Ngày 30/4 lịch sử trong ký ức của người lính già

GD&TĐ - Trong ký ức của người lính già, ngày 30/4 lịch sử là mốc son chói lọi, trọn niềm vui sau chuỗi ngày cùng đồng đội trải qua mưa dầm, cơm vắt.

Cựu chiến binh, thiếu tá Lê Hồng Trương. Ảnh: LT.
Cựu chiến binh, thiếu tá Lê Hồng Trương. Ảnh: LT.

Những năm tháng mưa dầm, cơm vắt

Căn nhà nhỏ của cựu chiến binh Lê Hồng Trương (68 tuổi), ở thôn Nam Đoan Vỹ, xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), những ngày tháng 4 lịch sử tấp nập người vào ra. Đó là đồng đội từng kề vai sát cánh cùng người lính già trong những năm tháng khốc liệt của bom đạn chiến tranh.

Bên ly trà nóng, người lính già Lê Hồng Trương hồ hởi kể về những năm tháng mưa dầm, cơm vắt từng đi qua cuộc đời mình.

Năm 1974, chàng thanh niên Lê Hồng Trương từ biệt người thân, lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng của Tổ quốc. Sau 3 tháng huấn luyện, đơn vị của ông thẳng tiến vào chiến trường miền Nam khói lửa, với ý chí quyết tâm sớm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Trên đường hành quân qua dãy Trường Sơn thuộc tuyến đường 559, nhìn thấy cây cối hai bên đường chết khô vì chất độc hóa học khiến chúng tôi không khỏi căm phẫn, nung nấu quyết tâm giành thắng lợi”, ông Trương bộc bạch.

Số hiệu quân nhân được cựu chiến binh Lê Hồng Trương gìn giữ. Ảnh: LT.
Số hiệu quân nhân được cựu chiến binh Lê Hồng Trương gìn giữ. Ảnh: LT.

Sau cả tháng trời hành quân, vượt qua mưa bom, đạn lạc, những người lính cụ Hồ hừng hực nhiệt huyết của tuổi trẻ, đặt chân lên mảnh đất Tây Ninh. Tại đây, ông Trương cùng đồng đội được huấn luyện trở thành lính đặc công trực thuộc đơn vị C3, E117, Sư đoàn 2 đặc công miền Đông Nam Bộ, sau này về C18, E117, Sư đoàn 2 đặc công miền Đông Nam Bộ.

Chiến đấu tại khu đồng nước tỉnh Long An, đơn vị của ông Trương trải qua nhiều trận chiến ác liệt, nhiều phen đối mặt với thời khắc sinh tử. Tại đây, đơn vị ông được nhận lệnh thọc sâu vào căn cứ của quân địch, đánh phá cơ sở, trận địa pháo. Cứ đêm đến, những người lính tuổi đôi mươi lại bơi qua rặng dừa nước, đột kích vào cơ sở của quân địch đánh bộc phá, ban ngày lại rút về hậu cứ.

“Làm nhiệm vụ đặc công nên chúng tôi chỉ mặc độc bộ quần áo cộc để thuận tiện tác chiến. Mỗi khi bơi qua rặng dừa nước, người ướt sũng rồi lại khô lúc nào không hay. Có lần sơ ý làm rơi nắm cơm xuống nước, anh em phải mò lên vắt kiệt nước, ăn chống đói”, ông Trương nhớ lại.

Trong một lần đột kích vào căn cứ của quân địch, người đồng đội, đồng hương của ông Trương đã vĩnh viễn nằm xuống. Sự hy sinh của người lính trẻ để lại sự tiếc thương cho đồng đội, quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi.

“Trước khi nhận lệnh đột kích vào căn cứ quân địch và hy sinh, đồng chí ấy đã nhường phần ăn của mình cho các chiến sĩ khác. Ngờ đâu đó lại là lần cuối cùng, tôi chứng kiến anh ấy nhường cơm, sẻ áo cho đồng đội”, ông Trương ngậm ngùi.

Nhận lệnh tiếp tục chiến đấu, ngày 24/4/1975, đơn vị của ông Trương hành quân tiến về cửa ngõ Sài Gòn. Tại đây, các chiến sĩ được nghe thủ trưởng đơn vị quán triệt về Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Đồng thời, nhận lệnh đánh vào chốt Tân Tạo (quận Bình Tân, TP HCM). Lúc này, quân địch dùng hỏa lực mạnh nên hai bên giao tranh ác liệt, kéo dài nhiều ngày lực lượng của ta mới kiểm soát được tình hình. Sau đó, đơn vị của ông tiếp tục tiến vào Xa lộ Đại Hàn, cách Sài Gòn chừng 15km rồi tiến về Bình Chánh.

“Trưa 30/4/1975, chúng tôi nghe tin Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng và kêu gọi đồng minh hạ vũ khí. Cùng lúc đó là tin thắng trận từ các chiến trường từ thủ trưởng đơn vị, anh em ai cũng reo hò, xúc động.

Sau thời khắc nhận tin chiến thắng, chúng tôi hòa vào dòng người mừng ngày thống nhất. Đến ngày 7/5, chúng tôi vào Dinh Độc Lập ra mắt Ủy ban quân quản”, ông Trương nhớ lại.

Cựu chiến binh Lê Hồng Trương vinh dự được trao Huân chương chiến công hạng Nhất. Ảnh: LT.
Cựu chiến binh Lê Hồng Trương vinh dự được trao Huân chương chiến công hạng Nhất. Ảnh: LT.

Đời thường vui vầy bên con cháu

Sau ngày giải phóng Sài Gòn, chàng lính trẻ Lê Hồng Trương nhận lệnh về Quân trường Quang Trung (Hóc Môn, TP HCM) để chi quân cho các đơn vị làm kinh tế. Đầu năm 1978, chàng lính trẻ Thanh Hóa được nghỉ phép trở về quê hương xây dựng gia đình.

Sau thời gian nghỉ phép, ông Trương trở lại đơn vị nhận lệnh bảo vệ biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc. Với vai trò Trung đội trưởng trinh sát, đơn vị của ông Trương nhận nhiệm vụ thọc sâu vào cơ sở của quân Pol Pot để nắm bắt tình hình.

Trong một lần thực hiện nhiệm vụ, do vướng phải mìn đã khiến một đồng đội hy sinh, đồng chí bị thương còn lại được ông Trương và các chiến sĩ đưa về trạm phẫu tiền phương.

“Chúng tôi thay nhau cõng đồng chí bị thương trở về cơ sở. Tôi nhớ, lúc đó phần lưng áo của tôi ướt sũng máu của đồng đội. Nhờ sơ cứu kịp thời, đồng chí ấy đã được cứu sống”, ông Trương nhớ lại.

Huân chương chiến công hạng Nhất của cựu chiến binh Lê Hồng Trương. Thời điểm nhận danh hiệu cao quý, ông Trương mang hàm Đại úy. Ảnh: LT.
Huân chương chiến công hạng Nhất của cựu chiến binh Lê Hồng Trương. Thời điểm nhận danh hiệu cao quý, ông Trương mang hàm Đại úy. Ảnh: LT.

Sau khi bảo vệ thành công chủ quyền biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc, đơn vị ông Trương nhận lệnh trở về Quân khu 7. Đến năm 1991, ông Trương trở về địa phương làm cán bộ văn hóa xã rồi Phó Chủ tịch HĐND, Thường trực Đảng ủy xã Hoằng Thịnh. Năm 2018, ông Trương nghỉ hưu theo chế độ.

Trở về đời thường, người lính già vui vầy bên con cháu, hạnh phúc khi được sống trong những ngày tháng thanh bình. Vợ chồng cựu chiến binh Lê Hồng Trương sinh được 4 người con, hiện các con của ông bà đã xây dựng hạnh phúc và có cuộc sống riêng.

Gần 2 thập kỷ kiên cường sát cánh cùng đồng đội chiến đấu giải phóng Sài Gòn, bảo vệ biên giới Tây Nam, người lính già Lê Hồng Trương vinh dự được nhận nhiều danh hiệu cao quý, như: Huân chương chiến công hạng Nhất, hạng Ba; Huân chương chiến sĩ vẻ vang; Huy chương chiến sĩ giải phóng, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng,...

Trở về đời thường, cựu chiến binh Lê Hồng Trương vui vầy bên con cháu. Ảnh: LT.
Trở về đời thường, cựu chiến binh Lê Hồng Trương vui vầy bên con cháu. Ảnh: LT.

“Ngày 30/4 lịch sử đã đi qua gần 50 năm, những người sát cánh chiến đấu cùng tôi hiện nay chỉ còn 5 anh em đang sinh sống tại địa phương. Cứ mỗi khi đến ngày kỷ niệm giải phóng miền Nam, anh em chúng tôi lại gặp mặt cùng ôn lại những năm tháng khốc liệt xưa.

Chúng tôi ước ao một lần được trở lại chiến trường xưa, thắp nén hương tri ân đồng đội tôi đã vĩnh viễn nằm lại trong trận chiến năm xưa”, ông Trương xúc động nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.