Kỷ niệm 49 năm thống nhất đất nước

Ký ức hào hùng của xạ thủ chống tăng

GD&TĐ - Trung tá Lê Hữu Tòng từng là xạ thủ súng DKZ-75 và B41 từ chiến trường Nam Lào đến Quảng Trị.

Trung tá Tòng kể lại những trận chiến ác liệt với súng DKZ-75 và B41 ông bắn hạ nhiều xe tăng, xe cơ giới, cụm hỏa lực của địch.
Trung tá Tòng kể lại những trận chiến ác liệt với súng DKZ-75 và B41 ông bắn hạ nhiều xe tăng, xe cơ giới, cụm hỏa lực của địch.

Ông gắn bó với mặt trận Thừa Thiên Huế từ mùa Xuân Mậu Thân 1968 đến giải phóng toàn tỉnh vào tháng 3/1975 và lập nhiều chiến công.

Viết đơn xin nhập ngũ khi đang học lớp 7

Năm ấy, khi đang học lớp 7, nghe thầy, cô giáo kể về nhiều tấm gương dũng cảm của bộ đội trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, cậu học sinh Lê Hữu Tòng (SN 1946, ở An Ninh, Bình Lục, Hà Nam) đã không chút chần chừ viết đơn tình nguyện nhập ngũ.

Cầm lá đơn của cậu học trò, cô chủ nhiệm lớp như không tin vào mắt mình. Cuối cùng Tòng cũng được nhà trường đồng ý cho nhập ngũ.

Nhưng đơn thì phải nộp cho UBND xã kiểm tra. “Tôi chỉ nặng 42kg, trong khi điều kiện nhập ngũ phải đủ 45kg. Vì thế, ngày đi khám tuyển tôi nhét thêm mấy viên đá ở túi quần. Thế là tôi đủ trọng lượng theo quy định và được tham gia quân đội”, ông Tòng kể.

Do có trình độ văn hóa lớp 7, ông được đưa vào học pháo binh, huấn luyện ở Trung đoàn 102, thuộc Sư đoàn 308, ở Đan Phượng (Hà Nội). Ông được huấn luyện ở thao trường Miếu Môn. Trong thời gian ngắn, ông được học tính toán cự ly, hình không gian để nhắm mục tiêu và ước tính khoảng cách, chiều gió, sự di động của địch cùng các loại súng.

Thông minh, sáng dạ, chịu khó rèn luyện nên ông Tòng nhanh chóng nắm bắt, hiểu các kỹ thuật khó và trở thành xạ thủ số 1 trong các nhóm học bắn khi ấy.

Trung tá Lê Hữu Tòng chụp ảnh cùng Thủ trưởng - cố Tổng Bí thư, Thượng tướng Lê Khả Phiêu.

Trung tá Lê Hữu Tòng chụp ảnh cùng Thủ trưởng - cố Tổng Bí thư, Thượng tướng Lê Khả Phiêu.

Lập nhiều chiến công

Chiến trường đầu tiên của chàng thanh niên trẻ Lê Hữu Tòng là tỉnh Bolikhamxay, nước bạn Lào, năm 1965. Ông Tòng thuộc biên chế Đại đội 10, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9 do cố Tổng Bí thư, Thượng tướng Lê Khả Phiêu lúc bấy giờ phụ trách với vai trò Chính ủy.

Tại đây, ông giữ vai trò xạ thủ chính trong Tiểu đội súng DKZ-75, một loại súng lớn chuyên bắn xe tăng, xe cơ giới, lô cốt, cụm hỏa lực địch. Cùng đồng đội, ông tiêu diệt được nhiều khí tài, quân phản cách mạng Lào, góp sức trong công cuộc giải phóng đất nước Lào.

Đến giữa năm 1966, do tình hình chiến tranh tại Việt Nam ngày càng leo thang bởi nhiều cuộc tấn công của địch ở miền Bắc, Tiểu đoàn 2 của Lê Hữu Tòng được lệnh về nước. Hành quân từ Lào về qua Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh… anh lính trẻ không khỏi xót xa khi chứng kiến nhiều cây cầu, làng mạc, nhà dân bị san phẳng vì bom đạn.

Năm 1967, khi Tiểu đoàn 2 dừng lại ở rừng Hải Hòa (Hải Lăng, Quảng Trị) làm lán trại thì bị địch phục kích ập vào theo nhiều hướng. Trực thăng lùng sục trên đầu, dưới là 3 Tiểu đoàn thủy quân lục chiến theo các ngả siết dần vòng vây. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh…

Huân chương Tự do do Chủ tịch nước CHDCND Lào trao tặng cho ông Lê Hữu Tòng.

Huân chương Tự do do Chủ tịch nước CHDCND Lào trao tặng cho ông Lê Hữu Tòng.

Các trinh sát phát hiện sở chỉ huy của địch nằm ở động Ông Do - cao điểm nằm trên một quả đồi. Đại đội 10, Tiểu đoàn 2 của ông Tòng nhận nhiệm vụ tấn công vào đây. Bằng sự quả cảm, gan dạ, ông đã tiêu diệt được nhiều lính đối phương và điểm hỏa lực trấn giữ bởi đại liên 12 ly 7. Sở chỉ huy của địch bị tổn thất nặng nề. Chúng phải điều máy bay đến chở thương binh và rút quân khỏi cánh rừng.

Để chuẩn bị cho chiến dịch mùa Xuân 1968, Thành đội Huế xin tăng cường quân từ Trung đoàn 9 của Chính ủy Lê Khả Phiêu. Lê Hữu Tòng được chọn là đặc công đầu tiên cùng với nhiều chiến sĩ khác về Đại đội 3, Tiểu đoàn 1 thuộc Đặc công Thành đội Huế. Ông được trang bị một khẩu B41 mới tinh, nhiệm vụ làm mũi đột phá chiến lược, tiêu diệt các cứ điểm quan trọng của địch.

Khoảng 2h30 mùng 1 Tết Mậu Thân 1968, Đại đội 3 được lệnh đánh căn cứ Thiết đoàn 7 của địch đóng ở Trường Bia - Tam Thai. Đây là cứ điểm chuyên chi viện xe cơ giới, quân lính cho trung tâm TP Huế.

Nhận thức được tầm quan trọng cuộc chiến, đặc công Lê Hữu Tòng cùng nhiều đồng đội nhuộm mình đen, trườn bò, tiếp cận sát hàng rào căn cứ Thiết đoàn 7. Vượt rào thành công, ông tiêu diệt lô cốt đầu tiên ở khoảng cách 300m. Xe tăng địch vừa xuất hiện, liền bị ông bắn trúng, khựng tại chỗ. Xe khác chi viện, bị ông bắn xịt khói phải tháo chạy. Rạng sáng hôm đó, quân giải phóng đã chiếm được căn cứ này, tạo đà tiến công thuận lợi cho các cánh quân khác tiến vào chiếm Thành Huế.

Huân chương Kháng chiến hạng Nhì tặng ông Lê Hữu Tòng đã có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Huân chương Kháng chiến hạng Nhì tặng ông Lê Hữu Tòng đã có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

“Kỳ tích” 18 phát B41 trong một trận

Thế trận trong chiến dịch mùa Xuân 1968 diễn ra ác liệt, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất trong Thành Huế. Nhưng trước thế phản công mạnh mẽ cùng sự tăng cường lực lượng, đối phương khiến quân giải phóng phải rút khỏi Huế lên chiến khu, chờ thời cơ phản kích.

Đêm 20/5/1968, ông Tòng cùng đồng đội nhận lệnh từ Bộ Tư lệnh Quân khu tấn công vào căn cứ tăng thiết giáp của địch đóng tại Động Tòa, (Thủy Châu, Hương Thủy). Trong trận này, quân ta huy động 3 Tiểu đoàn, trong đó có 2 Tiểu đoàn Đặc công của Thành đội Huế và 1 Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 6 thuộc Quân khu Trị Thiên tấn công căn cứ có gần 200 chiến xa và 1.500 binh sĩ đồn trú.

Sau khi lọt qua hàng rào, một chiến sĩ tổ hỏa lực B41 của Lê Hữu Tòng vấp phải pháo sáng nên đối phương bắn ra dữ dội. Cùng lúc binh lính và xe tăng của chúng tiến ra càn quét. Quân giải phóng xung phong vượt rào liên tục gặp phải thương vong rất lớn.

Ông Tòng bình tĩnh đặt khẩu B41 lên vai, nín thở, nhắm vào xe tăng đầu tiên, khóa mục tiêu và bấm cò súng. Xe tăng phát nổ. Tiếp tục, khẩu B41 trên vai phụt lửa nhả đạn vào xe tăng thứ hai khiến nó nổ tanh bành. Không dừng lại, ông nhắm bắn thành công 2 xe tải quân sự GMC chở lính tăng cường ra phía ngoài phản kích bộ đội ta.

Vừa bắn, ông Tòng vừa thay đổi vị trí liên tục để tránh bị phát hiện. Dù nhiều đồng đội ngã xuống, nhưng ông Tòng không nao núng. Cứ vài phút, ông lại nhắm B41 vào từng cụm hỏa lực địch, nhả đạn tiêu diệt. Bắn hết 10 quả đạn mang theo, ông yêu cầu 2 đặc công trợ thủ là Hà Ngọc Chuyên và Ngô Lương Viễn tìm nhặt số đạn B41 của đồng đội hy sinh đang còn gùi trên lưng, tiếp tục bắn vào các điểm hỏa lực của địch.

Tổng cộng, Đại đội 3 của ông Tòng tiêu diệt khoảng 100 tên địch. Riêng ông Tòng đã bắn 18 quả đạn B41. Đây là một kỷ lục ít ai làm được, vượt xa lý thuyết chịu đựng của con người trong chiến tranh.

Nhiều giấy chứng nhận Dũng sĩ, Huân chương mà Trung tá Tòng nhận được trong quãng đời binh nghiệp vẻ vang.

Nhiều giấy chứng nhận Dũng sĩ, Huân chương mà Trung tá Tòng nhận được trong quãng đời binh nghiệp vẻ vang.

Nỗi nhớ đồng đội khôn nguôi

Từ năm 1969 đến Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975, ông Lê Hữu Tòng trở về hoạt động tại Hương Thủy và kinh qua nhiều chức vụ như Đại đội trưởng Đại đội 3 Đặc công; Huyện đội phó; Quyền Huyện đội trưởng; Huyện đội trưởng.

Ông cùng đồng đội lập nhiều chiến công vang dội ở địa phương như tiến hành tập kích Chi khu quân sự Nam Hòa, diệt nhiều lính và phá hủy 1 trận địa pháo; diệt chốt quân sự xóm Cầu với 1 Trung đội; tiêu diệt các cứ điểm ở Tây Nam Huế từ La Sơn đến Mỏ Tàu; diệt và làm tan rã 3 Trung đội “Nghĩa quân” của đối phương.

Thời điểm quyết định, từ 8 - 12/3/1975, Lê Hữu Tòng đã chỉ huy 2 Đại đội bộ binh đánh thẳng xuống đồng bằng, bỏ qua các căn cứ lớn với mục tiêu tấn công vào các trụ sở, lực lượng ác ôn ở nông thôn, hỗ trợ nông dân nổi dậy giành chính quyền góp phần giải phóng Thừa Thiên Huế vào ngày 26/3/1975.

Nhiều lần vào sinh ra tử, nhìn lại năm tháng chiến đấu, ông Tòng nghĩ đến đồng đội đã ngã xuống, trăn trở khôn nguôi.

“Trận đánh rạng sáng mùng 1 Tết Mậu Thân 1968, tôi chứng kiến nhiều người hy sinh ngay trước mắt mình khi vừa nổ phát súng đầu tiên. Ở trận phản kích đồn Mang Cá ngày 15 Tết, tôi tận mắt thấy anh Tế - Tiểu đội trưởng bị đạn bắn gục tại chỗ. Hai người vác đạn cho tôi, người chết, người bị thương. Đường rút lui quân ta lên chiến khu trong chiến dịch Mậu Thân đó, pháo trút trên đầu như mưa, người chết, người bị thương la liệt trên đường…”, đôi mắt ông Tòng ứa lệ khi nhắc lại ký ức xưa.

Về hưu, ông Tòng lặn lội đi tìm hài cốt liệt sĩ như một sự tri ân đồng đội đã khuất. Ông còn làm cầu nối khi mời đồng đội còn sống trước đây cùng tìm kiếm; hay chỉ dẫn tận tình cho thân nhân liệt sĩ tìm hài cốt tại chiến trường xưa. Ông thường nói: “Tình đồng chí, nghĩa sơn hà. Chúng ta may mắn còn sống nên phải nỗ lực, sống trọn tình, vẹn nghĩa với đồng đội đã hy sinh”.

Trong cuộc đời binh nghiệp, Trung tá Lê Hữu Tòng được tặng 4 danh hiệu Dũng sĩ; 7 Huân chương (2 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì). Ngoài ra, ông Lê Hữu Tòng còn được Chủ tịch nước CHDCND Lào tặng Huân chương Tự do trong thời gian ông tham chiến ở vùng Nam Lào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ