Kỷ luật kết hợp với yêu thương

GD&TĐ - Trường học hạnh phúc không phải là ngôi trường rộng rãi, khang trang và tiện nghi, hiện đại mà là ngôi trường có bao nhiêu tiếng cười, bao nhiêu niềm vui, nuôi dưỡng bao nhiêu ước mơ. 

Cô và trò Trường Mầm non 3/10 (TP Cao Bằng).	Ảnh: Hữu Cường
Cô và trò Trường Mầm non 3/10 (TP Cao Bằng). Ảnh: Hữu Cường

Nếu thầy cô chúng ta thay đổi, cảm hóa, giáo dục học sinh bằng tình thương yêu, bằng sự độ lượng, bao dung sẽ có kết quả bền lâu hơn là giáo dục bằng mệnh lệnh, bằng sự bắt buộc. Tuy nhiên, dù áp dụng theo phương pháp nào cũng là sự kết hợp giữa kỷ luật và tình thương.

Cảm hóa học trò bằng tình thương yêu

Chia sẻ về trường học hạnh phúc, cô Nguyễn Thị Kim Chi, GV dạy Địa lý, Trường THCS - THPT Nam Việt, TP Hồ Chí Minh cho rằng, lớp học hạnh phúc là cả người dạy và người học đều hạnh phúc theo đúng nghĩa mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Theo cô Kim Chi, để phát huy năng lực học sinh trong giờ học, GV cần thực hiện các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực, khoa học và phù hợp với đối tượng từng bậc học và khối học.

Trong quá trình dạy học, cô Kim Chi thường đưa các câu chuyện thực tế gắn với kiến thức để học sinh thấy rằng việc học môn học này có “tác dụng” của cuộc sống. Để tránh nhàm chán cho HS và cả GV, cô Chi đã đa dạng hóa các hình thức dạy và học. Mỗi giờ học cố gắng để khơi dậy khả năng, năng lực khác biệt trong từng học sinh. Song, với cô điều quan trọng hơn cả là phải tôn trọng HS.

Cô Chi nhớ lại câu chuyện năm học vừa qua, lớp cô tiếp nhận 1 HS từng “được” ghi trong học bạ là không thể giáo dục được. HS ấy không thể chuyển trường sang các trường công, trường dân lập lớn nào được. Trường cô đã nhận em vào học.

Ngày đầu tiên vào lớp, cô để ý nhiều hơn đến HS “đặc biệt” này. Điều cô nhận thấy ở HS đó là em khá cá tính nhưng dễ gần, thông minh, học nhanh, có nhiều tài lẻ. Mỗi ngày đến lớp, cô gần gũi, trò chuyện nhiều hơn với học trò đó. Trong những câu chuyện của mình, cô đã tạo được niềm tin với em. Em bớt nghịch hơn, mặc dù còn có nhiều điều cần phải nhắc nhở định hướng thêm nữa.

Kết quả thi THPTQG, HS “đặc biệt” được 22 điểm xét tuyển vào khối C. Dù không phải là quá cao đối với HS giỏi ở các trường công lập nhưng với HS ấy, đó là kết quả tốt cho sự nỗ lực.“Tôi đã rất vui khi HS nhắn tin báo điểm môn Địa được 6.0 và kèm theo lời nhắn “vì cô nên con cố gắng”. Tôi nhận ra rằng, nếu thầy cô chúng ta thay đổi, cảm hóa, giáo dục học sinh bằng tình thương yêu, bằng sự độ lượng, bao dung sẽ có kết quả bền lâu hơn là giáo dục bằng mệnh lệnh, bằng sự bắt buộc”.

Người thầy cần thay đổi

Cô giáo Nguyễn Thanh Bình, Trường THPT Chu Văn Thịnh, Mai Sơn, Sơn La cho biết: Trường học hạnh phúc là nơi mà ở đó thầy cô và học trò đều cảm thấy có hứng thú, niềm vui, sự mong chờ “muốn đến”. Ở đó, cả thầy và trò đều cảm thấy hạnh phúc với vai trò của mình. Trường học đem lại cho các em những hứng thú trong học tập, tràn ngập yêu thương, luôn luôn được lắng nghe, chia sẻ. Các môn học không phải được học kiểu nhồi nhét, mà được khơi gợi, biến hóa để các em yêu thích có nhu cầu được tìm hiểu, học tập, tiếp thu.

“Cách đây không lâu, tôi có đọc kết quả điều tra của một nhà sư phạm được công bố tại buổi tọa đàm “Hành động vì hạnh phúc học sinh” tại Thành phố Hồ Chí Minh. 6 nguyên nhân khiến học sinh không hạnh phúc khi đến trường chủ yếu nằm ở giáo viên. Tất cả đều có nguyên do từ năng lực, từ trình độ, từ tình yêu nghề và tâm huyết của người thầy. Điều đó có nghĩa là người thầy cần thay đổi, cần phải hành động vì hạnh phúc học sinh. Sự thay đổi ấy ngay từ những điều nhỏ nhặt hàng ngày chứ không cần phải cái gì lớn lao”, cô Bình chia sẻ.

Trái tim yêu thương sẽ là điểm bắt đầu

Cô Bình kể lại câu chuyện khi mới ra trường được hai năm, cô nhận chủ nhiệm một lớp học có nhiều học sinh “đặc biệt”. Những học sinh của lớp không có ước mơ vươn lên. Đối với các em, việc tốt nghiệp phổ thông đã là tốt lắm rồi. Các em gái có vẻ muốn lấy chồng hơn là muốn học, các em trai thì ngổ ngáo. Cô giáo giảng bài còn học sinh, nếu không ngủ thì nói chuyện và ngáp. Mỗi tối, cô không thể tận hưởng thành quả sau một ngày làm việc. Nếu hôm nào có tiết ở lớp, tối về cô lại mất ngủ.

Ban đầu cô nghĩ “kỉ luật là sức mạnh”. Cách giáo dục học trò chưa ngoan đơn giản là khiển trách và xử lí nghiêm khắc tùy theo mức độ vi phạm. Thế nhưng, cô càng cứng rắn thì các em lại càng “cứng đầu”.

Cô Bình nghĩ, mình cần phải thay đổi. Cô quyết định đến nhà HS cầm đầu những trò hư bướng của lớp. Cô tạo ra những cơ hội gặp gỡ riêng với từng em. Cô gặp các thầy cô giáo bộ môn để chia sẻ hoàn cảnh của các em và nhờ các thầy cô quan tâm, giúp đỡ. Cô nghĩ cũng cần phải “tăng nhiệt” cho những bài giảng của mình, tinh giản những kiến thức khó. Cô kể cho các em nghe những câu chuyện ý nghĩa, gieo vào lòng các em những điều tốt đẹp, uốn nắn những nhận thức méo mó, lệch lạc. Cô thấy các em đã chú ý lắng nghe và thậm chí rất cởi mở khi nói ra những suy nghĩ của mình. Những thay đổi này tuy nhỏ bé nhưng đọng lại trong cô nhiều cảm xúc.

Năm học kết thúc. Lớp cô chủ nhiệm không em nào trượt tốt nghiệp cả. “- Em được những 5 điểm Văn này cô ơi”, “- Em được hẳn 6”. Chỉ có thế thôi mà cô trò rớt nước mắt vì mừng.

Cô Bình chia sẻ: Những con ngựa bất kham sẽ trở thành những con ngựa tốt nếu được uốn nắn, giáo dục đúng phương pháp. Và trong hành trình trưởng thành của mình sau này, những học sinh chưa ngoan lại là những học sinh nhớ nhiều nhất những lời thầy cô khuyên dạy và để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng thầy cô.

Cô luôn tâm niệm: Nhà giáo là một “nghề đặc biệt”, yêu học trò là con đường ngắn nhất giải quyết mọi công việc của người thầy và trái tim yêu thương sẽ là điểm bắt đầu của mọi tri thức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.