Năng suất lao động tăng nhưng giá trị tuyệt đối chưa cao
Ông Đinh Ngọc Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, cần phải quan tâm hơn nữa đến chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng nghề của người lao động. Từ đó, không chỉ đồng hành mà phải chủ động hơn với các thị trường khác thì kế hoạch cơ cấu mới đạt được hiệu quả và thực chất.
Ghi nhận năng suất lao động có tốc độ tăng, đạt kế hoạch nhưng ông Quý cho rằng, giá trị tuyệt đối chưa cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2021 hiện nay đã đạt khoảng 67%, nhưng tỷ lệ đào tạo sơ cấp chiếm tỷ trọng cao.
Tỷ lệ đào tạo có bằng cấp chứng chỉ ở mức khoảng độ 26,1% cho đến thời điểm này. Tuy nhiên, nếu trừ đi trình độ đại học ra thì các trình độ khác như sơ cấp, cao đẳng, trung cấp đều ở mức dưới 5% và tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức còn cao. Và đây là khu vực được đánh giá yếu nhất về kỹ năng nghề.
“Chúng ta cũng nhận thức rõ và coi kinh tế số là một trong những động lực tăng trưởng trong các thập kỷ tới. Nhưng kỹ năng số trong lao động hiện tại của chúng ta đang xếp ở cuối bảng của khu vực” – ông Đinh Ngọc Quý nêu.
Cũng theo ông Quý, các chuyên gia quốc tế đánh giá và nhận định nền kinh tế Việt Nam có hưởng lợi từ quá trình số hóa nhanh chóng đến mức độ nào là phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của thị trường lao động.
Còn bà Nguyễn Thị Sửu - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, căn cứ số liệu Tổng cục Thống kê điều tra lao động việc làm qua các năm 2019 - 2020, quy mô lao động tăng nhưng tốc độ tăng giảm dần. Chủ yếu do tác động của già hóa dân số.
Đưa ra số liệu cụ thể để thấy già hóa dân số đang gây áp lực lên phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, bà Sửu cho biết, giai đoạn 2011 - 2015 bình quân mỗi năm quy mô lực lượng lao động tăng trên 560 nghìn người. Nhưng giai đoạn từ năm 2015 trở lại đây, bình quân mỗi năm tăng chưa đến 400 nghìn người. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động rất cao, nhưng bắt đầu có xu hướng giảm trong 3 năm trở lại đây.
Theo bà Sửu, cần phải phát huy lợi thế con người của đất nước, đảm bảo người lao động, nhân dân là chủ thể của quá trình phát triển. Đồng thời đổi mới mô hình đào tạo, hướng đào tạo nghề nghiệp, phát triển kinh tế, lực lượng lao động với năng suất cao và thu nhập thỏa đáng. Đến khi cửa sổ vàng, kết cấu tuổi dân số đóng lại, chuyển nhanh lao động phi chính thức thành chính thức, từ sản xuất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, từ nông thôn sang thành thị...
Cần có chính sách phát triển kinh tế vùng
Đề cập đến việc thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế thích ứng với trạng thái bình thường mới, ông Trần Văn Sáu - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Lấp Vò (Đồng Tháp) đề nghị, Chính phủ cần có chính sách đầu tư hợp lý để phát triển kinh tế vùng. Từ đó thu hút lao động, giải quyết việc làm, tổ chức đào tạo, đào tạo lại, dạy nghề phù hợp. Điều này để tạo cơ hội việc làm cho người lao động, nhất là nông dân.
“Chúng ta thấy gì, nghĩ gì khi dòng người cuồn cuộn trốn chạy về quê chống dịch. Phải chăng cơ cấu kinh tế còn bất cập, phát triển đô thị tập trung, thiếu liên kết và sự trục trặc trong kết nối giữa nông thôn và đô thị. Chất lượng đào tạo và phân bổ nguồn nhân lực chưa hợp lý. Đây là những vấn đề cần được quan tâm, làm rõ… Tất nhiên, lao động, việc làm không thể chia đều theo vùng miền nhưng phải hợp lý, hạn chế tình trạng di dân ồ ạt” - ông Sáu nói.
Quan tâm đến chất lượng lao động trước tốc độ phát triển kinh tế, theo ông Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu vận hành và ứng dụng công nghệ số. Cần phải có kế hoạch giải quyết hậu quả lao động dôi dư khi chuyển đổi kinh tế số.
Trước tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, ông Nam cho rằng, chỉ 3 năm nữa biến động cơ cấu lao động việc làm sẽ rất khác biệt. Vì thế, cần chủ động kế hoạch giải quyết từ sớm, từ xa về kỹ năng lao động để ứng phó, “cạnh tranh” việc làm với robot…