Chương trình rất cần thiết cho học sinh Việt Nam
Cô giáo Hà Thị Duyên – giáo viên trường THPT Vạn Xuân, Hoài Đức, HN đã chủ động tìm hiểu các phương pháp để lồng ghép chủ đề giảm nhẹ thiên tai vào chương trình học.
Cô Duyên chia sẻ: Trong quá trình giảng dạy, tôi thường tìm kiếm các tài liệu của các tổ chức, cá nhân. Sau quá trình sàng lọc của bản thân, tôi có tham khảo của các chuyên gia. Hiện nay, tôi tin cậy một số ấn phẩm như:
Cẩm nang tổ chức hoạt động giáo dục giảm nhẹ thiên tai trong trường học. Đây là sản phẩm của tổ chức ECHO – cơ quan viện trợ nhân đạo và bảo vệ nhân sự của ủy ban Trung ương, được phát hành bởi Trung tâm sống và học tập vì môi trường và cộng đồng; Các đoạn phim tư liệu của Vụ quản lý thiên tai, cộng đồng như “Tài liệu hướng dẫn phòng chống thiên tai sử dụng trong trường học”.
Ngoài ra, tôi cũng thường tìm hiểu trên các kênh mạng xã hội, sau đó, chắt lọc thông tin để đưa vào giảng dạy”.
Cũng theo cô Hà Thị Duyên: Phòng chống thiên tai là chương trình rất cần thiết cho học sinh Việt Nam, không chỉ với những học sinh có thể lực tốt như cấp THCS trở lên, mà còn rất cần thiết đối với cấp Tiểu học.
Thậm chí nên đưa chương trình phù hợp với lứa tuổi mầm non để các con nhận biết được những dấu hiệu của thiên tai trong bối cảnh nước ta là một trong những quốc gia thuộc một trong bốn vùng bão của thế giới đang có chịu tình trạng mất cân bằng sinh thái môi trường trầm trọng, và cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của những biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hình thành kỹ năng ứng phó với thiên tai bất thường
Phòng chống thiên tai không chỉ là cung cấp các kiến thức lí thuyết cho học sinh mà còn hình thành cho các em những kỹ năng cơ bản để ứng phó kịp thời với những thiên tai bất thường xảy ra tại địa phương, trước hết là bảo vệ cá nhân an toàn trước thiên tai.
Ngoài ra, còn có những kỹ năng cần thiết để giúp đỡ gia đình, hàng xóm trong tình thế nguy cấp.
Là giáo viên môn Địa lý, vì vậy, cô Duyên thường chủ động thực hiện việc giảng dạy phòng chống thiên tai bằng việc lồng ghép kiến thức giảm thiểu rủi ro thiên tai vào các bài học phù hợp.
Đồng thời, tổ chức các chuyên đề học tập ở trong và ngoài lớp (cuộc thi của hai lớp, của khối để tìm hiểu và sân khấu hóa các thiên tai và cách phòng chống). Nhờ đó, có những học sinh được trực tiếp thực hiện, có những học sinh được quan sát để nắm bắt thông tin và kỹ năng phòng tránh. Các chuyên đề học tập có tính thi đua sẽ giúp các bạn học sinh chủ động và hào hứng hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ học tập của mình.
Ngoài ra, giáo viên cũng có thể khai thác các công cụ hỗ trợ dạy học trực tuyến như Kahoot, Quizzi để tổ chức cuộc thi cho toàn bộ khối lớp hoặc toàn trường.
Hơn nữa, học sinh cũng có thể học qua dự án. “Cá nhân tôi thấy cách triển khai này hiệu quả nhất vì học sinh thông qua các dự án tìm hiểu về biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai có thể nghiên cứu sâu về thiên tai cũng như các biện pháp phòng chống và giảm thiểu. Đồng thời, việc tạo ra các sản phẩm cụ thể của dự án có thể giúp học sinh phát triển các năng lực khác của bản thân như học sinh thiết kế poster cảnh báo thiên tai, các biện pháp ứng phó cơ bản khi có thiên tai xảy ra, viết bài tuyên truyền để phát thanh trên đài của địa phương về chủ đề này…” – cô Hà Thị Duyên chia sẻ.
Trong quá trình giảng dạy, cô Duyên cũng gặp những khó khăn như thời lượng để giảng dạy riêng về chủ đề này chưa nhiều, việc kết nối với các chuyên gia để tìm sự hỗ trợ và tư vấn về các biện pháp để phòng chống thiên tai của địa phương còn hạn chế. Hơn nữa, việc tuyên truyền và tổ chức các hoạt động ngoại khóa trên quy mô toàn trường không phải lúc nào cũng thực hiện được.