Sau khi tốt nghiệp ngành Điện – Tự động hóa Trường Đại học Bách khoa TP HCM, Phạm Phi Bảo có 2 năm làm việc tại một công ty chuyên về lĩnh vực tự động hóa. Và khi tích lũy được kinh nghiệm chuyên môn, năm 2012 anh mạnh dạn nộp đơn thi tuyển vào Công ty Vận chuyển khí Đông Nam Bộ (KĐN), trực thuộc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), là đơn vị chuyên quản lý, vận hành, khai thác hệ thống đường ống dẫn khí và các trạm phân phối khí.
Nhiệm vụ chính của Bảo và Tổ Điện – Điều khiển hiện nay là nghiên cứu, đánh giá sự phù hợp của từng phương án và đưa ra đề xuất cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa, khắc phục sự cố hư hỏng để đảm bảo an toàn, vận hành liên tục hệ thống điều khiển các công trình khí; Chủ trì đề xuất các giải pháp nâng cấp cải hoán, ứng dụng các công nghệ khoa học – kỹ thuật mới, tiên tiến nhằm tối ưu hóa sản xuất; Thẩm định các quy trình, tài liệu liên quan công tác vận hành, bảo dưỡng; Hướng dẫn và đào tạo nhân sự nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và khơi gợi sự sáng tạo của cá nhân.
Phạm Phi Bảo chia sẻ “KĐN với nhiều trạm phân phối khí dọc từ Long Hải đến TP HCM và nhiều công trình đặt ngoài giàn khoan. Hệ thống phân phối khí lại là một tổ hợp nhiều thiết bị của nhiều hãng sản xuất, công nghệ khác nhau, đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn cao, nên đây thực sự là một thách thức với những người làm kỹ thuật”. Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức nhưng 8 năm làm việc tại KĐN, chưa lần nào Bảo cho phép bản thân dừng lại.
Như lần Trạm phân phối khí lớn nhất của KĐN (Trạm GDC Phú Mỹ) bị sự cố gây gián đoạn cấp khí cho khách hàng trong một khoảng thời gian ngắn. Khi ấy, hệ thống điều khiển bị hỏng một thiết bị do ảnh hưởng của sét đánh. Trong cả ngày hôm đó, sau khi cố gắng khắc phục, đưa trạm vào vận hành trở lại, Bảo cùng các bộ phận khác đã phải tiếp tục thực hiện kiểm tra tất cả các thiết bị, xác định nguyên nhân gốc gây gián đoạn cấp khí. Trong quá trình kiểm tra, xác định lỗi hư hỏng, Bảo và các bên liên quan đã có rất nhiều cuộc tranh luận và xem xét rất nhiều hồ sơ, tiêu chuẩn để có thể xác định nguyên nhân.
Nhiều ngày sau đó, Bảo vẫn kiên trì tìm kiếm các tài liệu, cũng như xem xét các điểm yếu của hệ thống để có thể đưa ra giải pháp cải tiến, hạn chế sự cố lặp lại. Và cuối cùng Bảo đã đưa ra giải pháp cải hoán tối ưu, cùng đơn vị đầu nguồn thực hiện cải hoán hệ thống để đảm bảo hệ thống hoạt động với độ sẵn sàng cao nhất có thể. Với Bảo khi làm việc gì cũng phải làm tới cùng với chất lượng tốt nhất có thể. Chính niềm đam mê, quyết tâm, kiên trì đó đã giúp Bảo chinh phục được những thử thách và vươn tới những mục tiêu cao hơn trong nghề nghiệp và cuộc sống.
Một cá nhân giỏi, một đội ngũ giỏi sẽ tạo ra một tập thể vững mạnh
Năm 2018, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) với định hướng phát triển nguồn nhân sự chuyên môn cao, ban hành quy chế về việc tuyển chọn kỹ sư đầu ngành các bộ môn. Với chuyên ngành của mình, để đạt được kỹ sư đầu ngành Bảo phải đạt chứng chỉ chuyên gia Tự động hóa quốc tế (Certified automation Professional-CAP) do tổ chức quốc tế International Sociaty of Automation (ISA) có trụ sở tại Mỹ cấp; đồng thời phải đáp ứng điều kiện là có kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác, cũng như trình độ ngoại ngữ tương xứng. Phạm Phi Bảo tiết lộ rằng “Khi mình tìm hiểu về chứng chỉ thi chuyên gia quốc tế CAP, mình thực sự choáng ngợp về lượng kiến thức, cũng như các lĩnh vực cần học tập để có thể thi đạt chứng chỉ này. Mình đã lên kế hoạch 1 năm để học tập, ôn luyện.
Do mình phải vừa làm việc công ty, vừa ôn luyện nên đa phần thời gian mình ôn tập và vào buồi tối và lúc sáng sớm”. Song song với việc tự học tập, Bảo còn nghiên cứu ra nhiều giải pháp hữu ích, trong đó có thể kể đến một số sáng kiến tiêu biểu được công nhận bởi cấp Tổng công ty, cấp Đoàn khối doanh nghiệp Trung ương như: “Cải hoán hệ thống thu gom khí đầu vào và cải tiến điều chỉnh áp đầu ra cho máy nén giàn MSP9 Vòm Bắc để vận hành ở áp suất 13 barg”. Sau khi ứng dụng giải pháp vào sản xuất, giá trị làm lợi ước tính 8 tỷ đồng, hệ thống đã và đang vận hành an toàn, ổn định, liên tục từ thời điểm cải hoán, nâng cấp cho đến nay; Với sáng kiến “Bổ sung nguồn điện cho giàn DGCP” thì giá trị làm lợi mang lại khoảng 10 tỷ đồng cho đơn vị; Khi hỏng hệ thống gây shutdown trạm, không đo lường được, Bảo lại tìm cách khắc phục bằng sáng kiến “Khắc phục lỗi hệ thống F&G bằng cách đấu nối lại tất cả loop tín hiệu Line mornitoring tại trạm Nhơn Trạch và Trạm Hiệp Phước”.
Với những cống hiến trong lao động, tích cực trong các phong trào thi đua của đơn vị, nhiều năm liền anh được nhận bằng khen từ Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Vinh dự hơn nữa, vào ngày 05/07/2020 vừa qua, kỹ sư Phạm Phi Bảo là 1 trong những gương mặt thanh niên tiêu biểu được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XI.
Trong những năm gần đây, những cá nhân được vinh danh bởi thành tích xuất sắc trong lao động thì gần như luôn có người của PV GAS. Không thể phủ nhận rằng, chính sách của PV GAS luôn chú trọng phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện, tạo động lực để người lao động có thể đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao. Với định hướng này KĐN cũng như PV GAS luôn xây dựng lộ trình đào tạo, kèm cặp, hướng dẫn cho các nhân sự mới theo từng giai đoạn. Phạm Phi Bảo nhấn mạnh rằng “Ngoài nỗ lực của bản thân, tôi đã may mắn được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, hiện đại, được sự hỗ trợ tối đa các cấp lãnh đạo ở KĐN, PV GAS, PVN nên đã phát huy được sở trường chuyên môn”.
Một cá nhân giỏi, một đội ngũ giỏi sẽ tạo ra một tập thể vững mạnh. PV GAS đã vươn lên thành một trong những Tổng công ty chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), giữ vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí Việt Nam, góp phần xây dựng nền kinh tế của đất nước, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.