Kỷ luật tích cực

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, ngành Giáo dục không chỉ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá… mà quan niệm, nhận thức, hành vi trong tổ chức các hoạt động giáo dục cũng phải thay đổi, trong đó có thực hiện các biện pháp giáo dục học sinh.

Kỷ luật tích cực được nói đến và chỉ đạo thực hiện trong các nhà trường lâu nay. Bộ GD&ĐT cũng có văn bản quy định về khen thưởng, kỷ luật đối với học sinh trong trường phổ thông. Theo đó, hình thức khen thưởng, kỷ luật được thực hiện theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT, Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT, Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT, Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT, Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT. Trình tự, thủ tục khen thưởng, kỷ luật được thực hiện theo Thông tư số 08/TT ngày 21/3/1988 của Bộ GD&ĐT.

Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT quy định rõ, giáo viên, nhân viên không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể của học sinh và đồng nghiệp. Còn theo Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT, học sinh có khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện và phong trào thi đua, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỷ luật: Nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn; thông báo với cha mẹ nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. Giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với phụ huynh. Nghị định 04/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định mức phạt từ 5 - 10 triệu đồng nếu kỷ luật người học không đúng quy định; hay xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Những biện pháp giáo dục, kỷ luật tích cực, nhân văn nói trên cơ bản được triển khai nghiêm túc, hiệu quả trong trường học thời gian qua. Tuy nhiên, hiện tượng thầy cô giáo áp dụng các hình thức trừng phạt thân thể và xúc phạm tinh thần học sinh vẫn đâu đó xảy ra. Ví dụ như vụ việc nữ giáo viên Trường THPT Đội Cấn (Vĩnh Phúc) dùng kéo cắt tóc học sinh trên bục giảng; một thầy giáo tại Đắk Lắk bị buộc thôi việc vì đánh học sinh do không chịu ngủ trưa, trêu đùa bạn; một người dạy tại Trung tâm Hỗ trợ Phát triển giáo dục hòa nhập Thiên Thần Nhỏ (Ninh Bình) bị chấm dứt hợp đồng lao động bởi hành vi tát liên tiếp vào mặt, người học sinh…

Bên cạnh ảnh hưởng quan niệm truyền thống “thương cho roi cho vọt”, việc sử dụng biện pháp trừng phạt thân thể khi học sinh mắc lỗi, theo các chuyên gia còn bởi áp lực công việc; thiếu hiểu biết về tâm sinh lý học sinh; thiếu sự quan tâm, tình yêu thương và kiến thức về biện pháp kỷ luật tích cực trong quá trình giáo dục. Trên thực tế, sử dụng sai biện pháp giáo dục không những không giải quyết được vấn đề, mà đôi khi còn dẫn đến hậu quả khó lường, ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển trí tuệ, nhân cách của học sinh và cả mối quan hệ thầy trò…

Hiện, vai trò giáo viên đã có những thay đổi căn bản. Mối quan hệ dựa trên quyền uy của người dạy chuyển thành tôn trọng, hợp tác, dân chủ và người học là trung tâm của quá trình giáo dục. Thay đổi này đòi hỏi nhà giáo phải có những chuyển biến căn bản trong biện pháp giáo dục học sinh. Nhưng cũng cần hiểu rằng, giáo dục kỷ luật tích cực không phải là buông thả cho học sinh muốn làm gì thì làm, không có các quy tắc, giới hạn… Đây là cách giáo dục dựa trên nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của học sinh; có sự thỏa thuận giữa giáo viên - học sinh và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý người học. Mục tiêu của giáo dục kỷ luật tích cực là dạy học sinh tự hiểu hành vi của mình, có trách nhiệm đối với sự lựa chọn, biết tôn trọng mình, tôn trọng người khác.

Giải pháp cho việc này là chú trọng xây dựng môi trường sư phạm thân thiện; học sinh được tham gia xây dựng nội quy trường học; xây dựng mạng lưới trợ giúp, ví dụ như tổ chức tham vấn học đường; có quy định rõ ràng, phù hợp về hình thức khen thưởng, kỷ luật… Nhưng quan trọng nhất vẫn là sự thấu hiểu, tình yêu thương của thầy cô với học trò.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ