Kym Việt - Kể câu chuyện của cây kim, sợi chỉ

GD&TĐ - “Kym” trong từ “kim khâu” được viết cách điệu để tạo điểm nhấn, còn “Việt” trong tên Việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng quản trị KymViet Phạm Việt Hoài (bìa trái).
Chủ tịch Hội đồng quản trị KymViet Phạm Việt Hoài (bìa trái).

“Kym Việt” cái tên không hoa mỹ nhưng mang theo ước vọng đem niềm tự hào về sản phẩm thủ công Việt vươn ra thế giới của một cộng đồng người khuyết tật.

Từ đôi tay đến khát vọng cống hiến

Sau một tai nạn lúc mới lên bảy tuổi, cuộc đời Phạm Việt Hoài rẽ sang một hướng khác khi bị khuyết tật vận động, phải “làm bạn” với chiếc xe lăn. Không chấp nhận bó buộc mình trong bốn bức tường, Hoài vươn ra ngoài, xoay xở kinh doanh đủ nghề, từ mở hàng photocopy tới bán băng đĩa nhạc…

Thấu hiểu những khó khăn, thiệt thòi mà người khuyết tật gặp phải, Hoài quyết tâm thay đổi chính số phận của mình. Năm 2013, Hoài hợp sức với những người bạn là Nguyễn Việt Dũng, Kiều Tuấn, Nguyễn Đức Minh lập ra KymViet và xác định đây là một doanh nghiệp xã hội, hoạt động mang tính chất phi lợi nhuận. Vạn sự khởi đầu nan, đến nay KimViet đã có tới 30 nhân viên với 3 cơ sở, và cái tên KymViet đã được nhiều người biết đến qua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được thiết kế công phu và đẹp mắt.

Đúng như tên gọi “Kym” trong từ “kim khâu”, “Việt” trong tên Tổ quốc Việt Nam, KymViet mang trong mình những khát khao bình dị, là ước vọng mang niềm tự hào về sản phẩm thủ công Việt vươn ra thế giới. Trong gần 10 năm xây dựng, phát triển, KymViet đã đồng hành, hỗ trợ về vật chất cũng như tinh thần cho người khuyết tật. “Thấu hiểu khó khăn của người khuyết tật, chúng tôi mong muốn đem lại cho họ cơ hội việc làm, có mức thu nhập ổn định và có cuộc sống đầy đủ, tốt hơn. Khi được đưa vào quy trình cụ thể, họ đã biến sự khiếm khuyết thành hoàn hảo, sống như những gì vốn có để khẳng định bản thân”, ông Phạm Việt Hoài chia sẻ.

Theo ông Hoài, người khuyết tật, dù ở dạng khuyết tật nào, luôn có áp lực và suy nghĩ rằng mình là gánh nặng cho gia đình và xã hội, dẫu được gia đình, người thân luôn yêu thương, bao bọc. Nhưng ở KymViet, họ đã dần xóa đi những mặc cảm, lấy lại sự tự tin. “Làm việc với họ tôi nhận thấy các bạn rất thông minh, khéo léo. Những khiếm khuyết làm cho các bạn kiên nhẫn, cần cù, tự giác rất cao. Có quy trình ổn định, được đào tạo, họ tiếp thu được thì công việc rất tốt, trôi chảy”, ông cho hay.

Với khát vọng cống hiến, KymViet đã đưa những sản phẩm của mình chinh phục thị trường trong nước và quốc tế. Trong hai năm liên tiếp (2015 - 2016) KymViet được nhận giải thưởng về các mẫu sản phẩm thiết kế thủ công mỹ nghệ; giải thưởng doanh nghiệp xã hội có yếu tố hòa nhập cao do Hội đồng Anh trao tặng. Hai năm tiếp theo, KymViet đạt chứng nhận hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích. Đặc biệt, sản phẩm KymViet được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT lựa chọn làm quà tặng cho các đối tác quốc tế.

Sản phẩm thủ công của người khuyết tật ở KymViet.
Sản phẩm thủ công của người khuyết tật ở KymViet.

Cầu nối giáo dục trải nghiệm

Đến với “KymViet Space” (123 phố Trung Văn, Hà Nội) nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước một không gian đầy sắc màu. Với diện tích khoảng 400 m2, nơi đây được bố trí hợp lý. Tầng một, phía ngoài là nơi giao dịch, gian trưng bày sản phẩm của công ty. Chếch bên phải là góc pha chế của cà phê KymViet, với “tấm rèm” lớn buông ở cầu thang - là những chú cá heo bằng vải cực kỳ sinh động. Trên kệ, đàn gà, đàn trâu, chú mèo ngộ nghĩnh, bằng chất liệu tương tự, với đường may tinh xảo và đủ kích cỡ. Phía trước là thảm cỏ nhân tạo xanh mướt, với những bộ bàn ghế dành cho khách đến thưởng thức đồ uống. Phía trong là xưởng may chính với những nhân viên chú tâm, cần mẫn làm việc. Tầng hai là khu làm việc của lãnh đạo và nơi nghỉ trưa của nhân viên.

Không gian thoáng đãng, bài trí hợp lý và rất phù hợp cho các hoạt động trải nghiệm. Chương trình “Giáo dục trải nghiệm - Tay trong tay - Gắn kết cộng đồng” tại đây giúp học sinh hiểu hơn về cuộc sống, công việc của người khuyết tật, được chia sẻ những tình huống khó khăn với họ. “KymViet chơi” là chương trình độc đáo được xây dựng bởi các chuyên gia giáo dục uy tín. Chương trình tích hợp kiến thức xã hội, kỹ năng mềm, kết nối cộng đồng và trải nghiệm thực tế. Các chương trình trải nghiệm góp phần bồi đắp lòng nhân hậu, ý thức sẻ chia và tinh thần cộng cảm của thế hệ trẻ.

Làm việc và gắn bó nhiều năm với người khuyết tật, anh Kiều Tuấn - phụ trách chuỗi hệ sinh thái KymViet - cho biết: “KymViet là mô hình tiên phong của người khuyết tật và vì người khuyết tật. KymViet không chỉ dừng lại ở việc bán sản phẩm mà chứa đựng cả văn hóa Việt trong đó. Chúng tôi đào tạo người khuyết tật giúp họ làm ra sản phẩm và sản phẩm đó mang nhiều giá trị, trong đó nâng cao đời sống của chính họ. Phải có sự thấu hiểu về người khuyết tật mới có thể kiến tạo một môi trường làm việc hệ sinh thái khép kín. Quy trình đó làm cho họ tìm thấy niềm vui, hạnh phúc trong công việc và gắn bó với nơi này”.

Nhà thiết kế Nguyễn Viết Dũng bên sản phẩm Hổ Cường Trí.
Nhà thiết kế Nguyễn Viết Dũng bên sản phẩm Hổ Cường Trí.

Góp phần thay đổi nhận thức cộng đồng

Từ hoạt động của mình, KymViet đã góp phần thay đổi nhận thức xã hội, chung tay dỡ bỏ rào cản, tạo cho người khuyết tật tâm thế tự tin, vượt qua mặc cảm. Những sản phẩm được làm ra từ đôi bàn tay của những người khuyết tật đã đi xa hơn, mang ý nghĩa quảng bá giá trị văn hóa dân tộc trong và ngoài nước. Mới đây, KymViet đã tham gia dự án nhằm tăng cường sức chống chịu và khả năng phục hồi của doanh nghiệp tạo tác động xã hội, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19. Trong đó, đối tượng hướng tới là phụ nữ và trẻ em gái.

Những lao động tại xưởng sản xuất của KymViet là người khuyết tật vận động, điếc, thiểu năng… Bản thân họ vốn là những người thiệt thòi trong cuộc sống. Vậy nhưng, trong đại dịch Covid-19, một số người khuyết tật ở đây vẫn là trụ cột trong gia đình. Với ý chí và nghị lực họ đã vượt qua khó khăn để làm nên những sản phẩm chất lượng, tinh tế, mang tâm tư, tình cảm của họ tới khách hàng. Quan sát cách làm việc, nhìn nụ cười của họ, càng thêm trân quý con người và trân trọng mỗi món quà mang trong đó sự sáng tạo tinh tế, đậm sắc màu văn hóa Việt.

“Chúng tôi mong muốn nhận được sự chung tay của xã hội để tạo dựng hệ sinh thái bền vững, hòa nhập và phát triển vì cộng đồng người khuyết tật và người yếu thế”, nhà thiết kế Nguyễn Viết Dũng - Thành viên Hội đồng quản trị KymViet chia sẻ.

Trong thời gian tới, KymViet có định hướng nhân rộng mô hình phát triển tại TP Đà Nẵng và TPHCM, mở trung tâm đào tạo nghề, tạo thêm việc làm cho người khuyết tật… Cùng đó, KymViet sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm. Đồng thời, phát triển “KymViet Space” trở thành điểm đến cho du khách quốc tế dừng chân, nghỉ ngơi, mua sắm, giao lưu với những người thợ đặc biệt ở đây. “Chúng tôi mong muốn cộng đồng thấu hiểu người khuyết tật. Biết đâu nhờ đó người khuyết tật có cơ hội làm việc được cho họ”, ông Phạm Việt Hoài bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ