Mùa cà phê ở Bảo Lộc

GD&TĐ - Tháng mười, vùng đất Tây Nguyên đã hết mùa mưa và bắt đầu bước vào mùa khô, đó cũng là thời điểm hàng ngàn vườn cà phê ở thung lũng Bảo Lộc vào mùa thu hoạch. Cà phê được trồng khắp nơi, từ những cánh rừng bạt ngàn cho tới khoảng sân nhỏ bé trước nhà, sau bếp, cạnh giếng nước...

Những vườn cà phê ở Bảo Lộc
Những vườn cà phê ở Bảo Lộc

Ngọt đắng cà phê

Nếu trà là người sơn nữ đang bước vào độ tuổi dậy thì với một vẻ đẹp lung linh quyến rũ thì cà phê ở Tây Nguyên là những người phụ nữ lam lũ, đằm thắm.

Người phụ nữ ấy, sau bao nhọc nhằn vất vả vẫn biết cách, đều đặn từng mùa đem đến cho những cư dân của mình một nguồn sống dường như vô tận.

Thế nên, tôi không lạ lẫm khi những ngày này, nhiều tuyến đường ở thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) là những vườn cà phê đang hối hả bước vào vụ thu hoạch.

Cà phê ở đây được trồng rất nhiều, hầu hết là của các hộ gia đình, thay vì những nông trại rộng lớn như cây trà. Theo anh Đinh Văn Thi, 34 tuổi, một người dân ở xã Đạm Bri (TP Bảo Lộc) thì không chỉ nơi đây mà bất kỳ nơi nào ở Tây Nguyên đều có thể trồng được cà phê với năng suất cao.

“Do trà được các doanh nghiệp, ông chủ ngoại quốc gom lại thành những nông trường lớn nên cà phê bây giờ chỉ trồng nhỏ lẻ từ vài cho tới chục héc-ta mà thôi. Như gia đình tôi có cả thảy mười bốn héc-ta cà phê là của bốn anh em làm chung. Rẫy cà phê này có từ đời ông nội, ban đầu nằm ở dưới chân dải núi Đạ Pal sau này gia đình khai khẩn thêm tới gần bờ sông Đạ Huoai. Mỗi năm, mùa hái cà phê kéo dài khoảng ba tháng. Từ nay cho tới áp tết.

Dù bây giờ đất đai không còn nhiều, giá cà phê cũng lên xuống thất thường, chi phí sản xuất cao nhưng với người vùng cao, cà phê vẫn là cây trồng phù hợp nhất. Có thể không phải là cây trồng đem lại lợi nhuận cao nhất nhưng nó là lựa chọn tốt nhất cho người dân nơi đây”, anh Thi cho biết.

Cũng theo anh Thi, hái cà phê chỉ là một trong số nhiều công đoạn để có thể tạo ra được những hương vị cà phê thơm ngon mà mọi người có thể dễ dàng thưởng thức ở bất cứ đâu.

“Hầu hết cà phê hái xong còn phải trải qua công đoạn phơi khô nữa. Bây giờ ở cao nguyên đang là mùa khô, rất thuận tiện cho việc phơi. Cà phê thường được nông dân phơi thủ công sau đó liên hệ với các thương lái thu mua trong vùng. Hiện mới đang đầu mùa, giá cà phê cũng khá cao nên nhiều người tranh thủ thu hoạch và bán. Nhiều khi rộ quá, giá cà phê bị đẩy xuống rất thấp, không đủ tiền chi phí”, anh kể thêm.

Đi dọc các xã B’lao, Đại Lào, Lộc Phát, Lộc Châu... những ngày này, người ta dễ dàng bắt gặp những sân phơi đầy ắp hạt cà phê của nông dân. Đó là hình ảnh rất đỗi quen thuộc mà chúng tôi từng bắt gặp trên những con đường ở Gia Nghĩa, Kon Tum, Buôn Mê, Di Linh.

Có thể nhiều hay ít nhưng trồng cà phê là một thói quen, tập quán của bất cứ gia đình nào người miền cao nguyên này. “Nếu như gia đình ai không có cà phê phơi ở sân dịp này, đó chắc chắn là những người miền xuôi mới lên đây sinh sống. Họ chưa ở đây đủ lâu để yêu mảnh đất này, để yêu cây cà phê, hương vị núi rừng và một nét văn hóa không lẫn vào đâu khác của cao nguyên. Có thể có mùa cà phê đắng nhưng với người nông dân, cây cà phê muôn đời cho hương vị thơm ngon”, anh Thi cho biết.

Nông dân hái cà phê

Nông dân hái cà phê

Những phận đời di cư

Mặc dù các vườn, rẫy cà phê ở vùng Bảo Lộc, Bảo Lâm này chủ yếu của nông dân trồng nhưng do đặc thù cà phê chín nhanh, sản lượng lớn và thu hoạch khó khăn nên cứ đến mùa cà phê, họ lại phải thuê thêm người. 

Bởi nếu hái không kịp, có mưa bất ngờ cà phê sẽ rụng mất, hoặc chín quá cũng rơi rụng, giảm năng suất. Vì thế, mùa hái cà phê cũng là mùa mà rất nhiều dân nhập cư, từ vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận cho tới vùng đất đỏ miền Đông Bình Phước, Đồng Nai cũng kéo lên Tây Nguyên tranh thủ tham gia.

Rất dễ để gặp những nông dân hái cà phê di cư này. Đi dọc tuyến đường B’lao-Xê Rê từ phía quốc lộ 20 qua quốc lộ 55 chừng gần hơn chục cây số là thấy rất nhiều những lán trại tạm bợ nằm ven đường.

Mùa khô, núi rừng trùng điệp mênh mông càng khiến những lán trại, và phận người trong ấy thêm nhỏ bé, nhỏ nhoi hơn. Anh Trần Văn Quả, một người hái cà phê đang lúi húi vạch từng tán lá xanh um để bứt những hạt màu nâu sậm nhỏ như bi, nhìn chúng tôi rồi nghỉ tay.

Ngồi xuống, uống cùng anh ngụm trà đá trong cái thùng nhựa bên vệ đường, được biết cách đây mấy tuần, anh cùng với sáu người bà con trong xóm ở bên Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) lên đây hái cà phê thuê.

“Năm nào cũng vậy, đầu tháng mười là chúng tôi lên Tây Nguyên hái cà phê thuê. Ở đây, tiền công hái là hai trăm ngàn đồng một ngày. Dù cà phê trong vườn thường chín rộ nhưng mùa cà phê ở Tây Nguyên khá dài, có khi qua Tết vẫn còn vì nhiều người hãm cho cà phê lệch mùa vụ chính.

Bây giờ ở vùng Bảo Lộc này xong rồi, tháng sau lại vòng lên Di Linh, qua bên mạn Gia Nghĩa, Đà Lạt, Buôn Hồ trước khi vòng về Đắc Nông, Kiến Đức nghỉ ngơi. Người hái cà phê thuê như bọn tôi quen rồi, năm nào cũng thế. Cứ mấy tháng cuối năm là tất bật hết từ vườn này tới vườn khác.

Dù có thể không trở lại đúng những vườn cà phê năm cũ nhưng trong hành trình ấy, gặp ai thuê, hay ai giới thiệu, mối lái mà giá cả phù hợp, thấy thoải mái thì mình làm.

Ở cao nguyên này có hàng trăm ngàn vườn cà phê nên việc làm chả bao giờ thiếu. Việc hái cà phê rất cực, vừa nặng nhọc lại vừa luôn tay.

Nhiều vườn cà phê ở trên sườn núi, bìa rừng, đầu dòng thác nước thì còn có thể nguy hiểm nữa. Có năm, như cách đây ba mùa mưa, tôi mới đi hái được hai ruộng thì gặp sốt rừng, phải về quê nằm suốt nửa tháng trời, lỡ cả vụ”, anh Quả giãi bày.

Có lẽ, với những người như trong nhóm anh Quả, mùa hái cà phê đã là mùa quen thuộc, gắn bó với họ rất lâu rồi. Giữa núi rừng trùng trùng điệp điệp một màu xanh bao phủ tất thảy này, chúng tôi rất khó khăn mới nhận ra các chấm nhỏ là những người đi hái cà phê.

Đi cùng họ, rất đơn giản luôn chỉ là chiếc bao bố (hay chiếc gùi) bên người. Cà phê đầy thì họ đem tập hợp lại một chỗ, đợi chủ tới đưa đi. Hái hết từ cây này qua cây khác, từ sáng sớm tinh mơ cho tới chiều tối mịt. Khi ánh trăng lên, khi không còn nhìn thấy hạt cà phê, họ trở về lán nhỏ dùng cơm, ăn xong đi ngủ để lấy sức ngày mai lại tiếp tục.

Nếu ai đã từng đi qua những con đường mòn đất đỏ, những đèo dốc hun hút uốn lượn điệp trùng của cái thung lũng khổng lồ B’lao (tên cũ của Bảo Lộc) này thì mới hiểu cái vất vả của người hái cà phê. Họ đúng như những chấm nhỏ lang thang trên những cung đường mịt mù ấy bằng đôi chân trần của mình.

Và, cũng như tất thảy những gì thơm ngon khác của cuộc sống mà chúng ta được thưởng thức, đằng sau vị ngọt luôn là những phận người vất vả, nhọc nhằn. Hạt cà phê kia, để đến được tay người thưởng thức, có lẽ nó phải đi qua nhiều bàn tay chai sạn của người trồng, người hái, người phơi... cà phê.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.