Lai Châu: Trường mầm non tư thục đìu hiu, chủ trường gồng mình trả nợ

GD&TĐ - Dịch Covid-19 bùng phát, các trường mầm non tư thục ở Lai Châu gặp khó bởi tâm lý e ngại của phụ huynh khi cho con đến lớp. Nguồn thu giảm sút, song chủ trường vẫn phải “gồng mình” nuôi "quân".

Hoạt động của cô trò trường Mầm non Baby Star
Hoạt động của cô trò trường Mầm non Baby Star

Khó tuyển sinh

Gần 1 năm qua, Trường mầm non Baby Star (Tp. Lai Châu, tỉnh Lai Châu) liên tục phát đi thông báo thời gian tạm thời dừng hoạt động để đảm bảo công tác phòng chống dịch.  Đó cũng là thực trạng chung của các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ độc lập tư thục ở Lai Châu khi tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp.

Theo kế hoạch năm học này, trường Mầm non Baby Star có 6 lớp với 75 trẻ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khi mở cửa, lúc đông trường cũng chỉ có khoảng 2/3 số trẻ tới lớp.

Cô Dương Hoàng Dung, Phụ trách nhà trường chia sẻ: “Dịch bệnh phức tạp, nhiều phụ huynh trên địa bàn lo ngại cho sức khỏe của con nên cho trẻ nghỉ học”.

Tương tự, nhóm trẻ độc lập tư thục “Tuổi thần tiên” cũng chỉ duy trì được 19 bé, chủ yếu trên địa bàn phường Tân Phong. Theo cô Bùi Thị Lan (Người quản lý nhóm trẻ), việc tuyển sinh đối với nhóm trẻ tư thục khó khăn hơn khi xuất hiện dịch bệnh. Thông thường, khi chưa có dịch, nhóm trẻ này duy trì số lượng khoảng trên 30 em.

“Thường thì gần Tết, phụ huynh mới bắt đầu cho con đi học. Nay dịch bệnh phức tạp nên nhiều phụ huynh không yên tâm cho trẻ đến lớp. Vì thế, tỷ lệ trẻ đến nhóm chúng tôi giảm nhiều”, cô Lan chia sẻ.

Hoạt động trải nghiệm của trường Mầm non Baby Star
Hoạt động trải nghiệm của trường Mầm non Baby Star

Còn tại nhóm trẻ độc lập tư thục Baby Sun, khi mới mở thường xuyên đón và chăm sóc cho 20 trẻ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhóm này chỉ con có 7 trẻ đang theo học. 

Được biết, hiện TP Lai Châu có 1 trường Mầm non tư thục và 10 nhóm trẻ độc lập tư thục hoạt động chủ yếu ở 2 phường: Đông Phong và Tân Phong. Các cơ sở này tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trên 260 trẻ từ 1 - 6 tuổi.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tình, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Lai Châu cho biết: “So với cùng kỳ năm học trước, địa bàn thành phố giảm 2 nhóm trẻ mầm non tư thục. Khi dịch bệnh xảy ra, việc tuyển sinh đối với các nhóm trẻ và trương mầm non tư thục có phần khó khăn hơn”.

“Vượt sóng”....

Thu nhập từ việc đi dạy trường mầm non vốn không quá dư dả để tích lũy. Thế rồi dịch bệnh kéo dài càng khiến cuộc sống của những giáo viên mầm non tư thục tại TP Lai Châu trở nên bấp bênh hơn.

Trường Mầm non Baby Star hiện có 16 giáo viên, nhân viên. Trong thời gian dịch bệnh, việc chi trả lương có phần chậm hơn và khoản thu nhập của giáo viên cũng từ đó giảm đi.

Cô Dương Hoàng Dung cho biết: “Chúng tôi thuộc quản lý của một công ty tại Hà Nội, việc thu nhập phụ thuộc rất lớn vào số lượng trẻ theo học tại trường. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chúng tuyển sinh được ít. Chính vì vậy, tiền thu nhập tăng thêm của chúng tôi bị giảm đi nhiều”.

Do dịch bệnh, nhóm trẻ độc lập tư thục Tuổi thần tiên chỉ duy trì số lượng 19 trẻ
Do dịch bệnh, nhóm trẻ độc lập tư thục Tuổi thần tiên chỉ duy trì số lượng 19 trẻ

Nhóm trẻ độc lập tư thục Smart Kids hiện đang nhận 28 trẻ thuộc các phường Tân Phong, Quyết Tiến, Đông Phong và Trung đoàn 88. Theo cô Lò Thị Phước, hàng tháng, giáo viên vẫn nhận đủ lương. Tuy nhiên, việc số trẻ đi học giảm dẫn đến “hoa hồng” cho giáo viên cũng giảm đi.

“Thu nhập chủ yếu của chúng tôi hiện nay chủ yếu là lương. Khi dịch bệnh xảy ra, các khoản thù lao tăng thêm bị cắt giảm. Trong khi, chi phí mua sắm các mặt hàng trên thị trường đều tăng dẫn đến cuộc sống của nhiều giáo viên như chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều”, cô Phước nói.

Không chỉ có giáo viên gặp khó mà các chủ trường cũng lao đao khi cơ sở có nguy cơ phải đóng cửa. Mặc dù vậy, các trường, nhóm trẻ mầm non tư thục trên địa bàn TP Lai Châu vẫn duy trì đủ lương cho giáo viên và nhân viên để cùng nhau vượt qua đại dịch.

Nhóm trẻ độc lập tư thục Bayby Sun chỉ có 2 giáo viên và 1 nhân viên phục vụ. Hàng tháng, mọi khoản chi ở trường, chủ cơ sở này vẫn phải bỏ “tiền túi” ra chi trả. “Đầu tư rất nhiều nhưng trường vẫn chưa thu được vốn đã bỏ ra. Vấn đề lo lắng nhất của trường là số lượng trẻ đi học bị giảm so với trước khi có dịch. Cùng với đó, chi phí mặt bằng đắt, phải trả đủ. Lượng giáo viên và nhân viên vẫn duy trì với số tiền 4 triệu đồng/tháng”, cô Nguyễn Thu Thảo cho biết.

Xây dựng cơ sở với quy mô đón 60 trẻ theo học, nhưng nhóm trẻ độc lập tư thục “Tuổi thần tiên” hiện chỉ có 19 trẻ theo học. Số tiền thu mỗi tháng khoảng 1 triệu đồng/trẻ cũng chỉ đủ để trả lương cho 4 giáo viên, nhân viên. Cô Bùi Thị Lan tâm sự: “Đầu tư vào thuê mặt bằng với số tiền tương đối lớn, rồi chúng tôi lại phải vay ngân hàng để mua cơ sở vật chất, thường xuyên thay đổi không gian, mua đồ dùng, đồ chơi cho trẻ cũng mất khá nhiều”.

Trên thực tế, đời sống và thu nhập của người lao động đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng song các cơ sở vẫn gặp khó trong việc tiếp cận với chính sách hỗ trợ.

“Chúng tôi mong sẽ có chính sách hỗ trợ vay vốn để tiếp tục duy trì hoạt động của nhà trường. Nếu trường đóng cửa thì 16 giáo viên trong trường cũng sẽ gặp khó khăn khi mất việc làm”, cô Dương Hoàng Dung nói.

Còn cô Nguyễn Thu Thảo cho biết: “Mặc dù hiện tại chúng tôi đang lỗ, nhưng vẫn sẽ duy trì cơ sở. Hy vọng rằng, lúc hết dịch hay nghỉ Hè, số lượng trẻ tăng thêm. Lúc đó, thu nhập cho giáo viên cũng như cơ sở sẽ đảm bảo hơn”.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ