Dành trọn tâm huyết cho ngành

GD&TĐ - Ngày 6/8, Hội nghị Tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 theo hình thức trực tuyến tại 64 điểm cầu. Đây là dịp để Bộ GD&ĐT cũng như ngành GD các địa phương nhìn nhận lại thành tựu, tồn tại trong năm học 2018 - 2019. Đồng thời ghi nhận đóng góp sâu sắc, thiết thực để ngành GD đồng loạt triển khai giải pháp cho năm học mới, với mục tiêu học sinh là trung tâm mọi hoạt động GD.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với các đại biểu dự Hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với các đại biểu dự Hội nghị

Dồn sức cho GD

Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020, đại diện ngành GD Hậu Giang khẳng định: Ngành GD giữ vững sự phát triển ổn định. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia đạt 94,45%, trong đó môn Giáo dục công dân, Hậu Giang có 6 thí sinh đạt điểm 10.

Tỉnh Hậu Giang đã được Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT thống nhất trình Bộ trưởng công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Đây là mức độ cao nhất và là tỉnh đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long đạt được mức độ này. Có được kết quả trên, theo ông Đồng Văn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Tỉnh đã có 2 nghị quyết riêng dành cho GD, lãnh đạo tỉnh đã luôn tranh thủ tìm mọi sự đầu tư, hỗ trợ cho sự nghiệp GD.

Tại Nghệ An, GĐ Sở GD&ĐT Thái Văn Thành cho biết: Ngành GD Nghệ An đã có những kết quả nổi bật, cả về giáo dục đại trà và chất lượng giáo dục mũi nhọn. Năm học 2018 - 2019 vừa qua, Nghệ An đứng thứ 2 cả nước về kết quả học sinh giỏi quốc gia và có 4 học sinh dự thi đạt huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế.

Theo ông Thành, kinh nghiệm nâng cao chất lượng giáo dục là tăng cường lối sống cho học sinh. Bản thân các thầy cô giáo phải là người mẫu mực, làm gương cho học sinh. Thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua, các trung tâm học tập cộng đồng, hội khuyến học, dòng họ để giáo dục kỹ năng sống của học sinh; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm để học sinh nhận thức được hành vi, lỗi sai của mình để các em tiến bộ; kết hợp chặt chẽ và xây dựng quy chế phối hợp với các ngành để giám sát, xây dựng trường học hạnh phúc.

Năm học có những đổi mới tích cực, nhất là qua Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 là nhận định lãnh đạo tỉnh Hải Dương tại hội nghị. Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển chia sẻ: Hải Dương đứng vị trí 15 - 18 toàn quốc về GD đại trà; giáo dục mũi nhọn đứng trong top 10.

Theo ông Hiển, sắp xếp trường học, đội ngũ giáo viên là vấn dề cốt lõi để nâng cao chất lượng giáo dục. Về sắp xếp trường học, Hải Dương đã ban hành đề án; nguyên tắc là mỗi cấp phương xã có một trường công lập ở mỗi cấp học. Tới đây, Hải Dương giảm 30 xã, đồng nghĩa với việc số trường học cũng giảm.

Để ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các sở GD&ĐT trong việc triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm học 2018 – 2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký ban hành Quyết định tặng Cờ thi đua cho 7 Sở GD&ĐT: Điện Biên, Yên Bái, Nam Định, Khánh Hòa, Tây Ninh, Đồng Tháp, Cần Thơ.

Đồng thời, tặng Bằng khen Bộ trưởng cho 23 Sở GD&ĐT đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, gồm: Lạng Sơn, Lai Châu, Bắc Giang, Tuyên Quang, Ninh Bình, Hà Nam, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Định, Đắk Nông, Kon Tum, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Năm học 2018 - 2019, ngành GD-ĐT Bình Dương tiếp tục cải thiện tình trạng cơ sở vật chất, thiết bị trường học, liên tục tăng tỷ lệ trường học kiên cố, có đầy đủ thiết bị phục vụ hoạt động giáo dục đặc biệt là tăng số lượng trường được đầu tư thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại; bảo đảm đủ nguồn ngân sách chi cho phát triển GD-ĐT.

Tỉnh đã đạt mức tối thiểu về chỉ tiêu phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 trước thời hạn; củng cố hoạt động dạy học 2 buổi ngày đối với trẻ mầm non và học sinh tiểu học, không để xảy ra tình trạng học 3 ca tại các trường tiểu học ở những địa phương có số học sinh tăng đột biến...

Báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Giang cho thấy, năm học 2018 – 2019, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, hội đã quan tâm phối hợp trong việc chỉ đạo, tổ chức, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo đời sống cho HS các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú; tích cực vận động nhân dân cho HS đến trường duy trì sĩ số.

Điểm nhấn trong năm học vừa qua của ngành GD Hà Giang là đảm bảo dạy tiếng Việt cho HS dân tộc. Theo đó, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục ưu tiên mở lớp mầm non 5 tuổi tại các điểm trường lẻ khó khăn. Đối với các lớp tiểu học, chỉ đạo GV tăng cường dạy tiếng Việt cho HS dân tộc trong bài giảng.

Toàn cảnh điểm cầu Nghệ An
  • Toàn cảnh điểm cầu Nghệ An

Kỳ vọng vào đổi mới

Dù đạt được nhiều thành tựu song do đặc thù vùng miền, điều kiện kinh tế, các địa phương vẫn kỳ vọng vào sự đầu tư của Chính phủ, những đổi mới của ngành để bức tranh GD bừng sáng trên mọi phương diện trong năm học tới.

Tại Cà Mau, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Minh Luân kiến nghị định suất đầu tư cho GD-ĐT vùng đồng bằng sông Cửu Long cần phải được tăng lên, nhất là GD mầm non. Bộ GD&ĐT cần khảo sát, đánh giá thật kỹ những khó khăn của vùng.

“Cái khó lớn nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long là cơ sở vật chất trường lớp, phương tiện dạy học và định suất đầu tư cho hoạt động giáo dục. Bộ GD&ĐT cần chọn lọc vấn đề cốt lõi, tích cực tham mưu cho Chính phủ có những cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng để vực dậy chất lượng GD-ĐT của khu vực; trong 5 năm tới, ít nhất cũng bằng với bình quân chung của cả nước”, ông Luân bày tỏ.

Chúng ta nên bình tĩnh, đừng khẳng định thừa giáo viên. Thực tế là có thừa có thiếu. Về sắp xếp mạng lưới các trường: Số trường ĐH, CĐ của chúng ta không nhiều so với dân số. Số sinh viên bình quân trên vạn dân còn thấp. Việc quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH là hợp lý; nhưng không nên nghĩ chúng ta thừa mà ép số lượng xuống. Ngoài ra, Sở GD&ĐT có thể nhập vào Sở khác là không hợp lý. Giáo dục là quốc sách hàng đầu, tổ chức Sở GD&ĐT tất yếu phải có ở địa phương.

 
GS Trần Hồng Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định sự cần thiết của vấn đề rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học. Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện Đề án liên quan đến sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH, các cơ sở đào tạo giáo viên. Để triển khai đề án, ông Sơn cho rằng cần quyết tâm chính trị rất cao, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự ủng hộ của các bộ, ngành địa phương là các cơ quan chủ quản. Không có sự chỉ đạo quyết liệt từ trên xuống sẽ không thể thành công.

Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh nhận định: Đội ngũ giáo viên quyết định sự thành công đổi mới giáo dục. Do vậy, việc quan trọng đầu tiên là cần thay đổi nhận thức, phương pháp và cách thức quản lý giáo dục. Quản lý lỗi thời sẽ là vòng kim cô hạn chế sự sáng tạo của các thầy cô.

Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội kiến nghị Bộ GD&ĐT cần có định chuẩn về chức danh đối với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên, từ đó có các chương trình bồi dưỡng hiệu quả. Cùng với đó, công bố cụ thể số liệu thừa, thiếu giáo viên để xã hội, người học biết. Khi thấy tương lai có việc làm, học sinh giỏi sẽ vào sư phạm.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Minh, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo thực hiện chương trình bồi dưỡng cho các trường sư phạm, nhưng cần quyết liệt hơn, tạo sự kết nối giữa các trường đại học sư phạm, trường cao đẳng sư phạm để chuẩn bị cho công tác bồi dưỡng giáo viên. Với Chính phủ, ông Minh kiến nghị cần sớm cấu trúc lại hệ thống các trường sư phạm, để đầu tư hiệu quả. Sắp xếp cần tạo ra các phân khúc: Trường chủ lực, trường địa phương, kết nối để tận dụng hệ thống các trường cao đẳng, thực hiện bồi dưỡng giáo viên trong tương lai.

Đồng tình quan điểm đội ngũ GV quyết định sự thành công đổi mới giáo dục, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì kiến nghị, Bộ GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với tỉnh, tạo điều kiện trong công tác bồi dưỡng giáo viên. Đề nghị, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ trong định mức về chỉ tiêu biên chế.

Trước băn khoăn về cơ chế chính sách cũng như ý kiến đóng góp của đại diện địa phương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa trao đổi: Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT để báo cáo Chính phủ quan tâm đến xây dựng thể chế nhằm thu hút đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao chất lượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ