Kỹ năng số cho sinh viên: Không thay đổi sẽ tụt hậu

GD&TĐ - Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 càng khẳng định vai trò của công nghệ, đòi hỏi ngành Giáo dục phải thay đổi cách dạy học, trang bị các kĩ năng số cần thiết cho sinh viên.

Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dạy học trực tuyến. Ảnh: Vân Anh
Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dạy học trực tuyến. Ảnh: Vân Anh

Nhu cầu lớn về nhân lực số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thúc đẩy xã hội và nền kinh tế chuyển đổi từ truyền thống sang kĩ thuật số với trung tâm là phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo AI, robot, Internet vạn vật. Hiện, các công ty công nghệ có nhu cầu rất lớn về tuyển dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu này.

Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Trưởng phòng nhân sự, Trung tâm Không gian mạng Viettel cho biết: Nhu cầu về nhân lực trong ngành khoa học dữ liệu và AI ngày càng tăng và trở thành thách thức lớn của tất cả doanh nghiệp trên thị trường. Để giải quyết vấn đề khan hiếm nhân lực, các doanh nghiệp phải chủ động đào tạo những nhân tài tiềm năng, đồng thời tạo cơ hội việc làm mới cho nhóm nhân lực trẻ.

Ông Lê Hồng Việt - Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT trao đổi: Lĩnh vực IT từ lâu đã thiếu hụt nhân lực. Trong tương lai sẽ cần bổ sung một nguồn lực lớn về cả chất và lượng là các ngành kỹ thuật IT công nghệ cao như: Big Data, trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Robot. 

Luôn xác định AI là công nghệ mũi nhọn nhưng FPT cũng gặp khó khăn khi tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao. Giải bài toán nguồn nhân lực AI đang là thách thức với FPT nói riêng và các doanh nghiệp nói chung, khi thị trường khan hiếm nhân lực của ngành này. Những người xuất sắc nhất ở Việt Nam thường lựa chọn đi học ở nước ngoài mà đã đi thì không trở lại.

Theo TS Trần Việt Hùng, người sáng lập Got It Inc, Công ty Khởi nghiệp công nghệ AI, về ứng dụng và phát triển AI, Việt Nam không cách quá xa so với thế giới nhưng cần có biện pháp thúc đẩy để ngày càng có nhiều sự đầu tư vào AI. Các doanh nghiệp không cần quá quan tâm đến việc phải làm cái gì thật lớn mà cần lựa chọn những phân khúc nhỏ hơn nhưng vẫn có nhiều khách hàng. 

Ông Hùng nhấn mạnh: Ở bất kỳ quốc gia nào, khi phát triển trí tuệ nhân tạo đều phải có cơ sở dữ liệu được xây dựng khoa học, bài bản, tin cậy, kết nối cả nước, bao phủ các lĩnh vực khác nhau. Theo nhiều chuyên gia, trở ngại lớn nhất với Việt Nam khi phát triển và ứng dụng các sản phẩm AI hiện nay là dữ liệu.

Ông Lê Tuấn Khôi - Phó Giám đốc Công ty MK Vision thông tin: Chúng tôi đang bước chân vào mảng AI trong 2 - 3 năm gần đây. Nhân lực trong ngành AI khá đặc thù, mang tính chuyên môn cao, yêu cầu phải có thời gian học tập và công tác lâu năm mới có thể phát triển được sản phẩm. 

Những kiến thức sinh viên học được trong trường đại học là những kiến thức khá chung, cũng mất khoảng thời gian mới được cập nhật. Còn ở doanh nghiệp hiện nay, lĩnh vực mà họ sẽ phải tiếp cận đang thay đổi hàng ngày, hàng giờ, dĩ nhiên là họ cần phải đào tạo thêm, đào tạo lại.

Chuyển đổi số để thích nghi

Nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố hàng đầu trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, các trường đại học đã và đang nhanh nhạy hơn trong việc nắm bắt nhu cầu của thị trường, từ đó chuyển đổi chương trình giảng dạy, cho sinh viên cọ xát với thực tế nhiều hơn.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương nói: Để bắt nhịp với quá trình chuyển đổi số, nhà trường đã xem xét lại nội dung chương trình đào tạo cho phù hợp. Bên cạnh chương trình đào tạo chính thức, nhà trường xây dựng chương trình vệ tinh, trong đó có những môn học liên quan đến số hóa, AI, Coding để sinh viên tốt nghiệp ra trường đủ kiến thức để phục vụ cho nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi số.

GS.TS Phạm Hồng Quang - Giám đốc Đại học Thái Nguyên nhận định: Vấn đề chuyển đổi số trở thành một xu hướng lan tỏa tới tất cả lĩnh vực, đây sẽ là trọng số để tăng trưởng kinh tế. Với lĩnh vực GD-ĐT, việc chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay là ứng dụng mạnh công nghệ thông tin trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đó cũng là một xu thế tất yếu.

TS Lê Việt Thủy - Giám đốc Trung tâm ứng dụng Công nghệ thông tin, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân bày tỏ: Thời gian giãn cách xã hội để phòng tránh dịch bệnh, nhà trường đã triển khai phương pháp học Blended Learning cho hơn 25.000 sinh viên. Phương pháp học này kết hợp giữa giảng dạy trên lớp và giảng dạy trực tuyến.

Ngoài ra, nhà trường đẩy mạnh trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để thích ứng với sự chuyển đổi số trong cuộc sống và công việc. Trong học tập, sinh viên được sử dụng nguồn học liệu số góp phần giảm thời gian học tập trung, giảng viên lúc này đóng vai trò như người hướng dẫn, đôn đốc việc học. 

Có việc làm tại một doanh nghiệp lớn chỉ sau một tháng ra trường, Nguyễn Đức Phong - cựu sinh viên Khoa Kế hoạch và phát triển, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: Nếu không có kĩ năng số, sinh viên sẽ không thể làm việc trong các doanh nghiệp. Với các nhà tuyển dụng, nhóm kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông như năng lực giải quyết vấn đề dựa trên máy tính và các công cụ công nghệ luôn là yêu cầu bắt buộc ứng viên khi đi xin việc.

Các trường đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên đã số hóa khoảng 90% giáo trình giảng dạy, 100%  luận văn, luận án, 40% tài liệu tham khảo; toàn đại học cũng  xây dựng được hơn 110 bài giảng điện tử. Nhiều hình thức học tập hiện đại như học trực tuyến, từ xa... được nhiều trường áp dụng, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp. - GS.TS Phạm Hồng Quang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ