Làm cách nào sinh động hóa giờ học Văn?

GD&TĐ - Trong môn Ngữ văn, có thể nói, những tiết dạy Làm văn khá khô khan, ít gây được sự hứng thú với học sinh. Vậy làm thế nào để sinh động hoá những giờ học Làm văn trong nhà trường phổ thông?

Làm cách nào sinh động hóa giờ học Văn?

Vì sao những tiết học Làm văn chưa hấp dẫn học sinh?

Qua thực tế giảng dạy của bản thân và dự giờ đồng nghiệp, tôi thực sự băn khoăn khi những tiết học Làm văn không khơi gợi được sự hứng thú học tập của học sinh. Điều này xuất phát từ đặc trưng của phần Làm văn thiên về hình thành và rèn luyện kĩ năng cho học sinh, không có sự tiếp xúc với những văn bản văn học gợi cảm hứng như những giờ đọc hiểu văn bản.

Bên cạnh đó, một số tiết học Làm văn trong sách giáo khoa đưa ra ngữ liệu có phần hơi hàn lâm, chưa gần gũi với học sinh. Nhưng trên tất cả, nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là từ việc tổ chức dạy học của giáo viên. Rất nhiều giáo viên có tâm lí e ngại giờ dạy phân môn này. Cho nên việc dạy học chưa có sự hứng thú từ cả giáo viên và học sinh, dẫn đến tâm lí học thụ động của học trò. Vì vậy, hiệu quả những giờ học chưa cao.

Làm thế nào để sinh động hoá giờ dạy học Làm văn?

Nằm trong quỹ đạo chung của việc đổi mới phương pháp dạy học, thiết nghĩ, người giáo viên cần có sự quan tâm đúng mức đến những giờ dạy làm văn. Bởi đây chính là những tiết học quan trọng, không những hình thành, rèn luyện kĩ năng làm văn mà còn góp phần khơi dậy năng lực sáng tạo, tư duy phản biện, năng lực giao tiếp cho học sinh. Với mong muốn những giờ học làm văn thoát khỏi sự khô khan, xơ cứng, trầm lắng, tôi xin đề xuất một số gợi ý sau:

1. Lựa chọn ngữ liệu, bài tập gần gũi, hấp dẫn học sinh

Ngữ liệu, bài tập gần gũi sẽ kéo gần khoảng cách giữa các em học sinh và những lí thuyết làm văn có phần khô khan, trừu tượng. Chẳng hạn, khi dạy bài “Thao tác luận bác bỏ” trong chương trình Ngữ văn 11, khi dẫn dắt các em đến với khái niệm thao tác lập luận bác bỏ, tôi đưa ra một luận điểm: “Có người cho rằng: Đội tuyển U23 Việt Nam đạt giải á quân U23 châu Á hoàn toàn là nhờ vào may mắn”.

Sau đó hỏi học sinh: “Em có đồng tình với ý kiến trên không? Nếu không đồng tình, hãy đưa ra các lí lẽ để phản bác ý kiến đó”. Tiết học này được dạy ngay sau sự kiện U23 đăng quang ngôi vị Á quân, vì vậy, học sinh rất sôi nổi, thảo luận, tranh biện để bác bỏ ý kiến trên. Cuối cùng giáo viên chốt lại được vấn đề, hình thành cho các em khái niệm thao tác lập luận bác bỏ một cách hiệu quả.

2. Vận dụng linh hoạt các trò chơi

Tổ chức trò chơi trong dạy học làm văn sẽ kích thích được tính tích cực, chủ động của học sinh; tránh lối hỏi đáp truyền thống thiếu hấp dẫn. Một số trò chơi đơn giản, có thể vận dụng dễ dàng trong dạy học là trò chơi Tiếp sức, trò chơi ô chữ, Đoán ý đồng đội, Ghép tranh,…

Với bài học “Chọn sự việc chi tiết tiêu biểu trong bài văn tự sự” trong chương trình Ngữ văn 10, thay vì phương pháp vấn đáp truyền thống hay thảo luận nhóm, giáo viên có thể tổ chức trò chơi “Tiếp sức” ở mục 2, phần II (Cách chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu). Lớp tổ chức thành các đội chơi, mỗi đội chơi được giao một trong các sự việc tiêu biểu trong câu chuyện về con trai Lão Hạc trở về. Sau đó, giáo viên chia bảng thành số phần tương ứng với số đội. Thành viên các đội tiếp sức với nhau lên bảng triển khai sự việc được giao với các chi tiết cụ thể. Cuối cùng, giáo viên đọc lại sản phẩm các đội, nhận xét và sửa chữa để rút ra bài học cụ thể về cách chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu.

3. Tăng cường giờ học trải nghiệm

Trải nghiệm trong các môn học đều rất quan trọng. Riêng đối với làm văn, học sinh cần được trải nghiệm thực tế để khắc sâu kiến thức lí thuyết và rèn luyện kĩ năng. Tại trường THPT Đồng Lộc, việc dạy làm văn qua hoạt động trải nghiệm rất được chú trọng. Khi dạy chủ đề “Văn thuyết minh” trong chương trình Ngữ văn lớp 10, tổ Ngữ Văn tổ chức học sinh tham quan di tích lịch sử Ngã ba Đồng lộc, yêu cầu học sinh quan sát, tìm hiểu, ghi nhớ và hoàn thành bài thu hoạch: “Thuyết minh về khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc”. Hoạt động này không chỉ hữu ích cho bài học làm văn mà còn tích hợp giáo dục kĩ năng sống, truyền thống yêu nước cho học sinh qua di sản của địa phương.

Có thể nói, đích đến của đổi mới phương pháp dạy học Làm văn khơi gợi hứng thú học tập và sự năng động, sáng tạo của học sinh; để kiến thức và kĩ năng được hình thành ở các em một cách tự nhiên, hiệu quả nhất. Xét từ khía cạnh đó, những gợi ý trên đã chứng minh được tính khả dụng, thiết thực trong thực tiễn giảng dạy.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.