Lần đầu tiên tổ chức Ngày Cà phê Việt Nam

GD&TĐ - Sáng 14/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức gặp gỡ báo chí giới thiệu về “Ngày cà phê Việt Nam lần thứ I”.

Gặp mặt báo chí giới thiệu Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ I
Gặp mặt báo chí giới thiệu Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ I

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 6306/VPCP-KTN về việc chọn ngày 10/12 là Ngày Cà phê Việt Nam, từ ngày 9 - 11/12, chương trình “Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ I ” năm 2017 sẽ được tổ chức tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết: Lâm Đồng là tỉnh có tiến độ tái canh cây cà phê nhanh nhất cả nước và diện tích canh tác cà phê lên tới 155.239 ha, với sản lượng khoảng 430.000 tấn, năng suất trung bình gần 3 tấn/ha.

"Ngày cà phê Việt Nam lần thứ I” được chọn tổ chức tại Đà Lạt sẽ là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp quảng bá sản phẩm của mình tới người tiêu dùng trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Đây cũng là dịp giúp các doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường, chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá sản phẩm sản phẩm, gặp gỡ giao lưu, ký kết hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ cà phê Việt Nam.

Với chủ đề “Thời kỳ phát triển mới cà phê Việt Nam trong bối cảnh hội nhập”, Ngày cà phê Việt Nam lần thứ I diễn ra với nhiều hoạt động phong phú:

Lễ khai mạc Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ I”; “Hội thảo quốc tế về thời kỳ phát triển mới của ngành Cà phê Việt Nam”, với sự tham dự của các đại biểu đến từ nhiều quốc gia cà phê danh tiếng thế giới.

Ngoài ra còn có “Không gian Cà phê” trưng bày, giới thiệu những sản phẩm cà phê nổi tiếng trên cả nước, khách tham quan sẽ được thưởng thức hương vị cà phê chất lượng của Việt Nam, tìm hiểu văn hóa thưởng thức cà phê các vùng miền; Tham quan mô hình sản xuất, chế biến cà phê công nghệ cao tại Lâm Đồng…

Hạt giống cà phê được người Pháp đem đến Việt Nam trồng từ năm 1857. Sau khi giải phóng miền Bắc, diện tích cà phê cả nước mới đạt trên 10.000 ha. Ngày 10/12/1961, trong khi cả nước lo giải quyết nạn đói và diệt giặc dốt, Bác Hồ đã về thăm nông trường cà phê Đông Hiếu - Nghệ An, động viên những người công nhân nông trường trồng cây công nghiệp và đề ra chủ trương phát triển cây cà phê nói riêng và cây công nghiệp nói chung.
Sau năm 1975, Đảng và Chính phủ có chủ trương đẩy mạnh phát triển cây cà phê, đặc biệt ở khu vực Tây Nguyên. Sau 30 năm nỗ lực, đầu năm 2000, Việt Nam đã đạt được vị trí sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Brazil.
Kết thúc năm 2016, Việt Nam xuất khẩu được 1,79 triệu tấn cà phê nhân, đạt kim ngạch 3,2 tỷ USD. Đặc biệt, xuất khẩu cà phê chế biến, rang, xay và hòa tan chiếm trên 10% tổng giá trị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.