Tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thẳng thắn rằng, thể chế là đột phá của đột phá, là động lực, nguồn lực cho sự phát triển, song vẫn là điểm nghẽn của điểm nghẽn.
Bởi vậy, theo Thủ tướng, cần thay đổi tư duy làm luật theo hướng vừa quản lý được, vừa thông thoáng, giảm khâu trung gian, giảm thủ tục… Cần bỏ tư duy không quản được thì cấm, không biết mà vẫn quản; người dân, doanh nghiệp làm được, có thể làm tốt hơn thì giao cho họ.
Cái gì đã cấm thì đưa vào luật, cái gì không cấm thì để cho người dân, doanh nghiệp được phép làm và có không gian sáng tạo, đổi mới… Cần rà soát lại, kiên quyết bỏ các cơ chế xin - cho, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Có thể thấy, chưa bao giờ, yêu cầu xóa bỏ tư duy không quản được thì cấm trong xây dựng pháp luật lại quyết liệt như hiện nay. Rõ nhất, điển hình nhất là trong phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng nhấn mạnh, đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp... dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm...
Hay tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc, phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, vấn đề này một lần nữa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu ra.
Cụ thể, theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, tư duy và phương thức tiến hành công tác lập pháp đã được đổi mới sâu sắc theo hướng các luật ngắn gọn, rõ ràng. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính; chuyển mạnh từ luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý có hiệu quả với kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, kiên quyết từ bỏ tư duy không quản được thì cấm…
Thực tế, tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tham mưu xây dựng pháp luật vẫn còn tư duy “không quản được thì cấm”. Điều này dẫn đến hệ lụy là không ít quy định cứng nhắc, phi thực tế trong nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, thậm chí có văn bản đã được ban hành.
Nhìn nhận một cách cụ thể hơn, tư duy cấm là biện pháp an toàn nhất khi các cơ quan quản lý gặp khó khăn trong kiểm soát, điều chỉnh một hiện tượng hoặc hoạt động cụ thể. Theo đó, thay vì tìm giải pháp điều chỉnh, thay đổi biện pháp quản lý, cách đơn giản, dễ làm, nhanh chóng nhất là cấm để tránh rủi ro. Tư duy này còn bắt nguồn từ nguyên nhân nữa là hệ thống quản lý thiếu nguồn lực, kiến thức, hoặc công nghệ để theo kịp những vấn đề đã và đang tồn tại hoặc mới nảy sinh.
Để xóa bỏ tư duy này, trước tiên phải chú trọng xây dựng, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức tham gia công tác xây dựng pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là trong bối cảnh xã hội đang phát triển nhanh, xuất hiện nhiều xu hướng, mô hình, vấn đề mới.
Ngoài ra, cần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc xây dựng, phát triển nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật để không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh nhằm cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Tư duy cấm có thể là giải pháp tức thời, nhưng về lâu dài có thể làm cho vấn đề trở nên phức tạp, khó giải quyết hơn. Bởi vậy, như ý kiến của một số chuyên gia thì trong tư duy lập pháp cần phải giải quyết tốt nhất mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và quan hệ xã hội.
Trong phân vai chức năng - nhiệm vụ, Nhà nước cần quản lý bằng công cụ pháp luật, chính sách và chỉ đứng ra làm “bà đỡ” nhằm quản lý, thúc đẩy khắc phục những khiếm khuyết đã, đang và có thể sẽ nảy sinh trong đời sống xã hội.