Kỹ năng sống tự lập được đưa vào chương trình Tiểu học tại Trung Quốc

GD&TĐ - Từ tháng 9, học sinh Trung Quốc được học nấu ăn, dọn dẹp, nuôi động vật... nhằm nâng cao kỹ năng sống tự lập. Tuy nhiên, chương trình mới đang nhận nhiều phản ứng trái chiều từ phụ huynh.

Học sinh Trung Quốc thực hành nấu ăn trên lớp. Ảnh: Sixth Tone.
Học sinh Trung Quốc thực hành nấu ăn trên lớp. Ảnh: Sixth Tone.

Bộ Giáo dục Trung Quốc mới đây cho biết từ tháng 9 năm nay, kỹ năng làm việc nhà sẽ được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông dành cho học sinh tiểu học và THCS.

Môn học mới, nằm trong chương trình cải cách giáo dục quốc gia, với hy vọng xoá bỏ hình ảnh học sinh Trung Quốc là mọt sách, thiếu tự lập và khả năng xử lý cuộc sống. Học sinh có cơ hội thực hành các hoạt động lao động thể chất, trau dồi kỹ năng ứng phó và lao động.

Theo đó, học sinh tiểu học và THCS sẽ tham gia ít nhất một tiết học kỹ năng làm việc nhà mỗi tuần. Chương trình học bao gồm nấu ăn, dọn dẹp, sắp xếp, sửa chữa đồ gia dụng, trồng rau, nuôi động vật như cá vàng, tằm, gà vịt…

Nhiều phụ huynh đánh giá điểm nổi bật của chương trình mới là con cái họ được dạy nấu ăn cho gia đình. 

Cụ thể, học sinh lớp 1, 2 sẽ học cách nhặt rau, rửa rau và cách gọt hoa quả. Lớp 3, 4 được dạy làm các món rau trộn và luộc thực phẩm trong khi học sinh lớp 5, 6 được dạy nấu 2-3 món đơn giản như trứng rán, trứng xào cà chua, canh xương hầm. Giáo viên hướng dẫn còn học sinh phải tự chuẩn bị từ thức ăn đến sơ chế rau củ, nấu nướng và trang trí.

Học sinh lớp 7 đến lớp 9 được dạy cách lên thực đơn bữa ăn hàng ngày gồm 3 món cho gia đình. Các em phải tự chuẩn bị từ 3-4 món.

Ông Xiong Bingqi, Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục thế kỷ 21, cho biết tại Trung Quốc, cha mẹ thường coi trọng giáo dục tập trung vào nhồi nhét kiến thức trong khi xem nhẹ kỹ năng sống.

Nhiều phụ huynh làm thay con tất cả mọi việc để con tập trung vào học tập. Họ không cho phép con cái làm việc nhà hay đụng vào công việc tay chân.

“Nấu ăn là kỹ năng cơ bản mà học sinh nào cũng nên biết trong quá trình trưởng thành. Đề cao nấu ăn trong chương trình giảng dạy sẽ khắc phục điểm yếu này trong giáo dục ở gia đình”, ông Xiong bày tỏ.

Hiện nay, chương trình phổ thông tại Trung Quốc có nội dung giáo dục học sinh kỹ năng giúp việc gia đình. Tuy nhiên, học sinh ít có cơ hội thực hành toàn diện như giáo trình mới. Các tiết học này thường bị giáo viên “mượn” để dạy Tiếng Anh, Tiếng Trung và Toán học.

Thông tin về môn học mới hiện đang thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc.

Chia sẻ trên phương tiện truyền thông, các chuyên gia giáo dục bày tỏ ủng hộ chương trình mới. Họ cho rằng môn học kỹ năng làm việc nhà sẽ trang bị cho các em nhiều kỹ năng sống.

"Tuy nhiên, cần giảng dạy nghiêm túc, không để diễn ra tình trạng tiết học được ghi trên thời khoá biểu nhưng thực tế bị thay thế bằng các môn văn hoá", hãng thông tấn lớn thứ hai Trung Quốc, China News Service thông tin.

Ngược lại, nhiều phụ huynh phản đối việc con cái phải lao động, nấu ăn ở trường.

Chị Xu Yeqian, sống tại tỉnh Quảng Đông, cho biết: Trước đây, trong nội dung giáo dục học sinh kỹ năng giúp việc gia đình, con tôi được yêu cầu nấu ăn, chụp ảnh gửi cho giáo viên. Nhưng cháu không được dạy gì trên lớp. Do đó, tôi phải nấu rồi chụp ảnh gửi thay cho con.

"Tôi mệt mỏi khi phải hỗ trợ con những bài tập như vậy. Tôi cho rằng môn học mới sẽ không thay đổi được thực tế rằng giáo dục vẫn nặng về điểm số và các kỳ thi", chị Xu bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ