Chương trình có sự tham gia của TS Vũ Minh Đức – Chủ tịch CĐGD Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn - Trưởng Khoa tâm lý Trường ĐHSP Hà Nội; Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng- Báo Lao động và TS Nguyễn Thanh Huyền- Chuyên gia pháp luật – Khoa Luật (ĐHQG Hà Nội).
Những tấm gương nhà giáo tâm huyết
Theo các chuyên gia, giáo viên là những người truyền cảm hứng, họ biết rằng việc giảng dạy cũng giống như làm vườn, và sẽ không thể hái được những bông hoa nếu không chạm vào gai. Cũng như không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình.
Và vì thế lớp lớp các thầy cô giáo không quản khó khăn gian khổ, hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình mang con chữ đến với các em học sinh ở khắp mọi miền của tổ quốc.
Những hình ảnh thầy cô giáo tận tâm, tận lực, tâm huyết với nghề, hết lòng vì học sinh thân yêu đã viết nên những câu chuyện vô cùng đẹp đẽ và được xã hội tôn vinh.
Đó là hơn 40 thầy giáo trường Tri Lễ huyện Quế Phong tỉnh Nghệ An mang trên mình những vết thương của những lần tai nạn do đường trơn, trượt trên đường đến trường nhưng vẫn miệt mài lên lớp giảng bài, chăm chút cho học trò;
Hình ảnh 10 cô giáo ở trong một gian nhà công vụ 10 m2 tại trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Panang huyện Đăkrông tỉnh Quảng Trị chật tới mức như một cô giáo nói đùa “không dám thở mạnh”, có cô giáo có con nhỏ mà vẫn bám lớp, bám trường;
Và còn có hàng trăm, hàng ngàn tấm gương thầy cô giáo tâm huyết, đổi mới sáng tạo từng giờ và nuôi dưỡng ước mơ cho các thế hệ học sinh đã và đang làm vẻ vang thêm thanh danh nhà giáo.
Song như một chấm đen trên tờ giấy trắng, vẫn còn đó những hình ảnh không đẹp của một số thầy cô giáo trong ứng xử đối với học sinh làm tổn thương tình thầy trò và đã gây bức xúc dư luận xã hội…
Cần có phương pháp kỷ luật tích cực
Có những vụ việc, có những ứng xử của thầy cô tưởng chừng như không sai, có những hành vi ở ranh giới giữa chuẩn và chưa chuẩn, nhưng khi xảy ra đã bị học sinh, bị phụ huynh, bị xã hội phản ứng và lên án rất mạnh.
Góc độ truyền thông, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ: Nhiệm vụ của báo chí truyền thông là tuyên truyền đường lối, chính sách pháp luật; phát hiện và phản ánh trung thực những điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống thói hư tật xấu, hủ tục, hành xử thiếu văn minh, chuẩn mực.
Thực tế mỗi khi sự việc được bung ra, cùng với việc bị cả xã hội “ném đá”, có những giáo viên nhận lấy kết cục tạm đình chỉ đứng lớp và chịu kỉ luật sau đó, thậm chí bị đuổi việc.
“Tôi cũng không hiểu trong thời buổi hiện nay mà việc cập nhập thông tin của một bộ phận giáo viên hình như rất yếu, hay là họ không theo dõi truyền thông mà rõ ràng nhiều vụ việc xảy ra, hậu quả đối với các giáo viên vi phạm là rất nặng nề, thế nhưng những vụ việc như thế vẫn tái diễn" - nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nói.
Còn theo PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn, nếu chúng ta coi các em như con của mình sẽ có nhiều tình thương, trách nhiệm và có ứng xử tốt hơn. Tất nhiên phải trên quan điểm của một nhà giáo dục, chứ không phải những bậc cha mẹ chiều chuộng con cái không đúng cách.
“Do đó cần có phương pháp kỷ luật tích cực và trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chúng tôi đã và đang triển khai. Các thầy cô cần cập nhật, nghiên cứu và vận dụng.
Quan trọng nhất là thường xuyên rèn luyện, bổ sung các kỹ năng cho chính mình, bởi mỗi ngày đối tượng học trò của chúng ta có nhiều thay đổi, chịu tác động của thay đổi hàng ngày của khoa học công nghệ, internet, của đời sống và các hành vi văn hóa trong giai đoạn hội nhập” - PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn nhấn mạnh.