Trung Quốc: Cơ hội việc làm mong manh cho tân cử nhân trong dịch Covid-19

GD&TĐ - Bộ Giáo dục Trung Quốc mới đây cảnh báo sinh viên sắp tốt nghiệp đại học có cơ hội nghề nghiệp đang ngày càng thu hẹp do các hạn chế, quy định phòng chống Covid-19 tác động đến doanh nghiệp và nền kinh tế.

Sinh viên Trung Quốc tham gia hội chợ việc làm trực tiếp khi chưa có dịch.
Sinh viên Trung Quốc tham gia hội chợ việc làm trực tiếp khi chưa có dịch.

Bộ Giáo dục Trung Quốc lưu ý khủng hoảng Covid-19 đến xung đột cơ cấu trong lĩnh vực việc làm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường lao động năm 2022. Thị trường việc làm năm 2022 có thể sẽ tồi tệ hơn so với năm 2020, khi Trung Quốc hứng chịu tác động lớn từ khủng hoảng Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.

Bộ Giáo dục sẽ làm việc với chính phủ và cơ quan liên quan nhằm tăng tỷ lệ việc làm vào giữa tháng 5, thời điểm sinh viên tốt nghiệp. Chính phủ có thể sẽ thành lập cơ chế hỗ trợ đào tạo nhân tài cho một số ngành nghề tiềm năng và nâng tỷ lệ vị trí việc làm cho những ngành nghề có mức tuyển dụng dưới 50%.

Thị trường việc làm Trung Quốc đang cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh số lượng tân cử nhân tăng phi mã hàng năm. Năm 2022, Trung Quốc ghi nhận kỷ lục 10,76 triệu sinh viên đại học và học viên cao học tốt nghiệp, tăng 1,67 triệu so với cùng kỳ năm ngoái.

Anh Wang Luojie, sinh viên năm cuối một trường đại học tốp đầu tại Thượng Hải, cho biết, các công ty không còn mặn mà với việc tuyển dụng. Thông thường sau kỳ nghỉ xuân hàng năm, nhiều doanh nghiệp chủ động tìm đến các trường đại học và “săn” nhân tài nhưng năm nay, nhu cầu này rất thấp. Do đó, anh Wang quyết định kéo dài chương trình học một năm với hy vọng triển vọng việc làm phục hồi vào năm 2023.

“Do dịch Covid-19, thời gian học của chúng tôi đang kéo dài nên tôi không kịp tốt nghiệp vào năm nay. Tôi sẽ học tiếp một năm và chờ đợi thị trường phục hồi. Nhiều bạn bè của tôi chọn học cao học cũng vì muốn trì hoãn tìm việc làm trong bối cảnh hiện nay”, anh Wang bày tỏ.

Một giảng viên làm việc tại thành phố Thượng Hải cho biết tháng 3, 4 hàng năm là những tháng cao điểm tìm việc làm. Sinh viên thường tích cực tham gia các hội chợ việc làm từ trực tiếp đến trực tuyến.

Tuy nhiên, với lệnh phong tỏa Thượng Hải như hiện nay, các trường đại học không thể tổ chức hội chợ việc làm trực tiếp. Trong khi nhiều công ty phải cắt giảm nhân sự do tác động từ việc phong tỏa kéo dài nên không có nhu cầu tuyển dụng mới trong thời gian này.

“Nhiều trường đại học khuyến khích sinh viên ở lại thành phố tìm việc làm. Để hỗ trợ sinh viên, các trường đang cân nhắc phân bổ gói trợ cấp giúp các em trang trải tiền thuê nhà”, giảng viên này cho biết.

Trong bối cảnh thị trường việc làm ngày càng khó khăn, một số sinh viên vẫn tìm được công việc phù hợp. Tuy nhiên, định hướng nghề nghiệp của nhiều người đã thay đổi.

Nữ sinh Xiao Xin, sống tại Thượng Hải, cho biết: “Đại dịch đã thay đổi nhận thức của tôi về công việc. Tôi vốn là người thích khám phá những điều mới mẻ nhưng bây giờ tôi cho rằng nên nhận một công việc nhà nước vì ổn định là ưu tiên hàng đầu”.

Sau khi tốt nghiệp, Xiao Xin dự kiến sẽ làm nhân viên hành chính cho một doanh nghiệp nhà nước.

Theo Sixth Tone

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ