Kỷ luật tích cực góp phần vào đổi mới Giáo dục

GD&TĐ - Để thực hiện đổi mới, ngành GD không chỉ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, mà còn phải thay đổi quan niệm, nhận thức và hành vi trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục, trong đó có GD kỷ luật tích cực.

Cô và trò Trường THPT Bạch Đằng (Thủy Nguyên, Hải Phòng). Ảnh: Thiên Thanh
Cô và trò Trường THPT Bạch Đằng (Thủy Nguyên, Hải Phòng). Ảnh: Thiên Thanh

Vẫn còn hình thức kỷ luật không phù hợp

Bộ GD&ĐT đã quy định giáo viên không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể của học sinh, nhưng đâu đó trên thực tế, những biện pháp xử phạt gây tổn thương thể chất, tinh thần, thiếu tôn trọng học sinh vẫn được sử dụng.  

Thừa nhận điều này, TS Nguyễn Chí Tăng, nguyên Trưởng phòng Quản lý khoa học và quan hệ quốc tế, Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết: Ở tiểu học, vẫn có giáo viên bắt học sinh vi phạm quỳ gối, úp mặt vào tường, đứng cuối lớp, thậm chí có giáo viên còn đánh học sinh. Ở THCS, khi học sinh vi phạm, không ít giáo viên đuổi học sinh ra khỏi lớp, kéo tai, giật tóc… 

“Tôi được nghe một số thầy cô tâm sự khi đi bồi dưỡng nâng hạng giáo viên tại các huyên, thị: “Thầy ơi bọn trẻ phá lắm, dạy ở tiểu học mà không đánh thì khó trị. Em bắt trẻ phạm lỗi nằm lên ghế rồi dùng cây thước nhôm quất nhẹ thôi, thế mà có em còn độn vở vào để khỏi đau. Vừa bị phạt xong lại chạy ra chơi đùa với bạn như không có chuyện gì vậy”. “Ở lớp em, cứ trò nào không thuộc bài là cuối buổi phải ngồi lại viết bài không thuộc một lần”. “Bắt úp mặt vào tường thế mà vẫn nói chuyện được với bạn, giận lắm chẳng nhẽ đuổi ra khỏi lớp”… Về mặt tinh thần, một số giáo viên vẫn sử dụng cách xử sự thiếu tích cực, không tôn trọng học sinh” – TS Nguyễn Chí Tăng chia sẻ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng các các biện pháp trừng phạt thân thể và xúc phạm tinh thần khi học sinh mắc lỗi. Trong đó có lý do đến từ quan niệm sai lầm về giáo dục học sinh thông qua sử dụng các hình thức kỷ luật, như cho rằng “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, “miếng ăn nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”.

Ngoài ra, cách làm này còn xuất phát từ thiếu hiểu biết về tâm sinh lý học sinh; thiếu sự quan tâm, tình yêu thương; thiếu hiểu biết về sử dụng các biện pháp kỷ luật tích cực để giáo dục các em. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc sử dụng các biện pháp trừng phạt thân thể, xúc phạm tinh thần mang đến hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng sức khoẻ và sự phát triển trí tuệ, nhân cách của học sinh; ảnh hưởng đến kết quả học tập, việc thu hút học sinh đến trường. Bởi vậy, nhận thức đúng về hình thức kỷ luật, sử dụng kỷ luật tích cực là yêu cầu không thể thiếu với mỗi giáo viên.

Một buổi hoạt động trải nghiệm của HS Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội). Ảnh minh họa
Một buổi hoạt động trải nghiệm của HS Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội). Ảnh minh họa

Cần thay đổi nhận thức 

Chuyên gia tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), cho rằng: Kỷ luật tích cực khác kỷ luật tiêu cực truyền thống ở triết lý của kỷ luật chứ không phải hình thức kỷ luật được đưa ra. 

Kỷ luật truyền thống dựa trên việc đưa ra hình phạt làm cho học sinh cảm thấy lo lắng, sợ hãi, xấu hổ, hoặc đau đớn để không tái phạm lỗi. Còn kỷ luật tích cực lại chỉ rõ cho học sinh thấy nếu làm sai thì con mất cơ hội, sẽ buồn chán vì mọi người sẽ không chú ý đến hành vi đó. 

Vì vậy, nếu không hiểu rõ triết lý, giáo viên có thể vẫn đưa ra một hình thức kỷ luật mà nhà trường quy định, nhưng thái độ và lời nói của giáo viên lúc quyết định kỷ luật sẽ làm cho nó trở thành kỷ luật trừng phạt. Trên thực tế, mục đích của kỷ luật tích cực không phải đưa ra hình phạt để trẻ vào nền nếp mà là khuyến khích những hành vi đúng đắn phù hợp, dạy kỹ năng để trẻ tự giác vào nền nếp trong một không khí tích cực. 

Muốn để triệt để áp dụng kỷ luật tích cực, theo PGS Trần Thành Nam, giáo viên cần hiểu được nguyên nhân đằng sau một hành vi sai của đứa trẻ, để kiểm soát cảm xúc của mình, kiềm chế những hình thức kỷ luật tiêu cực bột phát là kết quả của sự bùng nổ cảm xúc. Suy nghĩ về nguyên nhân, mục đích đằng sau hành vi, giáo viên cơ bản cũng đã kiểm soát được cảm xúc của bản thân và định hướng được cách thức xử lý. 

Nếu mục đích hành vi của học sinh là tìm kiếm sự chú ý, việc giáo viên phớt lờ và cô lập học sinh bằng cách yêu cầu  học sinh còn lại trong lớp tập trung vào 1 nhiệm vụ cô giao là một lựa chọn nên làm. Nếu mục đích hành vi của các em do thiếu kỹ năng, giáo viên có thể di chuyển đến gần, thể hiện quan tâm, hỏi bài tập của em thế nào, có cần sự hỗ trợ gì không với một thái độ chân thành, kiên nhẫn và tử tế.

Nếu vấn đề gây ra lỗi hành vi là do khí chất, tính cách của em bị giảm chú ý, giáo viên có thể thay đổi cách bố trí không gian vật lý lớp học, thay đổi chỗ ngồi của người học, loại bỏ các yếu tố có thể làm người học sao lãng ra khỏi lớp học, thay đổi cách tổ chức hoạt động giảng dạy. Còn nếu mang tính trả đũa, thách thức, giáo viên nên tìm hiểu sâu thêm liệu có điều gì có thể khiến học sinh hiểu nhầm về những sự việc đã xảy ra. 

“Giáo viên nằm lòng hệ thống xử lý từ nhẹ đến nặng cảnh báo: 5 phút gặp sau tiết dạy; 1 buổi gặp riêng; thư hoặc điện thoại cho phụ huynh; gửi học sinh lên văn phòng hiệu trưởng. Trong các cuộc gặp riêng, giáo viên cũng cần thống nhất quy trình với các nguyên tắc làm việc. Ví dụ, nội dung của buổi gặp riêng sẽ bao gồm: Chia sẻ những quan điểm, ảnh hưởng của hành vi gây rối; yêu cầu người học nói suy nghĩ của mình, xác định các giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề; cùng nhất trí và đi đến cam kết.

Lưu ý thêm, việc thưởng - phạt không phụ thuộc vào hình thức thưởng phạt, mà phụ thuộc vào bản thân từng cá nhân học sinh nhìn nhận về các hình thức này như thế nào. Ví dụ, làm thêm bài tập toán với học sinh giỏi toán sẽ là phần thưởng, nhưng với những học sinh học kém toán có thể là một hệ quả để phạt cho việc không làm bài; được giao nhiệm vụ giúp đỡ cô giáo trong các hoạt động trên lớp có thể là phần thưởng đối với các em có biểu hiện tăng hoạt động, quá hiếu động nhưng có thể được xem như hình phạt đối với một số em khác mà năng lực vận động không linh hoạt” – PGS Trần Thành Nam lưu ý.

Giờ tin học của HS Trường Tiểu học Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh). Ảnh: Nguyễn Lâm
Giờ tin học của HS Trường Tiểu học Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh). Ảnh: Nguyễn Lâm

Ý nghĩa đích thực của “kỷ luật”

10 năm dạy học và là mẹ của 2 đứa trẻ, cô Vũ Thu Hà, giáo viên Trường  THCS Ban Mai (Hà Nội) luôn trăn trở về hai từ “kỷ luật”. Làm thế nào để giáo dục được học sinh, các con trưởng thành trong tình yêu thương, sự tôn trọng, nuôi dưỡng chứ không phải trong nỗi “khiếp sợ” với những hình phạt, kỷ luật hay chì chiết? Làm thế nào để các con cảm nhận được sự an toàn, tin tưởng của cô giáo, để thầy cô không chỉ là  “thợ dạy”?

“Cách bạn nhìn một đứa trẻ quyết định cách đứa trẻ ấy trưởng thành. Cách nhìn, nói, cư xử của thầy cô giáo nói chung, giáo viên chủ nhiệm nói riêng có ảnh hưởng, tác động vô cùng lớn với mỗi đứa trẻ”. Đưa ra quan điểm này, cô Hà chia sẻ cách làm của mình khi gặp tình huống sư phạm: “Được giao chủ nhiệm một lớp các con có cá tính rất mạnh, dễ phản ứng trước lời nói của người khác và luôn “xù lông nhím” khi cảm thấy bị tấn công. Câu đầu tiên khi tôi bước vào và nói chuyện với các con là: “Cô không chỉ là giáo viên chủ nhiệm, cô là thành viên thứ 26 của lớp mình”. Cuối năm học, học sinh chia sẻ câu nói ấy giúp các em thấy yên tâm hơn, không còn suy nghĩ ban giám hiệu cử thêm người vào “trừng trị” lớp”. 

Cô Hà cũng cho rằng: Học sinh hiện nay tư chất thông minh, linh hoạt và nhạy cảm với các cảm xúc, đặc biệt là cảm giác “được tôn trọng”. Chính vì vậy, bắt đầu vào một lớp dạy hay chủ nhiệm lớp nào đó, cô Hà thường tìm hiểu học sinh bằng những câu hỏi như: Điều con làm tốt nhất là gì? Khó khăn của con là gì? Con mong muốn được cô giúp đỡ, được học trong một lớp học thế nào?...

Hiểu được những chia sẻ đó, giáo viên sẽ cùng học trò thống nhất những nguyên tắc – chính là những giá trị mà nhà trường lựa chọn, như: Tôn trọng, lắng nghe, hợp tác…; cùng làm rõ biểu hiện của các giá trị đó thành hành động thế nào. “Sẽ vẫn có vi phạm, những nhắc nhở thật nghiêm khắc, nhưng học trò sẽ  hiểu rằng mình đã lựa chọn hành động vi phạm và cần thực hiện cam kết của mình. Đây không phải là hình phạt, mà là hành động thể hiện sự “tự chịu trách nhiệm” của mình. Với tôi, đó là ý nghĩa đích thực của “kỷ luật”” – cô Vũ Thu Hà cho hay.

Với kinh nghiệm nhiều năm dạy học, cô Vũ Thu Hà cũng cho biết: Lời khen của cô giáo có ý nghĩa rất lớn với học trò. “Tôi vẫn khen học trò của mình, mặc dù bạn ấy không phải xuất sắc, không đạt điểm cao. Tôi luôn nói với các con: Cô không cần các con luôn là người giỏi nhất, luôn là người điểm cao hay chiến thắng. Cô chỉ mong các con là những người không ngừng cố gắng, mỗi ngày tiến bộ hơn chính mình của hôm qua! Có lẽ vậy, tôi có nhiều điều để khen các con. Rằng: Ồ, hôm nay con đi học sớm hơn hôm qua rồi! Ồ, bài làm của con hôm nay chữ viết đã cẩn thận, dễ đọc hơn; Rằng: Cô biết, để viết được chừng này với bản thân con là một sự cố gắng và kiên trì rất lớn… Để rồi, sau mỗi lời khen như vậy, tôi lại nhìn thấy ánh mắt tự tin và mong muốn tiếp tục cố gắng của con” – cô Hà chia sẻ.

Để kỷ luật tích cực, giáo viên phải thay đổi cách cư xử với học sinh, tạo điều kiện cho các em phát triển tốt nhất về thể chất và nhân cách. Cân nhắc vấn đề, tìm hiểu nguyên nhân, hoàn cảnh, tính nghiêm trọng của vi phạm, đặc điểm tâm sinh lý học sinh để đưa ra cách thức xử lý phù hợp, tốt nhất không làm tổn thương đến thể chất và tinh thần học sinh. Bảo đảm công bằng, khách quan, chính xác, không thành kiến, trù dập học sinh; đề cao sự tôn trọng, luôn mong muốn học sinh tiến bộ. Điều quan trọng, mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. - TS Nguyễn Chí Tăng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ