Mang lương đi gửi “cho người”
Chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện cùng chị Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1978) - Giáo viên dạy môn Tiếng Anh, Trường TH&THCS Hải Lâm (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) vào một ngày cuối tháng 6. Đây là lúc chị đến Sở GD&ĐT Quảng Trị để trực tiếp gửi tặng số tiền 5 triệu đồng của mình ủng hộ cho Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19.
Hành động này được chị thực hiện ngay sau thư kêu gọi của ngành Giáo dục Quảng Trị về chung tay góp sức ủng hộ vật chất và tinh thần cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa được phát động. Cũng như mọi khi, hễ nhận được thông tin về các chương trình, hay hoạt động xã hội vì cộng đồng, chị Yến lại tích cực hưởng ứng.
Chị Yến cho hay, đây là toàn bộ tiền thưởng mà chị vừa được Thủ tướng trao tặng Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2021. Chị muốn dành số tiền thưởng của mình để ủng hộ cho Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19, vì chị mong rằng một ngày gần nhất, tất cả mọi người dân đều được tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh này.
Đối với chị, kể từ lúc dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, chị luôn đau đáu nghĩ về các lực lượng nơi tuyến đầu đang ngày đêm phải căng mình chống dịch. Hơn 1 năm qua, bên cạnh việc trích tiền lương của mình để mua khẩu trang, dung dịch sát khuẩn gửi tặng các đơn vị và những người lao động nghèo trên địa bàn Quảng Trị để phòng dịch, chị Yến còn tích cực kết nối các tổ chức, cá nhân hảo tâm vận động được rất nhiều nhu yếu phẩm, hàng chục nghìn chiếc khẩu trang, thiết bị y tế, bảo hộ... trao tặng kịp thời cho các khu cách ly, trạm y tế, trường học... với tổng trị giá hơn 2,5 tỷ đồng.
Vào thời điểm đợt lũ lịch sử năm 2020 xảy ra tại địa phương, chị Yến đã khiến nhiều người dân ở vùng rốn lũ Hải Lăng, Triệu Phong nhớ mãi bởi sự dấn thân, không quản ngại hiểm nguy để mang từng suất cơm, phần quà tiếp tế, trao tận tay cho bà con những khu vực bị nước lũ chia cắt, cô lập. Với chị, giúp được người dân có cái ăn ấm bụng giữa mênh mông nước bạc và có nơi trú tránh an toàn là niềm hạnh phúc.
“Nặng lòng” với những mảnh đời cơ cực
Chia sẻ về cơ duyên đến với hoạt động thiện nguyện, chị Yến cho biết, xuất phát từ việc giúp đỡ gia đình bà Nguyễn Thị Sắt ở thôn 4, thị trấn Diên Sanh (trước đây là xã Hải Thọ).
“Thời điểm đó, tôi còn công tác tại Trường THCS Hải Thiện. Hằng ngày, mỗi khi đi làm, tôi thường đi qua nhà bà Sắt nên biết được gia cảnh của bà. Vợ chồng bà Sắt sinh 4 người con gái đều bị bệnh tâm thần, kinh tế gia đình rất khó khăn. Vào năm 2009, chồng bà Sắt – ông Phạm Văn Ty (lao động chính trong nhà) bị mắc bệnh tràn dịch màng phổi, sức khỏe kiệt quệ nên gia đình càng thêm khốn khó.
Cảm thương hoàn cảnh ấy, tôi thường gom áo quần cũ, gạo và thỉnh thoảng trích một phần lương của mình để giúp đỡ gia đình. Tuy nhiên, đến năm 2018 thì bà Sắt phát hiện bị ung thư, gia cảnh càng trở nên ngặt nghèo hơn. Nhận thấy nếu chỉ một mình sẽ không thể giúp đỡ được nhiều cho hoàn cảnh đáng thương này nên tôi đã đăng thông tin lên Facebook nhờ bạn bè, người thân giúp đỡ. Đó cũng là lần đầu tiên tôi sử dụng mạng xã hội để thực hiện hoạt động thiện nguyện”, chị Yến kể.
Một trong những hoàn cảnh mà đến giờ chị Yến vẫn cưu mang, giúp đỡ là hai chị em ruột mồ côi bố mẹ, gồm Nguyễn Thị Ngân (SN 2001) - hiện là sinh viên năm hai Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng và Nguyễn Thị Trinh (SN 2005) - học sinh lớp 10, Trường THPT Hải Lăng. Vào năm 2019, Ngân thi đỗ vào Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng, nhưng vì không có tiền đóng học phí lúc nhập học nên Ngân quyết định sẽ bỏ học.
Biết tin, chị Yến vừa liên hệ người quen xin cho Ngân suất học bổng tại tỉnh, vừa viết tâm thư lên mạng xã hội Facebook kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ cho cô trò nhỏ hiếu học. Từ sự kết nối của chị Yến, Quỹ học bổng “Thắp sáng niềm tin” tại Hà Nội đã trao tặng Ngân suất học bổng trị giá 52 triệu đồng. Cùng với đó, các tổ chức, nhà hảo tâm cũng hỗ trợ một khoản tiền đều đặn hàng tháng, giúp cả 2 em yên tâm học tập.
Từ năm 2018 đến nay, chị Yến trở thành cầu nối thông qua mạng xã hội. Từ nhịp cầu kết nối yêu thương của chị, bạn bè gần xa biết được nhiều hoàn cảnh éo le, cơ cực tại Quảng Trị. Nhiều mạnh thường quân ở trong và ngoài nước đã tìm đến để chung tay giúp sức. Người góp công, người góp của để lan tỏa tình thân ái trong cộng đồng với tổng số tiền và vật chất kết nối được khoảng 6 tỷ đồng.
Mỗi hoàn cảnh giúp đỡ có một số phận khác nhau, nhưng đọng lại đằng sau những việc làm ý nghĩa ấy điều mà chị Yến mong muốn nhất là họ sẽ thay đổi số phận, cuộc sống sẽ bớt vất vả, nhọc nhằn hơn. Với chị, được tin tưởng trở thành chiếc cầu nối thân thương gắn kết những tấm lòng thiện nguyện là điều khiến chị rất hạnh phúc.
Nhiều đêm, khi giáo án đã soạn xong, chị vẫn tiếp tục chong đèn tới khuya để cập nhật tình hình những người cần giúp đỡ, hay kêu gọi kịp cho một trường hợp nào đó vừa bất chợt gặp hoạn nạn. Mọi hoạt động, chương trình hỗ trợ đều được chị ghi chép cẩn thận, chi tiết và đăng công khai trên Facebook.
“Mỗi khi nhìn thấy những nụ cười rạng rỡ, hay giọt nước mắt mừng vui của những phận đời kém may mắn khi nhận được sự sẻ chia, hỗ trợ từ cộng đồng tôi lại thấy ấm áp vô cùng. Đối với những người làm thiện nguyện thì làm cho người khác an vui chính là niềm hạnh phúc vô giá. Giúp người cũng là giúp mình. Cho đi chính là cách nhận lại tuyệt vời nhất”, chị Yến bộc bạch.