Câu chuyện về xưởng điêu khắc gỗ mỹ nghệ, cùng ý chí vươn lên làm giàu của Lê Tiến Vỹ khiến nhiều người khâm phục, trước nghị lực, niềm tin vào cuộc sống “tàn nhưng không phế”.
Lập nghiệp từ bàn tay trắng
Đến vùng Gò Nổi (gồm 3 xã Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang thuộc thị xã Điện Bàn) vào thăm xưởng mộc mỹ nghệ Lạc Việt của chàng trai khuyết tật Lê Tiến Vỹ, chúng tôi được chứng kiến không khí làm việc khẩn trương của những người thợ điêu khắc.
Trên đôi nạng gỗ thâm nâu bóng loáng mồ hôi, chàng trai khuyết tật Lê Tiến Vỹ tỉ mỉ hướng dẫn cho các học viên từng đường nét đục đẽo.
Mặt bằng làm việc của xưởng mộc mỹ nghệ là khoảng sân trước nhà rộng chừng 50m2, ngổn ngang các sản phẩm mỹ nghệ đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thiện để kịp thời hạn giao cho bạn hàng.
Anh Vỹ cho biết: Sau hơn 8 năm lập nghiệp, đến nay cơ sở điều khắc mỹ nghệ của anh đã có 2 cơ sở, với doanh thu mỗi năm khoảng hơn 3 tỷ đồng.
Hai xưởng điêu khắc gỗ mỹ nghệ là “nồi cơm” của hơn 20 thợ, nhân công làm việc và còn là nơi đào tạo, dạy nghệ cho thanh niên người địa phương.
Anh cho hay: Xưởng của mình toàn thợ trẻ tuổi nhưng có kinh nghiệm nghề hơn 10 năm. Từ thợ đến học viên đều là con em người dân ở đây. Tất cả các em đều có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, có người còn mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Có lẽ chính từ sự đồng cảm chia sẻ đó mà bao năm nay, chàng trai khuyết tật Lê Tiến Vỹ đã không quản ngại gian khó, quyết tâm phát triển mở rộng xưởng điêu khắc gỗ mỹ nghệ của mình, với ý nghĩ càng tạo điều kiện làm việc, thu nhập thêm cho nhiều người, nhất là những người có hoàn cảnh thiệt thòi, khó khăn như mình.
Nói về thời gian đầu lập nghiệp, Vỹ chia sẻ, năm 2008 đánh dấu bước ngoặt của cuộc đời mình khi quyết định thành lập một xưởng điêu khắc gỗ mỹ nghệ.
Ý nghĩ mở một xưởng điêu khắc gỗ mỹ nghệ đến với Vỹ rất nhanh và anh đã quyết tâm thực hiện không một chút chần chừ. Vỹ tâm sự: “Ngày bắt đầu mở xưởng, bản thân chỉ có kinh nghiệm làm nghề tích lũy được trong khoảng 10 năm và một khoản tiền nhỏ dành dụm được cho bản thân”.
Nghị lực kết trái
Ban đầu, nguồn vốn ít ỏi nên Vỹ tự đảm nhận thực hiện tất cả mọi công việc, từ lên mẫu, chạm khắc, hoàn thiện... đến giới thiệu, quảng bá, tìm kiếm bạn hàng, đầu ra cho sản phẩm.
Vỹ cho biết: Bài toàn kinh tế, cạnh tranh thị trường buộc anh phải không ngừng giới thiệu, quảng bá sản phẩm tìm kiếm hợp đồng, đầu ra cho sản phẩm.
Bởi vậy, một mặt phải nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất các sản phẩm mang tính sáng tạo thực sự, đáp ứng và phù hợp với nhu cầu thị trường; mặt khác không ngừng quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến công chúng, nhất là tranh thủ trưng bày, giới thiệu tại hội chợ, triển làm hàng thủ công mỹ nghệ...
Bên cạnh đó, anh còn trực tiếp đi tìm hiểu nhu cầu của thị trường, tiếp thị, giới thiệu ở các chùa, nhà thờ, các cửa hàng mỹ nghệ.
Chính suy nghĩ đó mà Lê Tiến Vỹ đã không quản ngại khó khăn, tự tay mang sản phẩm ra Bắc vào Nam, tìm kiếm đầu ra, thực hiện các đơn đặt hàng để phát triển mở rộng cơ sở.
Đó cũng là lý do giải thích vì sao sản phẩm gỗ mỹ nghệ của Lê Tiến Vỹ lại có được chỗ đứng trên thị trường cả nước, là cơ sở sản xuất, chế tác tin cậy cho các chùa chiền từ Bắc vào Nam.
Trải qua gần 20 năm lăn lộn với nghề, đến giờ so với nhiều người, anh chưa hẳn đã giàu có nhưng cơ ngơi do anh tạo dựng được bằng chính thân thể không lành lặn và nghị lực của mình đã khiến nhiều người cảm phục.
“Giờ đây một mình phải quản lý cả hai cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ kể cũng vất vả thật nhưng cứ nghĩ đến đó là thành quả lao động thực sự của bản thân và phía sau đó là niềm tin, kỳ vọng của anh em, bạn bè thì tôi cảm thấy vui lắm.
Giờ tôi chỉ mong sao cơ sở sản xuất của mình phát triển ngày càng thuận lợi, để không chỉ làm giàu cho mình mà còn tạo việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương” - Anh Vỹ bày tỏ.