Ngày 15/1, diễn đàn phát triển chung với chủ đề "Xu hướng phát triển các ngành công nghệ cao trên thế giới và sự phù hợp với Việt Nam năm 2025" diễn ra tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Diễn đàn có sự tham gia của lãnh đạo Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại TPHCM, các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp từ Mỹ, Đài Loan, Singapore và các nhà quản lý từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam, các viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm và Khoa học Công nghệ Việt Nam.
Đây là sự kiện quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.
Diễn đàn cũng giúp gắn kết cộng đồng khoa học, thúc đẩy hợp tác quốc tế và tạo ra những bước tiến vững chắc trong việc ứng dụng công nghệ bán dẫn vào thực tiễn. Qua đó, sự kiện hỗ trợ phát triển nền kinh tế tri thức của đất nước.
Trong bài phát biểu tại diễn đàn, TS Trần Trọng Đạo, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng nhấn mạnh, đây là để các chuyên gia, nhà nghiên cứu và đại diện các tổ chức thảo luận và trao đổi kinh nghiệm về định hướng tương lai của ngành bán dẫn, vi điện tử, trí tuệ nhân tạo (AI), trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây tại Việt Nam và vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.
Ông bày tỏ hy vọng, diễn đàn sẽ đóng vai trò là một sự kiện thường niên mang tính nền tảng, thúc đẩy sự hợp tác giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế trong ngành bán dẫn. Thông qua đó, Việt Nam sẽ từng bước trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Các đại biểu, chuyên gia tại diễn đàn đã tập trung thảo luận các chủ đề như: Sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu; Các xu hướng mới trong thiết kế và sản xuất chip; Tác động của bán dẫn đối với các lĩnh vực khác như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), và tự động hóa.
Diễn đàn cũng thảo luận các giải pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là ở Việt Nam.
Các diễn giả là những chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, đến từ các công ty hàng đầu, các trường đại học và các viện nghiên cứu lớn.
Năm 2025, Trường Đại học Tôn Đức Thắng chính thức tuyển sinh chuyên ngành Kỹ thuật thiết kế vi mạch bán dẫn. Chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên nền tảng của ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, ngành học đã đạt chuẩn kiểm định AUN-QA từ năm 2019.
Chất lượng đầu ra của chương trình đào tạo được nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong ngành bán dẫn như Intel, Marvel, Renesas… đánh giá cao.
Chương trình được cập nhật liên tục những tiến bộ mới nhất trong công nghệ bán dẫn trên thế giới, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp trong ngành bán dẫn trên thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ về Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
Diễn đàn trên được Trường Đại học Tôn Đức Thắng phối hợp với Công ty TNHH Trading & Investment Hùng Đức và Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghiệp HANEL tổ chức.
"Thông qua sự kiện này, tôi mong muốn tạo điều kiện kết nối giữa các cơ quan Nhà nước, trường đại học, viện nghiên cứu, công ty, tập đoàn và tổ chức của Việt Nam và Đài Loan cũng như cộng đồng quốc tế trong ngành bán dẫn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hỗ trợ cho sự phát triển của ngành bán dẫn tại Việt Nam", TS Trần Trọng Đạo, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết.