Kỷ lục chưa thể bị phá của tiêm kích siêu nhanh

GD&TĐ -Kể từ khi chiếc máy bay đầu tiên cất cánh vào đầu thế kỷ 20, các kỹ sư hàng không trên toàn cầu đã nỗ lực chế tạo ra chiếc máy bay bay nhanh nhất.

Tiêm kích MiG-25.
Tiêm kích MiG-25.

Tốc độ mang lại cho máy bay chiến đấu một lợi thế rõ rệt trong trận chiến, cho phép nó đuổi theo hoặc chạy nhanh hơn máy bay địch, mặc dù máy bay phải đủ chắc chắn để chịu được sức căng do gia tốc gây ra, chưa kể đến việc thiết kế của máy bay phải tính đến lực G mà phi công phải chịu đựng.

Trong suốt chiều dài lịch sử hàng không thế giới, nhiều máy bay chiến đấu đã được biết đến với biệt danh siêu âm. Vậy loại máy bay chiến đấu nào ngày nay nhanh nhất trên thế giới?

Máy bay chiến đấu nhanh nhất thế giới

Theo Sputnik, mặc dù thực tế là Mỹ từ lâu đã nổi tiếng là quốc gia có lực lượng không quân quân sự mạnh mẽ và tiên tiến nhất trong lịch sử, nhưng máy bay chiến đấu nhanh nhất thế giới được đưa vào sử dụng là MiG-25, một máy bay đánh chặn siêu âm được thiết kế ở Liên Xô trong những năm 1960.

Ban đầu được chỉ định là dự án E-155, chiếc máy bay nguyên mẫu sau này trở thành MiG-25 đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 1964. Cuộc thử nghiệm cấp nhà nước đối với máy bay chiến đấu mới tiếp tục từ năm 1965 đến năm 1970. Các kỹ sư Liên Xô mất nhiều thời gian để hoàn thiện MiG-25 do tính độc đáo của nó.

Một số chuyến bay được thực hiện trên Bán đảo Sinai, lãnh thổ Ai Cập bị lực lượng Israel chiếm đóng vào thời điểm đó. Máy bay Liên Xô đã tiến hành các chuyến bay trinh sát trên khu vực trong khi máy bay Israel và các hệ thống phòng không trên mặt đất đơn giản là không thể theo kịp.

Năm 1972, MiG-25 chính thức được Lực lượng Phòng không Liên Xô sử dụng làm vũ khí cho phép Liên Xô chống lại máy bay ném bom và máy bay trinh sát siêu thanh của Mỹ.

Được liên minh NATO định danh là Foxbat, MiG-25 trở thành máy bay đánh chặn đầu tiên của Liên Xô có khả năng đạt tốc độ Mach 2,83 (khoảng 3.000 km/h). Mặc dù MiG-25 có đủ lực đẩy để đạt tốc độ Mach 3,2, nhưng các phi công được khuyên không nên vượt quá giới hạn tốc độ Mach 2,83 để tránh động cơ quá nóng.

Vào tháng 8/1977, phi công thử nghiệm Alexander Fedotov của Liên Xô đã lái chiếc MiG-25 và lập kỷ lục thế giới về độ cao cho máy phản lực, ở 37.650 mét. Cho đến nay, kỷ lục này vẫn chưa bị đánh bại.

Liên Xô cũng đã xuất khẩu nhiều biến thể MiG-25 sang các quốc gia khác và đưa vào vào các cuộc xung đột mà nước này không tham gia. Chẳng hạn, vào năm 1991, chiếc MiG-25 của Iraq đã bắn hạ một máy bay chiến đấu F/A-18 Hornet của Mỹ, gây ra tổn thất không chiến được chính thức công nhận duy nhất của Mỹ trong Chiến tranh vùng Vịnh.

Trong khi một số quốc gia vẫn còn trang bị MiG-25, loại máy bay chiến đấu này đã được phần lớn các quốc gia cho nghỉ hưu, bao gồm cả Nga. MiG-25 cũng được coi là máy bay duy nhất có khả năng đạt tốc độ trên Mach 3.0 đang được các lực lượng không quân sử dụng.

Máy bay nào nhanh hơn MiG-25

Dù MiG-25 vẫn được coi là máy bay chiến đấu sản xuất hàng loạt nhanh nhất thế giới, nhưng xét về tổng thể, đây vẫn không phải là loại máy bay nhanh nhất.

Trong đó, máy bay trinh sát SR-71 Blackbird - được gọi là "hắc điểu" của Mỹ do Lockheed thiết kế, chế tạo và được Mỹ đưa vào sử dụng trong những năm 1960 - có thể đạt tốc độ Mach 3,4.

Trên thực tế, chính sự tồn tại của những chiếc máy bay trinh sát nhanh như vậy trong kho vũ khí của Mỹ đã thúc đẩy Liên Xô phát triển MiG-25. Tuy nhiên, SR-71 không phải là máy bay chiến đấu, mặc dù hiện nó được coi là máy bay phản lực có người lái nhanh nhất thế giới.

Máy bay đánh chặn YF-12 do Lockheed chế tạo, cũng xứng đáng được nêu tên trong danh sách những chiếc máy bay nhanh nhất thế giới. YF-12 – từng thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1963 – cũng có thể vượt tốc độ Mach 3.

Không giống như Blackbird, YF-12 có thể mang theo một số tên lửa không đối không. Nhưng YF-12 chỉ tồn tại dưới dạng nguyên mẫu. Lockheed chỉ chế tạo 3 chiếc máy bay này trước khi Không quân Mỹ không còn hứng thú với dự án.

Mỹ dường như không sử dụng YF-12, và chiếc máy bay này đã được NASA sử dụng cho mục đích nghiên cứu.

Bên cạnh đó, XB-70 Valkyrie - nguyên mẫu máy bay ném bom chiến lược siêu thanh do North American Aviation phát triển vào những năm 1950 - cũng nằm trong danh sách những loại máy bay nhanh nhất thế giới.

Máy bay XB-70 Valkyrie có khả năng đạt trần bay hơn 20.000 mét với tốc độ cực đại Mach 3. Tốc độ này khiến XB-70 Valkyrie không thể bị máy bay đánh chặn của đối phương chạm đến.

Tuy nhiên, sự sụp đổ của Valkyrie xảy ra sau khi các quan chức quân sự Mỹ nhận ra rằng chiếc máy bay này không thể chống chọi được với các tên lửa đất đối không Liên Xô phát triển.

Dù việc phát triển Valkyries đã bị hủy bỏ, một số chiếc máy bay ném bom này vẫn được sử dụng cho mục đích nghiên cứu cho đến khi ngừng hoạt động vào cuối những năm 1960.

Ngoài ra, còn có sự xuất hiện của X-15, loại máy bay chạy bằng động cơ rocket của Mỹ do North American Aviation chế tạo. X-15 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1959.

Chiếc máy bay này được chế tạo cho mục đích nghiên cứu và thử nghiệm, có thể bay với tốc độ Mach 6,7 ở độ cao 31.120 m. Do đó, X-15 đã lập kỷ lục thế giới về tốc độ cao nhất từng được ghi lại bởi máy bay có người lái.

Chỉ có ba chiếc X-15 được chế tạo trước khi loại máy bay này ngừng hoạt động vào cuối những năm 1960. X-15 không được xếp loại là máy bay phản lực và cũng không phải là máy bay chiến đấu.

Chính vì vậy, đến nay, MiG-25 vẫn là chiếc chiến đấu cơ bay nhanh nhất và đạt trần bay cao nhất thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

"Lớp học Tây Bắc" giữa lòng Tây Nguyên. (Ảnh: TT)

'Lớp học Tây Bắc' giữa lòng Tây Nguyên

GD&TĐ - Lấy bối cảnh 1 lớp học ở Tây Bắc, cô trò ở phố núi Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã diễn lại khung cảnh đầy xúc động và bài học ý nghĩa về giá trị sống.