Ký ức của người lính về chiến thắng lịch sử 30/4

GD&TĐ - Đã 48 năm qua đi, nhưng ký ức về cuộc chiến vĩ đại giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn còn nguyên trong tâm trí Đại tá Bùi Sáu.

Đại tá Bùi Sáu bên tấm ảnh chụp cùng đồng đội. (Ảnh: NT).
Đại tá Bùi Sáu bên tấm ảnh chụp cùng đồng đội. (Ảnh: NT).

Tình nguyện lên đường nhập ngũ

Là chiến sỹ trực tiếp tham gia chiến đấu tại Sài Gòn trong ngày 30/4/1975 lịch sử, Đại tá Bùi Sáu (SN 1944, ở xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) không giấu nổi niềm xúc động xen lẫn tự hào khi nhớ về thời khắc giải phóng miền Nam lịch sử.

“Những ngày này, tôi lại nhớ đồng đội vô cùng, nhớ những người đã hy sinh, nhớ cả những người còn sống giờ vẫn mang trong mình vết thương của chiến tranh…”, giọng ông run lên, đôi mắt ngấn lệ.

Mùa hè năm 1962, chàng trai 18 tuổi Bùi Sáu theo tiếng gọi của Tổ quốc tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau một thời gian đóng quân trong đơn vị pháo ở huyện Tiền Hải, Thái Bình, đến năm 1964, ông được cử đi học sỹ quan pháo binh ở Sơn Tây (Hà Nội).

Ký ức về những ngày khói lửa vẫn nguyên vẹn trong tâm trí đại tá Bùi Sáu. (Ảnh: NT).
Ký ức về những ngày khói lửa vẫn nguyên vẹn trong tâm trí đại tá Bùi Sáu. (Ảnh: NT).

Tháng 9/1965, ông chính thức lên đường vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Giai đoạn 1965-1973, ông thuộc Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 cùng đồng đội chiến đấu ở chiến trường B5, Bình Trị Thiên. Với người lính Bùi Sáu, những trận đánh vào Tết Mậu Thân 1968 hay những ngày đêm chiến đấu ác liệt với quân địch để giữ Thành cổ Quảng Trị khiến ông không bao giờ quên.

“Đó là chiến dịch ác liệt nhất, quá nhiều mất mát và hi sinh không thể nào kể hết. Mặc dù ngày Tết, nhưng lính tráng không có gạo ăn, vì hậu phương không kịp tiếp tế. Những người đồng đội mới hôm qua đang còn chia nhau nắm cơm, sẻ nhau hạt muối, mới phút trước đang còn động viên nhau vững tâm chờ đến ngày toàn thắng, thế nhưng giờ đây họ đã lần lượt ngã xuống dưới làn bom đạn của kẻ thù”, ông ngậm ngùi nhớ lại.

Người lính già rưng rưng nước mắt khi kể về câu chuyện chính tay ông chôn cất những đồng đội ngã xuống. Thế nhưng, thời điểm ấy, gác lại nỗi đau, mất mát, những người lính can trường biến nỗi đau thành động lực, tiếp tục cầm súng để bước vào trận chiến vì một mục tiêu lớn của cả dân tộc, đó là hòa bình và thống nhất. Sau Hiệp định Paris 1973, Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, lúc này, quân ta đánh với quân Ngụy, thế trận ngày càng ác liệt, hi sinh đổ máu rất nhiều.

Nước mắt ngày chiến thắng

Sau khi giải phóng Đà Nẵng, Đại tá Bùi Sáu đã nhận nhiệm vụ tại Trung đoàn 66, Sư Đoàn 304, Quân đoàn 2, với nhiệm vụ Phó Chính uỷ. Ông cùng đồng đội phải nhận lệnh đánh chiếm Dinh Độc Lập, Đài phát thanh, Bộ Tư lệnh Hải quân, cảng Ba Son.

Bức ảnh ông Sáu cùng đồng đội ở Trung đoàn 66, Sư Đoàn 304, Quân đoàn 2 chụp ảnh cùng Phó Chủ tịch nước. (Ảnh: NT).

Bức ảnh ông Sáu cùng đồng đội ở Trung đoàn 66, Sư Đoàn 304, Quân đoàn 2 chụp ảnh cùng Phó Chủ tịch nước. (Ảnh: NT).

Ông nhớ lại: “Khi biết tin “Cánh cửa thép” Xuân Lộc-Long Khánh của địch đã bị đánh sập, càng cổ vũ tinh thần bộ đội ta. Sau khi triển khai nhiệm vụ cho đơn vị, ngày 21/4, chúng tôi đánh thọc sâu vào thị xã Hàm Tân, địch chống trả yếu ớt. Chỉ sau 2 giờ nổ súng, quân ta đã làm chủ thị xã. Ngày 22/4, các đơn vị củng cố lực lượng, đêm đến bắt đầu hành quân, tới đồn điền cao su ông Quế (thị xã Long Khánh) vào sáng 23/4.

Tại đây, Trung đoàn 66 nhận nhiệm vụ thọc sâu tiến công theo trục đường 15, xa lộ Sài Gòn-Biên Hòa vào nội đô Sài Gòn. Trước mắt, trung đoàn phải phối hợp đánh địch tại căn cứ Nước Trong (Long Thành, Đồng Nai). Trận chiến diễn ra ác liệt, các đợt tiến công của ta bị đẩy bật trở ra, thương vong khá lớn.

Ông Sáu gặp lại đồng đội - Trung tướng Phạm Xuân Thệ. (Ảnh: NVCC).
Ông Sáu gặp lại đồng đội - Trung tướng Phạm Xuân Thệ. (Ảnh: NVCC).

Trước tình thế đó, sư đoàn lệnh cho xe tăng dùng pháo bắn thẳng tiêu diệt các ụ súng, lô cốt bên trong mục tiêu; hỏa lực pháo binh bắn trùm trận địa địch, làm giảm khả năng quan sát của chúng, tạo thuận lợi cho bộ binh ta tràn vào.

Sáng 29/4, Trung đoàn 66 đảm nhiệm lực lượng thọc sâu đi đến cầu sông Buông thì bị địch phá cầu, án ngữ. Thời gian khẩn cấp, Sư đoàn trưởng đã hạ lệnh vừa đánh địch vừa sửa cầu. Gần 2 giờ sau, Trung đoàn 66 vượt cầu, cơ động thọc sâu bỏ qua các mục tiêu nhỏ lẻ tiến thẳng vào Sài Gòn.

“Hơn 10h ngày 30/4/1975, Trung đoàn 66 đã có mặt ở cổng Dinh Độc Lập, phối hợp cùng các đơn vị khác bao vây, giải phóng thành lũy cuối cùng của địch. Hình ảnh xe tăng của ta húc đổ cổng dinh Độc Lập, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, tất cả quân và dân đều vỡ òa trong niềm vui thống nhất, lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam được kéo lên, chứng kiến khoảnh khắc ấy tôi nhớ mãi”, ông Sáu kể.

Ông Sáu cùng vợ ôn lại những ngày chiến đấu "vào sinh ra tử" cùng đồng đội. (Ảnh: NT).
Ông Sáu cùng vợ ôn lại những ngày chiến đấu "vào sinh ra tử" cùng đồng đội. (Ảnh: NT).

“Chúng tôi ôm choàng nhau òa khóc, khóc cho chiến thắng, khóc cho cả những người vừa nằm xuống. Tôi may mắn hơn những đồng đội đã hi sinh của mình vì được chứng chiến thời khắc thiêng liêng của lịch sử dân tộc. Lúc đó, tôi chỉ có một suy nghĩ, đó là được ngủ một giấc thật dài, được trở về quê thăm mẹ, thăm vợ con, cùng nhau hưởng trọn niềm vui hòa bình”, ông Sáu rưng rưng.

Sau năm 1975, Đại tá Sáu vẫn tiếp tục phục vụ trong quân ngũ. Với những cống hiến của mình trong hơn 10 năm trận mạc, vào sinh ra tử, ông nhiều lần được trao tặng Huân chương chiến công: hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba… cùng nhiều Bằng khen, Huân, Huy chương khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ