Thích ứng để sẵn sàng chuyển đổi
Cuộc CMCN 4.0 đang dẫn đến những thay đổi lớn về khoa học công nghệ, văn hóa, xã hội cùng những thói quen của con người… Mới đây, ảnh hưởng của Covid-19 khiến cho diễn biến của thế giới việc làm trở nên bất định và khó lường hơn nữa.
Ở một góc nhìn tích cực về CMCN 4.0, bà Trần Thị Lan Anh – Phó Tổng Thư ký, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, người lao động có nguy cơ mất việc do tự động hóa nên nhìn nhận tích cực. Đó là tự động hóa nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất. Nó không nhằm mục đích thay thế con người.
Tự động hóa sẽ thay thế con người ở những công việc đơn giản. Ngược lại các công ty sẽ tăng thêm đội ngũ nhân lực tay nghề cao để có thể quản lý được máy móc. Khi tự động hóa, thị trường lao động sẽ phải chuyển đổi theo hướng tích cực hơn và chất lượng đội ngũ lao động sẽ được nâng cao.
Tuy nhiên, diễn biến của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm của thanh niên, gây ra sự gián đoạn lớn trong GD-ĐT. Làn sóng đóng cửa các doanh nghiệp và khởi nghiệp đang làm giảm cơ hội việc làm và thu nhập thấp hơn trong tương lai. Thị trường lao động buộc họ phải nhận những công việc bấp bênh, không chính thức và dễ bị tổn thương.
Theo báo cáo của ILO, thanh niên từ 15 – 24 tuổi, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt với thách thức đáng kể khi tham gia và duy trì việc làm hiệu quả. Tỷ lệ thanh thiếu niên khu vực không có việc làm cũng như trong giáo dục hoặc đào tạo năm 2019 là 24,2% và vẫn đang có xu hướng gia tăng.
Bà Akiko Sakamoto – Chuyên gia cao cấp, Văn phòng ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, bối cảnh khó khăn hiện tại, xu hướng lớn đang định hình tương lai của công việc với nhiều thách thức.
Tuy nhiên, xu hướng thay đổi của thị trường việc làm và kinh doanh cũng đồng thời tạo ra những cơ hội mới. Theo đó, những yêu cầu về kỹ năng cũng thay đổi, việc làm kỹ năng cao đang tăng lên.
Kỹ năng phổ biến trong tương lai là hỗ trợ di chuyển và thay đổi nghề nghiệp. Đó không chỉ là các kỹ năng kỹ thuật mà còn bao gồm các kỹ năng mềm, trong đó có sự kiên trì, tìm hiểu, nhanh nhạy khi đối mặt với sự thay đổi. Bên cạnh đó là các kỹ năng về kỹ thuật số và công nghệ thông tin.
Chìa khóa cho tăng trưởng ổn định
Tại Việt Nam, theo số liệu mới đây của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 55,46 triệu người, chiếm hơn 1/2 dân số. Nhưng lực lượng lao động qua đào tạo có văn bằng hoặc được công nhận mới chỉ chiếm hơn 22,3%. Như vậy, lực lượng lao động chưa có văn bằng chứng chỉ, chưa được công nhận chiếm tới hơn 77,6%.
Thực trạng cho thấy tầm quan trọng của việc phát triển kỹ năng, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Ông Trương Anh Dũng – Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, lực lượng lao động có kỹ năng nghề là chìa khóa của sự tăng trưởng ổn định của mỗi quốc gia. Nó thể hiện quyền lực trong thế so sánh sức cạnh tranh quốc gia. Thậm chí nó được coi là đơn vị tiền tệ mới trên thị trường lao động quốc tế.
Theo ông Trương Anh Dũng, Thủ tướng đang chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tranh thủ thời cơ dân số vàng. Tập trung phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhân lực có kỹ năng nghề.
Tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh chịu sự tác động của dịch bệnh Covid-19, xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa và tác động của cuộc CMCN 4.0.
Đây cũng là tinh thần của Thủ tướng về tăng cường nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần tăng năng suất lao động và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời kỳ mới.
“Giới trẻ cần chuẩn bị không chỉ cho sự chuyển đổi từ trường học sang nơi làm việc, mà cả sự chuyển đổi từ công việc này sang công việc khác. Kỹ năng không phải là một lần cho một việc làm, mà cần có sự cập nhật liên tục. Nhanh nhẹn, chủ động hơn trong việc học hỏi, phát triển tầm nhìn chính là chìa khóa thành công của cả sự nghiệp lâu dài” – bà Akiko Sakamoto nhận định.