Sinh động các hình thức giáo dục giới tính

GD&TĐ - Thời gian vừa qua, nhiều trường học tại TPHCM đã tổ chức các chuyên đề tuyên truyền, giáo dục giới tính, giáo dục kỹ năng tự vệ, phòng, tránh xâm hại cho học sinh. Đây là một trong những nội dung được các trường chú trọng, thông qua nhiều hình thức tuyên truyền nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các em.

Học sinh Trường Quốc tế Việt Úc (cơ sở Phú Nhuận) chuẩn bị buổi trò chuyện online về vấn đề giới tính, kỹ năng tự vệ với bác sĩ Nguyễn Thị Hiệp Tuyết
Học sinh Trường Quốc tế Việt Úc (cơ sở Phú Nhuận) chuẩn bị buổi trò chuyện online về vấn đề giới tính, kỹ năng tự vệ với bác sĩ Nguyễn Thị Hiệp Tuyết

Nhiều hình thức tuyên truyền hiệu quả

Trong giờ sinh hoạt đầu tuần, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) đã được trò chuyện với cô Nguyễn Khánh Chi, hiện là Giám đốc một công ty về GD tại TPHCM. Với phong cách nhẹ nhàng, giọng nói truyền cảm, lối giảng thuyết phục, cô đã tương tác với học sinh, cùng trao đổi và giúp các em nhận ra thế nào là bị xâm hại tình dục, giúp các em phân biệt vùng riêng tư trên cơ thể, phân biệt kẻ xấu và phải biết trả lời “Không là không” khi thấy có những biểu hiện bất thường của người khác đối với mình.

Theo cô Tống Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường, việc giáo dục giới tính, kỹ năng phòng chống xâm hại là cần thiết hơn bao giờ hết. Để làm điều này, nhà trường cần phối hợp với gia đình, xã hội với phương châm “mưa dầm thấm lâu” để trang bị kiến thức cho học sinh, giúp các em có kĩ năng tự vệ để tránh những điều đáng tiếc.

Tương tự, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), cũng tổ chức chuyên đề kỹ năng tự vệ phòng, chống xâm hại với sự tham gia của HS toàn trường. Các em được lắng nghe báo cáo viên đến từ Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM chia sẻ thông qua cách dẫn chuyện hài hước, lồng ghép các kiến thức phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên.

Trường Quốc tế Việt Úc (cơ sở Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận) lại có cách giáo dục cho học sinh khá mới lạ kết hợp với hình thức kết nối trực tuyến , các em đã được trò chuyện

online cùng cô Nguyễn Thị Hiệp Tuyết bác sĩ, giảng viên Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên.

Qua buổi trò chuyện trực tuyến, các em học sinh đã đặt những câu hỏi như: “Tại sao gọi là dậy thì?”, “Tại sao phải vệ sinh vùng kín?”, “Tại sao con phải mặc quần nhỏ?”, “Con được sinh ra từ đâu?”, “Tại sao lại thụ tinh được?”... Và đã được bác sĩ trả lời một cách ngắn gọn, dễ hiểu liên quan đến giới tính, sinh sản, vệ sinh tuổi dậy thì, phòng tránh xâm hại trẻ em. Bác sĩ cũng đặt lại cho các em nhiều câu hỏi liên quan đến vấn giới tính để nhắc nhớ cũng như hướng dẫn các em bảo vệ cơ thể mình.

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1 trao đổi với báo cáo viên tại chuyên đề kỹ năng phòng, chống xâm hại
  • Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1 trao đổi với báo cáo viên tại chuyên đề kỹ năng phòng, chống xâm hại

Cần sự phối hợp của gia đình, chung tay của xã hội

Là một chuyên gia tâm lý, TS Xã hội học đang giảng dạy tại Học viện Hành chính Quốc gia (TPHCM), TS Phạm Thị Thúy chia sẻ, chị đã được nhiều trường học trong các tỉnh thành - mời đến chia sẻ về kỹ năng tự bảo vệ bản thân (phòng tránh xâm hại) cho học sinh, cho giáo viên cấp và các phụ huynh.

“Qua mỗi lần trò chuyện, giáo dục cho học sinh, tôi luôn muốn chuyển tải thông điệp rằng: Làm sao để các con hiểu, biết phải trân trọng cơ thể của mình và người khác, hiểu giá trị bản thân để giữ gìn sự an toàn, có trách nhiệm với chính mình. Vậy ai là người bảo vệ các con tốt nhất? Và giúp các con hiểu chính các con là người bảo vệ mình tốt nhất. Không ai ở bên con 24/24 giờ. Vì vậy, qua mỗi chuyên đề tôi giúp các em biết cách phòng tránh các hành vi xâm hại và cách bảo vệ khi bị xâm hại qua các nguyên tắc bàn tay, no-go-tell, cũng như đặt vấn đề nếu bị xâm hại hay thấy, biết, gặp bạn mình bị xâm hại các em cần phải làm gì”, TS Phạm Thị Thúy chia sẻ.

Không chỉ với học sinh, theo TS Phạm Thị Thúy, giáo viên và phụ huynh cũng cần được trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết để nhận diện các nguy cơ không an toàn cho trẻ, ngoài ra có thêm kiến thức, kỹ năng để giáo dục cho trẻ, để biết xử lý khi gặp trường hợp cụ thể có liên quan đến học sinh, con em mình.

Đồng quan điểm trên, cô Nguyễn Thị Liễu, một chuyên gia giáo dục và là người phụ trách chương trình của Bộ GD&ĐT tại Trường Quốc tế Việt Úc (cơ sở Hoàng Văn Thụ và cơ sở Phan Xích Long) cho hay: Hiện, vẫn có nhiều phụ huynh vẫn có phần mơ hồ, e dè khi nói với con về vấn đề giới tính. Bằng chứng là khi trao đổi với học sinh, một số em vẫn trả lời: Mẹ con nói con sinh ra từ rốn, con sinh ra từ nách… Phụ huynh cần được trang bị kiến thức, cần dành thời gian trò chuyện với con trẻ, hỏi về tình hình học tập, sinh hoạt của con… nắm bắt tâm sinh lý của con và nếu thấy gì đó bất thường cần báo cho thầy cô giáo, phối hợp để ngăn chặn các nguy cơ có hại cho con trẻ.

Ngoài sự nỗ lực của các trường trong việc tuyên truyền, giáo dục cho học sinh các chuyên đề về kỹ năng tự vệ, kỹ năng phòng, tránh xâm hại, thì Sở GD&ĐT cũng cần phối hợp với các bên như Sở Y tế, Công an để tuyên truyền giáo dục trong các nhà trường. Ngoài ra, các khu phố, các cụm dân cư cũng cần phối hợp với Hội Phụ nữ, đoàn thể tuyên truyền tích cực hơn nữa cho mỗi gia đình ý thức được vấn đề quan trọng của việc trang bị kỹ năng, kiến thức cần thiết cho con trẻ về phòng, tránh xâm hại, tạo cho trẻ môi trường an toàn nhất. -Ý kiến của cô Nguyễn Thị Liễu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.