Tháo gỡ khó khăn về lao động việc làm cho doanh nghiệp

GD&TĐ - Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn và Quyết định 15/QĐ-CP về thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch.

Bảo hiểm thất nghiệp là một chính sách hỗ trợ hiệu quả cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bảo hiểm thất nghiệp là một chính sách hỗ trợ hiệu quả cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Các giải pháp phần lớn đã tập trung hỗ trợ người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, đến nay các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ.

Lao động mất việc làm tăng kỷ lục

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TBXH) cho biết, thị trường lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Số lượng lao động mất việc làm liên tục gia tăng trong khi khả năng tạo việc làm cả trong và ngoài nước đều gặp khó khăn. Lực lượng lao động thấp kỷ lục, lao động có việc làm có mức giảm mạnh nhất trong 10 năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp cao, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm.

Tính đến tháng 6 năm nay, cả nước có gần 31 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập... Trong đó, số người bị ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng lớn nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng. Lao động khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất với 72%, tiếp đến là khu vực công nghiệp, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Số lao động bị mất việc làm trong 6 tháng đầu năm là 1,4 triệu người. Lao động mất việc làm tập trung ở các ngành công nghiệp chế biến, lao động bán buôn bán lẻ, ngành vận tải kho bãi và lao động trong ngành dịch vụ lưu trú ăn uống…

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã phải lên kế hoạch cắt giảm hàng nghìn lao động trong thời gian tới như: Công ty TNHH PouYuen Việt Nam dự kiến cắt giảm gần 3.000 lao động; Công ty Dệt may Huê Phong, Công ty gỗ Woodworth Wooden cũng có kế hoạch cắt giảm hơn 2.000 lao động do lượng đơn hàng giảm đến 50%.

Đặc biệt, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến cho các doanh nghiệp du lịch giảm sâu doanh thu, và rất chật vật trong việc bố trí nghỉ luân phiên, giảm giờ làm để giữ chân người lao động. Tuy nhiên, những dấu hiệu phục hồi vẫn còn rất mờ nhạt, khi lượng khách du lịch nội địa thưa thớt, du lịch quốc tế và đưa người Việt Nam ra nước ngoài chưa được mở cửa, đến hết tháng 6, nguồn tích lũy của doanh nghiệp đã cạn dần…

Về việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ, các doanh nghiệp cho biết, do các điều kiện đưa ra quá khắt khe, nên đến thời điểm này, rất ít doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được tiếp cận các nguồn lực này.

Kiến nghị nới lỏng điều kiện hỗ trợ

Trước thực trạng trên, đại diện các doanh nghiệp đã kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Chính phủ nới lỏng điều kiện, tiêu chí hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng; tiếp tục kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, trước mắt đến hết năm 2020; tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề cho lực lượng lao động bị mất việc làm, giúp họ có cơ hội trở lại thị trường lao động

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh khẳng định, nhờ quyết liệt phòng chống dịch ngay từ giai đoạn đầu, xác định bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết, Chính phủ xác định sẵn sàng hi sinh lợi ích kinh tế ngắn hạn, vì vậy đã cơ bản khống chế được đại dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay, Chính phủ xác định phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ở các nước trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Xác định các doanh nghiệp, người lao động còn gặp nhiều khó khăn, cần hỗ trợ sớm, trong phiên họp của Chính phủ tới đây sẽ tiếp tục bàn giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ mạnh hơn.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, trên cơ sở tổng hợp các ý kiến, Bộ LĐ-TB&XH sẽ đề xuất Chính phủ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động. Với gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, Bộ đã có văn bản trình Chính phủ nới lỏng một số điều kiện, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Đồng thời nghiên cứu đề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp được sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ