Nói đến “chiều” đầu tiên, GS Đỗ Đức Thái cho rằng, nếu là người đi tập huấn giáo viên tiểu học về môn Toán, nội dung ông sẽ nói với các giáo viên được tập huấn đầu tiên là về Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - tức “ngôi nhà chung” cho toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2020: Ý tưởng, triết lý của nó là gì, điều gì là quan trọng nhất?
Sau “ngôi nhà chung” của chương trình giáo dục phổ thông, sẽ nói về một “căn phòng riêng” là chương trình môn Toán; để người được tập huấn hiểu được những ý tưởng cơ bản của chương trình; chia sẻ về triết lý khi làm chương trình môn Toán; giải thích về mặt nội dung; và cuối cùng, then chốt nhất là đổi mới cách dạy học.
“Vấn đề là chương trình được thiết kế theo ý tưởng khác và người giáo viên phải biết rõ ý tưởng thiết kế mới” – GS Đỗ Đức Thái cho hay.
Với câu hỏi người giáo viên muốn nghe gì, GS Đỗ Đức Thái chia sẻ những điều ông thu nhận được khi xuống trường phổ thông, đó là: Người giáo viên không phải quá kém về vốn hiểu biết và kỹ năng dạy học; cái mà họ thiếu là hiểu biết chung về chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có chương trình môn Toán.
Cùng với đó, nội dung người giáo viên muốn được nghe là những bài khó, mạch kiến thức mới triển khai ra sao, dạy thể nào?
“Thói quen của giáo viên là trước mặt phải có quyển sách giáo khoa và dạy theo sách; nên vấn đề thứ 2 phải nói cho giáo viên là sách giáo khoa chỉ là một phương tiện dạy học.
Giáo viên phải hiểu được chương trình, rồi tự mình huy động năng lực sẵn có để triển khai chương trình mới. Phải đả thông cho giáo viên chuyện đó” – GS Đỗ Đức Thái nêu quan điểm.