Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là do kỹ năng tay nghề (KNN) còn hạn chế, chưa thích ứng với yêu cầu việc làm.
Hiệu ứng của kỷ nguyên kỹ thuật số
Cả thế giới cũng như Việt Nam đều quan tâm đến phát triển KNN cho thanh niên. Trên thế giới và khối ASEAN đều tổ chức các kỳ thi tay nghề dành cho lao động trẻ dưới 22 tuổi, định kỳ 2 năm 1 lần.
Trao đổi về các vấn đề phát triển KNN, ông Phan Chính Thức - Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và Công tác xã hội,nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Thế kỷ 20 thách thức về KNN của nguồn nhân lực là cạnh tranh vị thế dựa vào tài nguyên, còn ở thế kỷ 21 là sự cạnh tranh đối đầu. Các quốc gia phải dựa vào nguồn nhân lực có KNN thành thạo.
Trong cuốn Tư duy lại tương lai, Mark Ostour đã viết: “Vũ khí cạnh tranh quyết định ở thế kỷ XXI là giáo dục và kỹ năng cao của lực lượng lao động”… Hội nhập quốc tế bao gồm hai khía cạnh hợp tác và cạnh tranh, cả hai vấn đề này đều được giải quyết bằng KNN của lực lượng lao động.
Thống kê của Ngân hàng thế giới (World Bank) về tỷ lệ lao động có kỹ năng cao và thấp tại các nước trong khu vực cho thấy: Singapore có tỷ lệ lao động kỹ năng cao chiếm 50%, Hàn Quốc 40%, Malaysia 25%… tại Việt Nam, tỷ lệ này đang mới chỉ ở mức trên 20%.
Di chuyển lao động và công nhận kỹ năng trong thị trường lao động ASEAN, theo thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương (MRA) người lao động tư do di chuyển và làm việc tại các nước ASEAN đối với 8 nhóm ngành nghề: Dịch vụ du lịch; Điều dưỡng; Y tế, Nha khoa; Kiến trúc; Kỹ thuật; Kế toán và Khảo sát. Đây là những thách thức và cơ hội của giáo dục nghề nghiệp trong hội nhập quốc tế.
Kỷ nguyên kỹ thuật số sẽ tác động đến đào tạo và việc làm hai hiệu ứng gồm: Hiệu ứng triệt tiêu là sẽ có nhiều ngành nghề mất đi, những KNN và lao động tại các ngành nghề đó sẽ bị đào thải.
Hiệu ứng tư bản sẽ làm xuất hiện các ngành nghề mới. Tại Kỳ thi tay nghề Thế giới năm 2019 tới đây sẽ xuất hiện những nghề mới như: Điện toán đám mây, Nhà máy Kỹ thuật số, Thời trang Kỹ thuật số, Tích hợp hệ thống Robot, Trí tuệ nhân tạo, Thực tế ảo và tăng cường…
Hiệu ứng tư bản cũng sẽ phá vỡ những cách thức đào tạo truyền thống, cứng nhắc, hình thành hệ thống trường lớp mở, áp dụng phương thức đào tạo linh hoạt. Kỹ năng cho ngành nghề mới và kỹ năng cho ngành nghề đào tạo lại, đào tạo bổ sung.
Chất lượng kỹ năng chỉ hơn Campuchia
Công nghệ, kỹ thuật số sẽ làm cho cơ cấu và kỹ năng của người lao động thay đổi. Đánh giá về thực trạng KNN của Việt Nam, theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), so sánh điểm xếp hạng trụ cột kỹ năng và chỉ tiêu chất lượng đào tạo nghề của các nước ASEAN (không có Myanmar), Việt Nam xếp thứ 7/9 nước, xếp hạng chất lượng đào tạo thì Việt Nam đứng thứ 8 tức là chỉ hơn Campuchia.
Kỹ năng thấp dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam còn thua kém các nước trong khu vực, chỉ bằng 2/5 so với Thái Lan, 1/5 so với Malaysia, 1/15 so với
Singapore… Các vị trí xếp hạng cho thấy, Việt Nam còn phải nỗ lực hơn rất nhiều trong việc trang bị và nâng cao KNN cho người lao động.
Tạo môi trường phát triển KNN cho thanh niên, ông Phan Chính Thức cho rằng: Cần nhìn nhận lại vai trò của doanh nghiệp, bản chất của GDNN là phục vụ sản xuất, xa rời việc này, đào tạo nghề sẽ không thành công.
Vì vậy, phải coi doanh nghiệp là chủ thể, tham gia vào toàn bộ quá trình đào tạo, từ đầu vào đến đầu ra. Bên cạnh đó, thúc đẩy, tăng cường việc xây dựng các chính sách về phát triển GDNN nói chung và đào tạo KNN nói riêng.
Thay mặt cho Hiệp hội GDNN và Công tác xã hội, ông Phan Chính Thức khuyến nghị: Đưa ngày 15/7 hàng năm là ngày KNN Việt Nam vào quy định trong Bộ luật Lao động sửa đổi để tạo điều kiện phát triển lĩnh vực này.
Về đào tạo KNN, số lượng là tùy biến theo nhu cầu của thị trường lao động, nhưng chất lượng kỹ năng thành thạo là bất biến. Vì vậy, khuyến nghị việc tập trung vào nâng cao chất lượng đào tạo một cách đồng đều trên toàn hệ thống.