Làm gì để bứt phá xếp hạng GD đại học?

GD&TĐ - Xếp hạng thế giới, câu chuyện không còn xa lạ, bởi liên tiếp những tin vui về giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam ghi danh vào bảng xếp hạng quốc tế uy tín.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đây là minh chứng cho chủ trương, chính sách về phát triển GDĐH đúng hướng, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước và Bộ GD&ĐT. 

Nhiều năm về trước, để có trường đại học được xếp hạng thế giới vẫn còn là câu chuyện “xa tầm tay”. Nay nó đã trở thành hiện thực, là “trái ngọt” sau bao nỗ lực, phấn đấu không ngừng của các trường nói riêng và toàn hệ thống nói chung. Minh chứng rõ nhất, nếu như trước năm 2015, Việt Nam chưa có cơ sở GDĐH nào được xếp hạng thế giới, chỉ có 2 trường vào tốp 300 châu Á, nay có 4 đại học lọt vào tốp 1.000 thế giới, nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo đứng trong tốp 500 thế giới.

Ai cũng biết, GDĐH là đào tạo bậc cao, đóng góp cho đất nước nguồn nhân lực có chất lượng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, việc các trường đại học tham gia xếp hạng quốc tế là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Tất nhiên, tham gia xếp hạng không chỉ nhằm mục đích xây dựng thương hiệu, mà mục tiêu quan trọng nhất là chất lượng. Vì khi gắn chất lượng với xếp hạng, chúng ta mới biết mình đang ở đâu so với thế giới, qua đó có động lực để phấn đấu. Mặt khác, giúp các trường có cơ sở để đối sánh với trường khác. Từ đó, có định hướng phát triển, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và hội nhập quốc tế của nhà trường.

Có thể nói, GDĐH của Việt Nam có bước tiến quan trọng và ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong hai năm gần đây, các trường đại học của Việt Nam có sức bật ấn tượng, khi liên tục khẳng định vị thế trong các bảng xếp hạng uy tín trên thế giới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng trường được xếp hạng quốc tế không nhiều, còn chưa tương xứng với tiềm năng và nội lực. Những trường được xếp hạng quốc tế, chủ yếu vẫn là những “cánh chim đầu đàn” của GDĐH. Do đó, để không chỉ là những “cánh chim đầu đàn”, việc cần làm lúc này là khai phóng tiềm năng để các trường bứt phá.

Nên chăng, chúng ta tổ chức xếp hạng các cơ sở GDĐH trong nước, để các trường nhận diện đâu là điểm mạnh, yếu của mình; từ đó có những điều chỉnh phù hợp; từng bước “thăng hạng” trên trường quốc tế. Mặc dù kiểm định chất lượng không phải là tiêu chí bắt buộc để xếp hạng quốc tế, nhưng rõ ràng các trường cũng nên quan tâm đến vấn đề này, đặc biệt là kiểm định quốc tế. Đây phải thực sự là nhu cầu tự thân của các trường nếu muốn nâng cao chất lượng đào tạo và cải thiện “thứ hạng” cho mình.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật này đã có hiệu lực thi hành. Đây là cơ hội để các trường đổi mới quản trị, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. 

Song nói gì thì nói, để được ghi danh vào bảng xếp hạng thế giới, các trường cần có định hướng, chiến lược rõ ràng, nhất quán về định hướng xếp hạng đại học, đặc biệt là xếp hạng quốc tế uy tín. Theo kinh nghiệm của GS.TS Vũ Văn Yêm – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), các trường cần có hệ thống thu thập, lưu trữ dữ liệu trong toàn trường một cách thống nhất và đồng bộ. Mặt khác, cần có phân tích, đánh giá để cải tiến về chất lượng và hiệu quả hoạt động theo tiêu chí của bảng xếp hạng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.