Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội: Truyền thống hiếu học trên đất Thăng Long

GD&TĐ - Đức tính hiếu học là truyền thống của dân tộc Việt Nam. Thăng Long - Hà Nội, vùng đất nổi tiếng bởi những "làng khoa bảng", "làng tiến sỹ" từ xưa đến nay vẫn tiếp tục giữ truyền thống hiếu học cho con cháu. Đây là nét đẹp văn hóa của Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Hình ảnh thầy đồ dạy học thời xưa
Hình ảnh thầy đồ dạy học thời xưa

Truyền thống hiếu học đất Thăng Long

Nhớ lại thời phong kiến xưa, các ông đồ và chế độ thi cử của các triều đại vô cùng hà khắc, nhưng điều đó đã tôi luyện nên đức tính hiếu học của ông cha ta. Thời đó, ông cha ta ham học bởi ý chí làm quan, để khi “vinh quy bái tổ” sẽ được cả làng trọng vọng, rạng danh họ tộc.

Thực tế đã để lại bao tấm gương những bà mẹ, người vợ nhịn đói nhịn khát để nuôi chồng nuôi con ăn học thành tài, không đỗ trạng nguyên thì cũng đỗ ông nghè, ông cử ông tú. Có nhiều trường hợp khi không đỗ khoa bảng thì đành từ bỏ tham vọng ở nhà gõ đầu trẻ, cũng vẫn được dân làng trọng vọng với tư cách một người thầy của con cái họ, niềm hy vọng cho tương lai của gia đình họ. Bởi vậy, tính hiếu học đã hình thành và ăn sâu vào tâm trí của mọi người, trở thành truyền thống được toàn xã hội đồng nhất với những niềm hy vọng tốt đẹp nhất.

Các kỳ thi diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (ảnh tư liệu).
Các kỳ thi diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (ảnh tư liệu).

Ngay trong thời Pháp thuộc, truyền thống hiếu học vẫn được giữ vững, bất chấp những ý đồ nô dịch của chủ nghĩa thực dân. Các nhà giáo đều biết lợi dụng những yêu cầu thiển cận của chế độ thuộc địa, dựa trên truyền thống hiếu học của dân tộc mà đề cao những yếu tố nhân đạo và dân chủ của nền văn hoá Pháp, ra sức mở mang dân trí đến mức tối đa theo hướng hiện đại hoá và dân chủ hoá.

Từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, truyền thống hiếu học đã được mở ra theo hướng mới, đó là nền giáo dục của nhân dân. Và cũng từ đây, truyền thống hiếu học có được những điều kiện thuận lợi, được phát huy lên đến những đỉnh cao mới, đáp ứng nhu cầu phát triển mới của dân tộc. Cửa nhà trường được mở rộng cho tất cả, đón những thầy cô và học sinh đến với nền giáo dục của một dân tộc độc lập.

Nhưng còn với Thăng Long – Hà Nội, nơi được mệnh danh là đất của nho sĩ, trung tâm thi cử và của những “làng khoa bảng”, truyền thống hiếu học vẫn được lưu giữ với những bằng chứng lịch sử. Điều này được thể hiện trong cuốn sách: “Giáo dục và khoa cử nho học Thăng Long - Hà Nội” của PGS.TS. Bùi Xuân Đính xuất bản năm 2010, đã tái hiện bức tranh toàn cảnh về truyền thống giáo dục và khoa cử Nho học của vùng đất thượng đô, trong đó dành sự quan tâm và nhiều tâm lực trong tìm hiểu về những làng khoa bảng đất Thăng Long - Hà Nội.

Bìa cuốn sách viết về làng khoa bảng Việt Nam
Bìa cuốn sách viết về làng khoa bảng Việt Nam

Dưới thời phong kiến, trong 21 làng khoa bảng tiêu biểu của cả nước - tức là những làng có hơn mười người đỗ đại khoa (từ phó bảng trở lên) - Hà Nội có đến 6 làng. Đó là các làng: Đông Ngạc, Tả Thanh Oai, Hạ Yên Quyết (Từ Liêm), Nguyệt Áng (Thanh Trì), Phú Thị (Gia Lâm), Thượng Yên Quyết.

Nếu tính thêm cả một số làng có số người đỗ đạt ít hơn (từ 7 tiến sĩ trở lên) như Hà Lỗ (Đông Anh), Bát Tràng (Gia Lâm), các làng: Du Lâm, Vân Điềm đều thuộc huyện Đông Anh, làng Tây Mỗ (huyện Từ Liêm) thì cả Hà Nội có 11 làng khoa bảng với 112 người đỗ, trong đó có 1 trạng nguyên, 1 bảng nhãn, 1 thám hoa, 17 hoàng giáp, 88 đệ tam giáp tiến sĩ và 4 phó bảng.

Ngoài ra, các làng khoa bảng còn có một số lượng đông đảo người đỗ trung khoa (hương cống, cử nhân). Có làng có đến 95 người đỗ như làng Đông Ngạc, hoặc làng Nguyệt Áng chiêm trũng nhỏ bé, thời phong kiến chỉ có hơn 500 dân cũng có tới 33 người được về làng vinh quy bái tổ.

Đây thực sự là những ngôi sao sáng trên bầu trời giáo dục Việt Nam thời phong kiến. Điều đáng lưu ý là những người khoa bảng thường tập trung trong một hai gia đình hoặc một hai dòng họ. Có dòng họ liên tục có người đỗ qua các kỳ thi. Có gia đình, cả bố con, anh em, chú cháu, bác cháu, ông cháu được nêu tên trên bảng vàng, không ít trường hợp anh em, chú cháu đỗ cùng khoa hoặc ba bố con dạy nhau rồi cùng đỗ tiến sĩ.

Tiêu biểu nhất là họ Nguyễn làng Vân Điềm (Đông Anh), họ Nguyễn làng Du Lâm (Đông Anh), họ Phạm, họ Hoàng, họ Phan (Đông Ngạc), họ Nguyễn (Phú Thị)... Họ chính là đại diện tiêu biểu cho văn hiến Thăng Long, cho truyền thống hiếu học và khoa bảng của mảnh đất Kinh kỳ suốt cả ngàn năm lịch sử qua.

Giữ gìn tinh thần cầu thị, hiếu học cho con cháu

Hiện nay truyền thống hiếu học của các làng khoa bảng xưa đã “ngấm vào máu thịt” con cháu người trong làng hôm nay. Thế nên, nơi nào cũng tập trung trọng điểm vào công tác khuyến học. Bởi vậy, các Hội khuyến học hoạt động rất mạnh mẽ.

Ở Đông Ngạc có 23 Chi hội khuyến học với 5.182 hội viên. Để công tác khuyến học đi vào chiều sâu đến từng hộ gia đình, nhiều mô hình, phong trào học tập đã được phát động như “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”…

Kết quả, hàng năm có 95% - 97% gia đình đăng ký và đạt tiêu chí. Từ năm 2014 đến nay, các Chi hội khuyến học đã tổ chức khen thưởng, động viên cho 25.000 lượt học sinh, giáo viên có thành tích cao trong học tập, rèn luyện…. những người con Đông Ngạc ngày nay có khoảng 100 người có học vị Tiến sĩ. Có những người đã trở thành lãnh đạo cấp cao Nhà nước, những chính khách, nhà yêu nước được lịch sử ghi danh như: Sĩ phu Hoàng Tăng Bí, Tiến sĩ Phan Văn Trường, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám, nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm...

Bia lưu giữ tên tuổi của các bậc tiền hiền, đỗ đạt cao tại làng Đông Ngạc
Bia lưu giữ tên tuổi của các bậc tiền hiền, đỗ đạt cao tại làng Đông Ngạc

Dân làng Nguyệt Áng tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của cha ông. Toàn xã Đạng Áng có 12 chi hội khuyến học dòng họ, 3 chi hội khuyến học trường học và 4 chi hội khuyến học thôn. 

Các chi hội khuyến học phát động phong trào ủng hộ, trao thưởng cho các học sinh có thành tích xuất sắc. Bên cạnh nguồn kinh phí từ các chi hội khuyến học, địa phương thường xuyên phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp trao tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn để động viên các em vượt khó, vươn lên học tập tốt.

Dù chỉ là ngôi làng nhỏ bé, khoảng 300 hộ dân, dân số chưa đầy 1000 người, nhưng làng đã có 1 Phó Giáo sư, 5 tiến sĩ, 20 thạc sĩ, khoảng 100 cử nhân, kỹ sư. Các thế hệ của làng Nguyệt Áng luôn có ý thức vươn lên, chinh phục đỉnh cao tri thức và làm rạng danh làng khoa bảng nổi tiếng kinh thành Thăng Long năm xưa.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử đất nước từ buổi đầu thời phong kiến tự chủ, vùng đất của thủ đô Hà Nội ngày nay luôn giữ vị trí rất trọng yếu trên tất cả các mặt, và đặc biệt đối với giáo dục khoa cử thì Thăng Long - Hà Nội luôn đóng vai trò trung tâm. Những làng khoa bảng nơi đây chính là minh chứng sinh động cho điều ấy. Tất cả đã kết thành truyền thống hiếu học, trọng học đáng quý để cho đến tận hôm nay Thủ đô vẫn luôn là nơi tụ khí anh tài, tập hợp nhân sĩ, trí thức lớn nhất đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ