Yêu cầu nâng cao phẩm chất, năng lực nhà giáo
Thời đại ngày nay, sự đa dạng thông tin hỗ trợ nhà giáo rất nhiều trong phát triển kỹ năng sư phạm, nâng cao tay nghề; xong những thông tin trái chiều cũng ảnh hưởng đến môi trường giáo dục, tạo tâm lý không an tâm trong đội ngũ. Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo bao gồm nhiều thế hệ, với môi trường đào tạo khác nhau nên sự đồng đều về tay nghề còn hạn chế. Còn tình trạng thừa thiếu giáo viên diễn ra ở cả trong một cấp học và ở các cấp học khác nhau. Việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập... Đó là khó khăn chung về đội ngũ trong ngành Giáo dục hiện nay tại các địa phương.
Theo ông Phạm Văn Quyến - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Nam Định, năm học 2018 - 2019, toàn ngành Giáo dục tỉnh này có 1.366 cán bộ quản lý, 24.049 giáo viên và 2.631 nhân viên. Nhìn chung, đội ngũ nhà giáo bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, kỷ cương và sáng tạo, đáp ứng được yêu cầu đổi mới GD-ĐT.
Tuy nhiên, một bộ phận giáo viên đang hợp đồng tại các trường mầm non, THPT ngoài công lập, các trung tâm GDTX… chưa yên tâm công tác do tiền lương, tiền công thấp, do chuyển giao, sáp nhập sang đơn vị, cơ quan quản lý mới. Cùng với đó, trong lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, cùng chủ trương dự kiến tăng tuổi nghỉ hưu, thực hiện cách tính bảo hiểm xã hội mới, sáp nhập trường lớp quy mô nhỏ, sắp xếp lại biên chế… một bộ phận cán bộ, nhà giáo, người lao động băn khoăn, lo lắng nên có tác động tới chất lượng giảng dạy.
Cùng chia sẻ khó khăn liên quan tới đội ngũ, ông Hà Văn Thanh, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên (Sở GD&ĐT Lâm Đồng), nhấn mạnh đến sự thay đổi về vai trò, vị trí của người thầy trong thời đại mới. Theo đó, người thầy không phải chỉ đơn thuần là người truyền thụ kiến thức mà là người thúc đẩy việc học hành...
Ảnh minh họa |
Cần giải pháp nâng cao vị thế nhà giáo
Để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, ông Hà Văn Thanh chia sẻ đề xuất của ngành Giáo dục Lâm Đồng. Trong đó có việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên và toàn xã hội về vai trò, vị trí, trách nhiệm của nhà giáo và nhiệm vụ xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có chất lượng; đồng thời, tăng cường, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan quản lý giáo dục.
Cùng với đó, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; biến quá trình đào tạo, bồi dưỡng thành tự đào tạo, bồi dưỡng. Tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, trang thiết bị, môi trường, giúp đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có ý thức tự học mọi lúc, mọi nơi, qua thực tiễn công tác để đúc rút bài học cho bản thân. Riêng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng lực quản lý Nhà nước, quản trị trường học và nâng cao trình độ lý luận chính trị.
Xây dựng quy hoạch, luân chuyển, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; rà soát, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên toàn ngành và có giải pháp như: Đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, bố trí công việc khác phù hợp với khả năng của bản thân. Hoàn thiện các cơ chế quản lý, định mức lao động, chính sách, chế độ với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Tham mưu ban hành những cơ chế chính sách thu hút người có trình độ chuyên môn cao về công tác tại cơ sở giáo dục…
Tại Nam Định, nhiều giải pháp đã được thực hiện nhằm nâng cao chất lượng, vị thế nhà giáo, như: Đẩy mạnh phong trào mỗi nhà giáo tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; tổ chức các phong trào, các cuộc vận động nhằm thu hút nhà giáo tham gia, khẳng định mình...