Kỳ vọng Chương trình mới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau khi Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm các môn thi tốt nghiệp THPT 2022, dư luận dấy lên những băn khoăn xung quanh chất lượng dạy học môn Tiếng Anh.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Theo phổ điểm công bố, năm nay cả nước có 866.196 thí sinh tham gia bài thi tiếng Anh, trong đó điểm trung bình là 5,15, điểm trung vị là 4,8; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,8. Số lượng thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 446.648 (chiếm tỷ lệ 51,56%). Đáng chú ý, với 423 thí sinh đạt điểm từ 1 trở xuống, môn Tiếng Anh có số điểm liệt tăng gần 3 lần so với năm 2021. Trước đó, năm 2021, môn Tiếng Anh chỉ ghi nhận 144 em ở mức điểm liệt (chiếm tỷ lệ 0,02%) và điểm trung bình môn thi này là 5,84 điểm.

Tiếng Anh có vai trò là chiếc chìa khóa mở cánh cửa ra thế giới trong xu thế hội nhập toàn cầu. Vì thế, môn học này đã và đang nhận được nhiều quan tâm từ Chính phủ và Bộ GD&ĐT, đặc biệt thể hiện qua các đề án ngoại ngữ quốc gia. Để góp phần nâng cao chất lượng dạy học, Bộ GD&ĐT đã áp dụng Khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, đào tạo bồi dưỡng giáo viên và đa dạng hóa các chương trình, học liệu…

Mới đây theo Thông tư 22, môn Tiếng Anh được xếp ngang hàng với môn Toán, Ngữ văn, trong đánh giá xếp loại học sinh. Nhiều tỉnh, thành không chỉ tổ chức dạy học thí điểm tiếng Anh từ lớp 1, mở rộng chương trình tăng cường tiếng Anh, mà còn xếp Ngoại ngữ cùng hệ số với Toán, Ngữ văn trong tuyển sinh lớp 10…

Mặc dù đã được bộ ngành, địa phương quan tâm nhưng nhìn chung chất lượng dạy học môn Tiếng Anh vẫn chưa đạt kỳ vọng. Điểm trung bình môn Tiếng Anh thấp là thực tế có thật tồn tại nhiều năm qua. Kết quả thi tiếng Anh năm 2022 thấp hơn các năm có lý do khách quan là học sinh 2K4 bị ảnh hưởng dịch bệnh

Covid-19, nhiều thời gian phải tạm dừng đến trường, phải học từ xa. Tuy vậy, trên tổng thể, nguyên nhân chủ yếu vẫn là như các năm trước, do phương pháp giảng dạy của thầy, động cơ học tiếng Anh của học sinh, điều kiện học tập và mức đầu tư của từng gia đình đối với môn học này chưa được đồng bộ. Hiện vẫn có sự chênh lệch khá lớn về mức độ đầu tư, điều kiện, chất lượng dạy học tiếng Anh giữa vùng đô thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt có sự khác nhau về kiến thức và kỹ năng tiếng Anh giữa những học sinh được học chương trình 10 năm hay 7 năm…

Thực hiện đồng bộ về chương trình, phương pháp giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực giảng dạy của giáo viên… là những giải pháp đã được khuyến nghị nhiều năm nay, nhằm nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ. Thế nhưng thời gian qua, những giải pháp này vẫn chưa thể phát huy hiệu quả triệt để, do độ “trễ” về sự đồng bộ chương trình, cũng như mức độ nhận thức, quan tâm đầu tư của từng địa phương, học sinh và gia đình khác nhau.

Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ năm học 2022 - 2023, Tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3. Với dấu mốc này, chương trình tiếng Anh trong nhà trường phổ thông sẽ có sự đồng bộ trên cả nước với thời lượng học trong 10 năm liền, hướng đến mục tiêu học sinh tốt nghiệp THPT sẽ đạt tới mức 3 theo Khung đánh giá năng lực ngoại ngữ của châu Âu.

Việc đồng bộ chương trình, tăng thời lượng dạy học đóng vai trò then chốt tạo điều kiện triển khai các biện pháp để nâng cao chất lượng dạy học như cải tiến nội dung chương trình, phương pháp dạy học, tăng cường về thiết bị. Đây cũng là cơ hội lớn cho các địa phương “nương” theo chiến lược mà đồng bộ hơn trong đầu tư. Khi địa phương quan tâm trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ, tập huấn phương pháp…, bảo đảm đáp ứng điều kiện để tổ chức dạy học theo lộ trình quy định, chắn chắn sẽ tạo nền tảng tốt để chất lượng dạy học tiếng Anh khởi sắc trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.