Môn Âm nhạc trong Chương trình GDPT mới

GD&TĐ - Trong chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT), môn Âm nhạc tạo cơ hội cho HS được phát triển năng lực thẩm mĩ để phát triển toàn diện về nhân cách, hài hoà về thể chất và tinh thần. 

Trong phòng học nhạc tại Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội
Trong phòng học nhạc tại Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội

Nội dung môn Âm nhạc được phân chia theo hai giai đoạn. Giai đoạn GD cơ bản: Âm nhạc là môn học bắt buộc từ lớp 1 - 9, bao gồm những kiến thức và kĩ năng cơ bản về hát, nhạc cụ, nghe nhạc, đọc nhạc, lí thuyết âm nhạc, thường thức âm nhạc. Giai đoạn GD định hướng nghề nghiệp: Âm nhạc là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của HS.

4 đổi mới đáng chú ý

Chia sẻ về những đổi mới chủ yếu trong Chương trình mới môn Âm nhạc, ThS Lê Anh Tuấn - Chủ biên Chương trình môn Âm nhạc - cho biết: Thứ nhất là đổi mới về định hướng. Chương trình được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, tập trung phát triển năng lực thẩm mĩ trong lĩnh vực âm nhạc (năng lực âm nhạc), với 3 thành phần: Thể hiện âm nhạc, cảm thụ và hiểu biết âm nhạc, ứng dụng và sáng tạo âm nhạc. Để phát triển được những năng lực đó, HS cần học các nội dung: Hát, nghe nhạc, đọc nhạc, nhạc cụ, lí thuyết âm nhạc, thường thức âm nhạc, thông qua những phương pháp dạy học phù hợp. Chương trình được xây dựng theo định hướng mở (không qui định số lượng bài hát, bài tập nhạc cụ, đọc nhạc...) để tác giả SGK và giáo viên vận dụng linh hoạt, tránh quá tải.

Thứ hai là đổi mới về nội dung. Chương trình xác định được nội dung GD với những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại; lần đầu tiên nội dung nhạc cụ được dạy học trong trường phổ thông. Bên cạnh đó, chương trình điều chỉnh tên một vài nội dung, ví dụ: Hát, đọc nhạc, thường thức âm nhạc, câu chuyện âm nhạc...

Thứ ba là đổi mới về phương pháp dạy học. Chương trình xác định HS cần được tiếp cận âm thanh trước khi học kí hiệu âm nhạc, tiếp cận lí thuyết thông qua trải nghiệm thực hành; lí thuyết âm nhạc không học tách biệt mà tích hợp trong các nội dung hát, nhạc cụ, đọc nhạc. Chương trình cũng định hướng vận dụng một số phương pháp dạy học phổ biến trên thế giới như: Chơi tiết tấu bằng động tác tay, chân, đọc nhạc theo kí hiệu bàn tay, nghe và cảm thụ âm nhạc...

Thứ tư là đổi mới về phạm vi GD. Lần đầu tiên môn Âm nhạc được dạy học ở cấp THPT.

Nói về mục tiêu chung của môn Âm nhạc mới, theo ThS Lê Anh Tuấn, môn Âm nhạc giúp HS hình thành, phát triển năng lực âm nhạc dựa trên nền tảng kiến thức âm nhạc phổ thông và các hoạt động học tập đa dạng để trải nghiệm và khám phá nghệ thuật âm nhạc. Nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mĩ và tình yêu âm nhạc, nhận thức được sự đa dạng của thế giới âm nhạc và mối liên hệ giữa âm nhạc với văn hoá, lịch sử, xã hội cùng các loại hình nghệ thuật khác, hình thành ý thức bảo vệ và phổ biến các giá trị âm nhạc truyền thống. Có đời sống tinh thần phong phú với những phẩm chất cao đẹp, có định hướng nghề nghiệp phù hợp, phát huy tiềm năng hoạt động âm nhạc và phát triểncác năng lực chung của HS.

Những năng lực âm nhạc mà Chương trình mônÂm nhạc hình thành cho HS gồm năng lực thể hiện âm nhạc; năng lực cảm thụ và hiểu biết âm nhạc; năng lực ứng dụng và sáng tạo âm nhạc.

Môn Âm nhạc giúp học sinh phát huy tối đa sức sáng tạo bản thân
Môn Âm nhạc giúp học sinh phát huy tối đa sức sáng tạo bản thân 

Những nội dung giáo dục cốt lõi

ThSLê Anh Tuấn cho biết, hát là một nội dung quan trọng và xuyên suốt chương trình môn Âm nhạc, gồm: Bài hát tuổi HS, dân ca Việt Nam, bài hát nước ngoài. Hợp xướng được học ở trường THPT. Cùng với đó, nghe nhạc là một hoạt động phổ biến trong GD âm nhạc, gồm: Nghe nhạc không lời, nghe nhạc có lời. Đọc nhạc gồm các nội dung: Các mẫu âm ngắn, đơn giản, dễ đọc, âm vực phù hợp với độ tuổi ở giọng Đô trưởng (từ lớp 1 - 3), bài luyện tập cơ bản về quãng, về tiết tấu, bài đọc nhạc ở giọng Đô trưởng (từ lớp 4 - 5), kết hợp giọng Đô trưởng và La thứ (từ lớp 6 - 9)...

Chương trình môn Âm nhạc mới đã lựa chọn, tiếp thu và thể hiện xu thế và kinh nghiệm quốc tế trong việc: Phân chia nội dung môn Âm nhạc theo hai giai đoạn: Giai đoạn GD cơ bản (từ lớp 1 - 9) và giai đoạn GD định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 - 12); xây dựng chương trình môn Âm nhạc theo hướng phát triển các năng lực âm nhạc, trong đó chú trọng năng lực thẩm mĩ; thực hiện tích hợp mạnh ở tiểu học, THCS và phân hóa sâu ở THPT; dành thời lượng thích hợp cho GD âm nhạc của địa phương; bổ sung nội dung nhạc cụ - một nội dung dạy học phổ biến trong chương trình môn Âm nhạc của các nước tiên tiến trên thế giới.

 
ThS Lê Anh Tuấn

Nhạc cụ tiết tấu được thực hiện đại trà với tất cả học sinh, nhà trường có thể lựa chọn dạy học nhạc cụ tiết tấu bằng: Nhạc cụ gõ Việt Nam (trống nhỏ, song loan, thanh phách...), nhạc cụ gõ nước ngoài (bell, maracas, tambourine, triangle, wood guiro, xylophone...), động tác tay, chân hoặc nhạc cụ tự làm. Nhạc cụ giai điệu là nội dung khuyến khích các trường thực hiện khi đủ điều kiện về thiết bị dạy học, năng lực của giáo viên...

Nhà trường có thể lựa chọn dạy học nhạc cụ giai điệu bằng nhạc cụ Việt Nam (sáo trúc, đàn t"rưng...) hoặc nhạc cụ nước ngoài (kèn phím, đàn phím điện tử, recorder, ukulele, guitar...). Tất cả yêu cầu cần đạt về nhạc cụ giai điệu chỉ áp dụng với HS được học nội dung này.

Lí thuyết âm nhạc là những kiến thức cơ bản, phổ thông và mang tính ứng dụng, làm nền tảng cho các hoạt động thực hành âm nhạc, gồm các nội dung: Kí hiệu âm nhạc và các loại nhịp, một số kiến thức cơ bản khác. Lí thuyết âm nhạc khônghọc tách biệt mà được tích hợp trong các nội dung hát, nhạc cụ, đọc nhạc.

Thường thức âm nhạc gồm: Tìm hiểu nhạc cụ, câu chuyện âm nhạc, tác giả và tác phẩm, hình thức biểu diễn và thể loại âm nhạc, âm nhạc và đời sống. Các nội dung được bố trí dạy học phù hợp với khả năng nhận thức và năng lực của HS trong từng cấp học.

Tính khả thi của Chương trình môn Âm nhạc mới

Chương trình mới kế thừa nhiều thành phần của chương trình hiện hành, về: Thời lượng, mục tiêu, nội dung dạy học, chuẩn kiến thức và kĩ năng, phương pháp dạy học... Ví dụ về nội dung dạy học, chương trình tiếp tục sử dụng 5 mạch nội dung trong chương trình hiện hành, đó là: Hát, nghe nhạc, đọc nhạc, lí thuyết âm nhạc, thường thức âm nhạc. Chương trình mới bổ sung thêm một mạch nội dung, đó là nhạc cụ.

Với sự kế thừa này, theo ThS Lê Anh Tuấn, giáo viên Âm nhạc hiện nay có thể giảng dạy và đáp ứng được phần lớn nội dung và yêu cầu của chương trình mới. Thời gian tới, các giáo viên cần được tập huấn về những vấn đề mới để bảo đảm có thể giảng dạy toàn bộ chương trình.

Chương trình mới có thêm nội dung nhạc cụ. Do đó, tác giả biên soạn sách giáo khoa cần giảm bớt thời lượng dạy học một số nội dung khác. Ví dụ: Ôn tập bài hát, lí thuyết âm nhạc, đọc nhạc, ôn tập và kiểm tra... Đồng thời nên sử dụng bài hát làm trục chính, một số nội dung khác (đọc nhạc, chơi nhạc cụ, lí thuyết âm nhạc...) sẽ được thiết kế xoay quanh trục này; bảo đảm số lượng bài hát, bài đọc nhạc, bài học nhạc cụ trong sách giáo khoa liên kết với nhau và dễ thực hiện.

Trả lời câu hỏi vì sao cần đưa thêm nội dung nhạc cụ vào Chương trình môn Âm nhạc, ThS Lê Anh Tuấn giải đáp: Học nhạc cụ trong môn Âm nhạc là một xu thế tất yếu, hầu hết các nước tiên tiến trên thế giới đều dạy HS cách chơi nhạc cụ, bởi vì: Học nhạc cụ làm môi trường học tập trở nên đa dạng hơn, vừa giúp HS phát triển năng lực âm nhạc (nghe, hát, đọc nhạc) và năng lực tự học, giao tiếp, hợp tác, vừa để giảm bớt lí thuyết, tăng cường thực hành và nâng cao tính ứng dụng.

Thông qua nhạc cụ, HS được học bằng đa giác quan, được cảm nhận về âm nhạc một cách trọn vẹn, được nâng cao sự trải nghiệm và thể hiện cảm xúc theo những cách khác nhau, khác với cách hát thông thường. Nhiều HS không có khả năng ca hát, một số em đến độ tuổi 12 - 14 thường bị vỡ giọng, nhạc cụ là phương tiện để các em học tập và thể hiện bản thân. Học nhạc cụ còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa và hội nhập quốc tế, thông qua việc học những nhạc cụ Việt Nam và nhạc cụ nước ngoài. 

Bài 2: Lưu ý để triển khai thành công

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ