Kỳ tích của nền giáo dục cách mạng

Kỳ tích của nền giáo dục cách mạng

(GD&TĐ) - Tháng 10/1962 Tiểu ban giáo dục Trung ương Cục miền Nam ra đời. Đường lối giáo dục của miền Nam được Trung ương Cục vạch rõ: Dựa vào lực lượng nhân dân, cán bộ giáo dục và các nhà giáo yêu nước, kiên quyết đả phá chính sách ngu dân và các hình thức giáo dục nô dịch, phản động, ngoại lai, đồi trụy của Mỹ - ngụy, tích cực xây dựng một nền giáo dục dân tộc, dân chủ và khoa học theo chủ nghĩa Mác - Lênin, nhằm bồi dưỡng chính trị, văn hóa cho nhân dân lao động trước nhất là cán bộ và chiến sĩ, nhằm đào tạo thế hệ trẻ toàn diện, biết căm thù giặc sâu sắc, biết yêu nước nồng nàn, có kiến thức, đạo đức và sức khỏe để tiếp tục sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và kiến thiết xã hội sau này. Từ đây, giáo dục các vùng giải phóng ở miền Nam đã từng bước  được đẩy mạnh, xây dựng và phát triển với những kỳ tích vinh quang… 

Từ vùng đất Mũi đến chiến khu Đ

Cà Mau là một trong những địa phương ở Tây Nam Bộ làm tốt công tác giáo dục theo đường lối của Đảng. Sau ngày đồng khởi, vùng giải phóng nông thôn ở Cà Mau ngày càng mở rộng hơn. Công tác giáo dục ở vùng giải phóng được tập trung vào việc tổ chức học tập văn hóa cho nhân dân, mở các lớp bổ túc văn hóa cho người lớn và các lớp phổ thông cho trẻ em. Trường học, lớp học được xây dựng kín đáo (dưới tàn cây), có hầm để tránh phi pháo oanh tạc.  Thầy cô giáo, học sinh ngoài giờ học phải theo dân ra đồng. Giáo viên vừa tay viết, vừa tay súng chiến đấu chống địch, bám trong dân, ăn ở cùng dân.

Khó khăn là vậy nhưng trong năm 1963 Cà Mau đã xây dựng được 118 trường, lớp với 763 giáo viên, 23.100 học sinh. Cũng trong thời gian này được sự giúp đỡ của miền Bắc, Cà Mau đã được tăng cường nhiều cán bộ, giáo viên được đào tạo chính qui vào chi viện. Trường phổ thông nội trú mang tên tỉnh Ninh Bình kết nghĩa với tỉnh Cà Mau được thành lập vào năm 1964, là trường phổ thông cấp 1-2 đầu tiên trong vùng giải phóng Cà Mau. Trường được đặt tại hai khu: một tại vàm Khâu Bè, xã Phú Mỹ; một tại vàm Thị Tường, xã Hưng Mỹ. Khi trường dời về ấp 5 xã Tân Tiến đã có lớp 6 và 7. Trường sư phạm Cà Mau cũng được xây dựng. Suốt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trường đã mở được 11 khóa, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho gần 600 giáo viên cấp I, cấp II và một số cán bộ tham gia các Ban giáo dục làm công tác tuyên huấn tỉnh. Đến  năm 1967 các xã mới được giải phóng cất thêm 50 trường học, sửa chữa 37 trường học cũ, thu nhận gần 9000 học sinh đến học, tổ chức thêm 76 tổ bình dân học vụ có 1500 người đi học. Vào thời điểm này ở miền Tây Nam Bộ, có tổng số học sinh là 92.943 em thì riêng Cà Mau đã có 40.414 em.

Ở đất thép Củ Chi, giáo dục vùng giải phóng có những giai đoạn phát triển rực rỡ. Đặc biệt là đầu tháng 3-1973, Tiểu ban Giáo dục khu vực Sài Gòn - Gia Định đã cử người về phối hợp cùng với cán bộ giáo dục huyện Củ Chi để xây dựng phong trào dạy và học. Hai lớp học đầu tiên được xây dựng tại ấp Sa Nhỏ (xã Trung Lập Thượng) và Phú Thuận (xã Phú Mỹ Hưng) với mục đích thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm chỉ đạo các xã khác. Để động viên con em nhân dân đi học, trước lúc mở lớp các thầy cô giáo phải hòa vào sống cùng dân, đào công sự, dọn dẹp các vết tích chiến tranh, rồi tiến tới tổ chức học hát, học múa… Sinh hoạt tập thể vui quá, nhất là các thầy quá tốt, quá nhiệt tình, học sinh mê. Vậy là phụ huynh cho con em đi học. Sự chủ động, sáng tạo của người làm giáo dục vùng giải phóng đã mang lại những thành quả ngoài sức mong đợi: từ khi mở lớp mới có 20 em học sinh và một lớp bổ túc 4 học viên, cho tới cuối năm 1974 số học sinh tăng lên 284 em. Ngoài ra còn có 6 lớp bổ túc ban đêm với 60 học viên. Hệ thống trường lớp ở xóm ấp đã thu hút được 89% trẻ đến trường.

Thầy trò trường Lê Văn Tám năm 1973 (Ảnh: T.L)
Thầy trò trường Lê Văn Tám năm 1973 (Ảnh: T.L)

Vùng chiến khu Đ miền Đông Nam bộ, sau những đợt càn quét của địch, đồng bào vào rừng lập làng. Tại đây, bà con đốn gỗ dựng trường lớp và tổ chức những lớp học. Các Trường Văn Chính đã thành lập ở Bình Dương, Tây Ninh... Hai năm 1964 và 1965 được xem là mạnh nhất của giáo dục kháng chiến thời chống Mỹ. Từ năm 1970, chiến trường Nam bộ, nhất là miền Đông, ác liệt. Mỹ mở nhiều cuộc càn quét rộng lớn, các khu ủy miền Trung và Đông phải lánh sang đất bạn, phong trào giáo dục kháng chiến bước vào thời kỳ khó khăn nhất. Tuy vậy, nhiều địa phương đã mở rộng các hình thức tuyên truyền, đấu tranh trong học sinh, giáo chức vùng tạm chiếm. Cũng trong những năm kháng chiến, nhiều đoàn cán bộ giáo dục từ miền Bắc đã chi viện vào miền Nam. Tháng 9 - 1972, Tiểu ban giáo dục Miền đã đưa đoàn cán bộ về xây dựng Khu giáo dục miền Đông Nam bộ. Tại Biên Hòa, tháng 12 - 1973, được Sở giáo dục khu Đông tăng cường cán bộ, Tỉnh ủy Biên Hòa mở trường phổ thông cơ sở của tỉnh tại vùng giải phóng Cây Gáo. Trường dạy văn hóa từ lớp 1 đến lớp 5 cho các em ở vùng giải phóng và dạy bổ túc văn hóa cho nhiều cán bộ, chiến sĩ của tỉnh, huyện, xã. Nhờ đó, ở miền Đông, tỉnh Bình Phước, nơi có vùng giải phóng rộng đã thành lập được Ty giáo dục tỉnh...

Tay bút, tay súng xông pha

Nhớ về những ngày tháng làm giáo dục trong kháng chiến, nhà giáo đi B Phạm Thanh Liêm tâm sự: Nhiều người vẫn hỏi chiến tranh ác liệt mà vẫn làm được giáo dục, vì sao vậy? Và ông đã trả lời: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giáo dục vẫn được duy trì và vào những thời gian, ở những không gian thích hợp nó còn được phát triển, vì lẽ giáo dục gắn chặt với nhân dân, nhà giáo liên hệ chặt chẽ với quần chúng. “Hai vai kiếm bút, giáo viên cùng bộ đội xông pha. Một dạ sắt son, trường học với dân thôn gắn bó”. Thương yêu con trẻ (nhất là trong hoàn cảnh chiến tranh) và gắn bó với nhân dân là bí quyết thành công của hoạt động giáo dục trong kháng chiến. 

Nhà giáo Lưu Văn Nam vẫn vẹn nguyên cảm xúc khi hồi tưởng về những năm làm giáo dục ở vùng giải phóng Bắc Củ Chi. Khi đó, lớp học ở ngay trong nhà dân, bàn ghế là thùng đạn, bảng đen là thùng pháo hoặc một tấm ván nhỏ. Để tránh địch càn quét, mỗi học sinh có một túi ni lông đựng sách vở, sáng đem chôn cất kỹ, chiều moi túi sách lên đi học. Để đạt được những kết quả đó đã có biết bao câu chuyện đẹp về giáo dục vùng bắc Củ Chi từ sau ngày hiệp định Paris ký kết đến ngày giải phóng: phụ huynh góp 1.000 cây tầm vông, 500 tấm tranh, 86 cây cột xây hai ngôi trường An Phú và Phú Mỹ Hưng. Trong cảnh “bom rơi, đạn nổ”, có cô giáo như cô Minh (Trường Cây Điệp) đã quên thân mình lao vào khói lửa của bom napan để cứu học trò…

Nhà giáo An Sa (Vĩnh Long) nhớ lại: Trường nội trú trong kháng chiến không chỉ có dạy học. Nhà trường phải đảm cung, tức là tự cung tự cấp lượng thực cho đơn vị. Ngoài giờ học, cả thầy và trò phải ra ruộng. Những lúc lễ tết không có đoàn văn công về phục vụ thì thầy cô và học sinh phải đi phục vụ bà con. Thầy giáo và học sinh phải tốc ký ghi lại các bản tin giải phóng lúc 6 giờ, tóm tắt chiến thắng khắp nơi và… lấy mo cau làm loa, đi phát hành vào các khu dân cư. Khi bộ đội về đóng quân gần trường thì thầy trò lại đi vận động tòng quân.  

Chiến tranh ngày càng ác liệt, địch tăng cường bình định, ruộng vườn nhà cửa luôn bị bom đạn, chất độc hóa học tàn phá; nhiều trường học bị đốt cháy. Một số giáo viên và học sinh lớn tình nguyện cầm súng trực tiếp đánh giặc cứu nước; nhiều giáo viên và học sinh thời kỳ này đã trở thành những tấm gương chiến đấu anh dũng và cũng hy sinh oanh liệt. Ở trường sư phạm khu 5, có những thời điểm lính Mỹ chốt chặn mọi ngả đường. Trường Sư phạm nằm trong thế cô lập, không thể liên lạc với tỉnh và huyện. Trường lại ở rất xa trung tâm đầu não Khu 5. Lệnh cấp gạo đã hết, nếu còn cũng không thể lấy gạo được. Chất độc hóa học đã hủy hết các rẫy sắn, rau rừng. Vậy mà thầy trò vẫn bám trụ.  Thầy  hiệu trưởng Tô Uyên Minh cho biết có  50% thầy trò của trường do ông làm Hiệu trưởng năm xưa đã chết trong cuộc chiến. Về giáo sinh thì Quảng Nam 39 người, hy sinh 22 người; Quảng Đà 32 người, hy sinh 17 người; Quảng Ngãi 55 người, hy sinh 23 người; Bình Định 33 người, hy sinh 15 người; Phú Yên 6 người, hy sinh 4 người. Về thầy giáo của nhà trường có 8 người thì đã hy sinh 4 người. 

Tính từ tháng 5-1961 đến tháng 12-1974, đã có 31 đoàn giáo viên được cử vào Nam công tác, với số lượng là 2.752 người, trong đó có 14 đoàn vào Nam bộ. Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có gần 700 nhà giáo kháng chiến hy sinh, trong đó có trên 100 nhà giáo đi B… Hi sinh lặng thầm của đội ngũ giáo dục kháng chiến đã góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Những hạt giống đỏ được đào tạo từ giáo dục vùng giải phóng đã trở thành lực lượng nòng cốt trong chiến đấu và xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Nhờ xây dựng và phát triển giáo dục vùng giải phóng nên ở hầu hết các tỉnh phía Nam, đúng ngày 01/05/1975 cùng với các ban ngành khác, Tiểu ban giáo dục đã thực hiện thành công việc tiếp quản tất cả các cơ sở giáo dục của ngụy quyền tại trung tâm tỉnh; Tập hợp đội ngũ giáo chức của chính quyền cũ, cho học tập chính trị, động viên anh chị em tham gia công tác giáo dục cách mạng, tạo nền tảng vững chắc mở ra một thời kỳ mới-Thời kỳ giáo dục thống nhất đất nước.

Hà Bình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.