ở tại thị xã Hương Thủy và Trần Thị Thu ở phường Kim Long thành phố Huế điều trị thành công đã mở ra một hướng mới cho những bệnh nhân không may mắc bệnh này còn có cơ hội được tiếp tục sống có ích.
Riêng trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Sau phải qua hai lần phẫu thuật của 2 lần điều trị thường quy rồi sau đó mới bắt đầu điều trị ghép tế bào gốc. Đây là một quá trình rất phức tạp.
Bác sĩ Thăng ( người đeo kính) cùng ê kíp đến thăm Bệnh Nguyễn Thị Sau khi BN đã được điều trị |
PGS có thể nói rõ hơn việc ứng dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng có giảm kinh phí hơn so với các phương pháp điều trị khác?
Về kinh phí, hiện nay đang được đề tài Nhà nước hỗ trợ, bệnh nhân không phải trả bất cứ đồng nào (nếu bệnh nhân có thẻ BHYT thì đề tài hỗ trợ phần còn lại).
Phương pháp mà đề tài thực hiện được áp dụng cho những bệnh nhân ung thư vú và ung thư buồng trứng đã điều trị thất bại bằng các phương pháp điều trị thường quy hiện nay ở Việt Nam hoặc bệnh nhân giai đoạn muộn.
Nếu bệnh nhân kiên trì với phương pháp điều trị này, khả năng thành công của những người mắc bệnh ung thư vú và ung thư buồng trứng là bao nhiêu, thưa PGS?
Có thể nói kết quả ban đầu là quá sức mong đợi của tập thể Ban chủ nhiệm đề tài. Những bệnh nhân đang điều trị bằng phương pháp của chúng tôi trong đề tài cho đến nay tiến triển khá thuận lợi. Chúng tôi và họ cùng quyết tâm chống lại căn bệnh hiểm nghèo này.
Riêng đối với bệnh nhân Trần Thị Thu - 49 tuổi ở tại phường Kim Long (Thành phố Huế), sau mổ, BN Thu được tiếp tục điều trị đủ 6 liều chuẩn và được điều trị theo phương pháp mới đó là lấy tế bào gốc để dự trữ; đồng thời hóa trị liều cao, sau đó được ghép tế bào gốc vào ngày 27/10 năm 2014 và tiếp tục được điều trị theo qui trình, nhắm trúng đích, tiêu diệt hoàn toàn các tế bào ung thư trong cơ thể bệnh nhân.
Sau quá trình được các bác sỹ của Bệnh viện Trung ương Huế điều trị thành công, hiện sức khỏe chị Thu đã ổn định.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Sau bị ung thư lâu nay nay đã được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế chữa khỏi |
Trong quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi cũng có những thuận lợi cơ bản:
Thứ nhất là được Bộ Y tế, tập thể các Giáo sư đầu ngành ung thư Việt Nam ủng hộ và đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ cho phép Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành đề tài;
Thứ hai là chúng tôi có một tập thể các nhà khoa học được đào tạo bài bản và chuyên môn cao của Sản Phụ khoa, Trung tâm Ung Bướu, Trung tâm Huyết học –Truyền máu,…tận tâm và phối hợp với nhau rất tốt.
Vấn đề là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân phải phối hợp và quyết tâm cao trong quá trình điều trị. Đây cũng là thách thức lớn nhất đối với chúng tôi.
Hai trường hợp đầu tiên điều trị thành công đã mở ra một hướng mới cho những bệnh nhân không may mắc bệnh này còn có cơ hội được tiếp tục sống có ích. Hiện tại có 10 bệnh nhân khác đang tiếp tục được điều trị tại bệnh viện.
Với việc ứng dụng thành công đề tài “Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng” mở ra một phương pháp điều trị mới, hiệu quả, mang lại niềm vui mới cho những bệnh nhân không may mắc phải bệnh hiểm nghèo này.
Xin cảm ơn PGS!