Kỹ năng sử dụng ngữ liệu mới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Năm học 2022 - 2023, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá với môn Ngữ văn là điểm nhấn đáng chú ý.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Theo đó, một trong những nội dung được quan tâm là “tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng đề kiểm tra đọc hiểu và viết”.

Trên thực tế, việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để ra đề không mới. Năm 2014, chia sẻ về đề thi THPT, đại học và cao đẳng với ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khi đó đã được Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhắc đến. Ông cho rằng, việc kiểm tra, đánh giá đầu tiên phải hướng tới năng lực người học, trong đó có năng lực chung và yêu cầu riêng cho từng lĩnh vực, môn học. Chương trình yêu cầu học sinh phải đạt được năng lực, kỹ năng cảm thụ và phân tích.

Như vậy, không có nghĩa là học tác phẩm nào thì thi tác phẩm đó, mà thông qua quá trình học, học sinh có được năng lực đọc, hiểu, cảm thụ văn học, chứ không phải kiểm tra nhớ được tác phẩm đó tới đâu. Nhiều năm nay, phần Đọc hiểu trong đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.

Học tác phẩm nào thi tác phẩm đó có thể dẫn đến học tủ, học vẹt, văn mẫu. Hiện tượng có thể đoán trúng đề môn Ngữ văn trong các Kỳ thi tốt nghiệp THPT hay nhiều bài thi văn viết giống nhau… cũng là hệ quả của việc này. Bởi vậy, yêu cầu sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa trong đề kiểm tra được thầy cô đánh giá là cần làm, phải làm, dù khó tránh khỏi những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, cả ở phía giáo viên và học sinh.

Để làm được điều này đòi hỏi thầy cô phải đọc nhiều, có kiến thức văn rộng, cập nhật thông tin phong phú và có kỹ năng lựa chọn ngữ liệu khoa học, phù hợp. Với học sinh, điều quan trọng nhất là học chủ động; nắm vững kiến thức ngôn ngữ, văn học, kỹ năng làm bài; rèn luyện khả năng sử dụng ngôn ngữ, tạo lập văn bản phù hợp với mục đích giao tiếp; tích cực đọc sách và tăng cường trải nghiệm, tích lũy vốn sống…

Hiện nay, về kiểm tra đánh giá với môn Ngữ văn, Bộ GD&ĐT đã có Công văn 3175 và các văn bản hướng dẫn cùng với tập huấn cho đội ngũ. Tuy nhiên, qua tiếp xúc với giáo viên, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình Ngữ văn 2018 lưu ý thêm: Thầy cô cần linh hoạt, sáng tạo trong việc ra đề kiểm tra - đánh giá, tránh khuôn mẫu, nhàm chán; cần đa dạng hóa cách thức kiểm tra - đánh giá, vận dụng có hiệu quả các hình thức trắc nghiệm và tự luận. Cùng với đó, chú ý yêu cầu học sinh vận dụng trong bối cảnh mới, ngữ liệu mới; với những văn bản đã học vẫn có thể kiểm tra bằng cách nêu câu hỏi và yêu cầu sáng tạo...

Với việc sử dụng ngữ liệu mới trong kiểm tra, đánh giá, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống khẳng định là cần thiết, tuy nhiên việc lựa chọn ngữ liệu mới là không đơn giản. Vì vậy, khi chọn ngữ liệu mới ra đề, giáo viên cần thận trọng.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống đưa ra 3 lưu ý, đó là: Cần bảo đảm tính tư tưởng, giáo dục, chuẩn mực và sáng tạo về ngôn ngữ; phục vụ trực tiếp cho yêu cầu phát triển năng lực đọc hiểu; Có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, tiêu biểu về kiểu văn bản và thể loại được học trong chương trình của mỗi lớp; Phù hợp với thời lượng, kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm - sinh lý của học sinh ở từng lớp học, cấp học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ