Xây dựng môi trường hạnh phúc

GD&TĐ - Để một trường học được coi là hạnh phúc, trước hết thầy cô phải hạnh phúc, nhà trường phải xây dựng môi trường hạnh phúc cho GV. Thầy cô hạnh phúc trong công việc của mình, từ đó mới lan tỏa hạnh phúc đến HS. Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Diệp, Hiệu trưởng Trường THCS Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội) về trường học hạnh phúc.

Cô giáo Nguyễn Thị Diệp cùng HS Trường THCS Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: Tr.Huyền
Cô giáo Nguyễn Thị Diệp cùng HS Trường THCS Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: Tr.Huyền

Thay đổi phương pháp dạy học truyền thống

Chia sẻ về quan điểm thay đổi phương pháp giảng dạy vì một trường học hạnh phúc, cô Nguyễn Thị Diệp cho biết: Trước đây, không có nhiều kênh thông tin như mạng xã hội, Internet… sách tham khảo không có, ngay cả SGK cũng chỉ mỗi lớp chung nhau mươi bộ. Những điều thầy cô giảng trên lớp gần như là kênh tiếp thu tuyệt đối của HS và SGK là “pháp lý”.

Vì thế, cách dạy truyền thống đã phát huy hiệu quả. Đến lớp, cùng với nghe lời thầy cô giảng, HS sẽ ghi lại những gì thầy cho chép. Cách dạy ấy đã làm tròn sứ mệnh của nó. Đến nay cách dạy truyền thống không còn phù hợp với thời đại bùng nổ thông tin. Thậm chí một số lĩnh vực, HS có thể học trực tuyến mà không cần đến lớp nghe thầy giảng trực tiếp.

Ở góc độ phụ huynh, cô Nguyễn Thị Diệp đưa ra ví dụ về cậu con trai của mình, đang là sinh viên năm thứ hai của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Vốn là người sống nội tâm, ngoài giờ học trên lớp, cháu không thích đến các lớp học ôn. Trong đợt ôn thi đại học năm ngoái, cháu xin mẹ cho học trực tuyến tại nhà.

Vậy là suốt năm lớp 12, ngoài thời gian học trên lớp buổi sáng, cháu dành thời gian cho ôn thi trực tuyến vào buổi chiều và tối tại nhà. Rất nhiều kênh thông tin để cháu tham khảo (tất nhiên dưới sự định hướng của các thầy cô dạy cấp 3). Cuối cùng cháu đã đỗ Trường ĐH Công nghiệp với số điểm khá cao. Điều đó cho thấy, sự thay đổi phương pháp dạy học (dạy trực tuyến có sự định hướng của thầy cô) cũng sẽ rất hiệu quả.

Thông thường, theo cách dạy truyền thống, giáo viên giảng, học sinh lắng nghe và ghi chép. Phương pháp này được gọi là đọc chép. Nó khiến học sinh thụ động, ít có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. Vì thế, với 3 mức độ “nhận biết”, “thông hiểu” và “vận dụng”, những học sinh nào chăm chỉ nghe và ghi cũng chỉ dừng ở mức độ nhận biết, khá hơn thì có một chút thông hiểu, còn vận dụng là rất ít.

Dũng cảm phá vỡ lối mòn

Với xu thế hiện nay, thầy cô cũng cần thay đổi bản thân để tạo nên một trường học hạnh phúc. Theo cô Diệp, thứ nhất GV thay đổi phương pháp truyền đạt. Có thể tăng sự tương tác với học sinh. Muốn vậy thầy cô phải gạt bỏ cái tôi của mình, mà nên coi HS như những người bạn, cùng tìm hiểu phân tích mổ xẻ vấn đề của bài học. HS có thể được nêu ý kiến của mình (cho dù có trái chiều với thầy, miễn sao em phản biện, bảo vệ được ý kiến mình đưa ra và chứng minh là đúng). Thầy cô không nên áp đặt mặc định “thầy đúng, trò sai”.

Thứ hai, thầy cô phải dũng cảm phá vỡ lối mòn, thay đổi bản thân. Mạnh dạn áp dụng những phương pháp mới, đặc biệt phương pháp “khăn trải bàn” để HS tăng cường hoạt động nhóm. Có thể tham khảo một vài hoạt động của mô hình giáo dục STEM để vận dụng trong giờ học.

Thứ ba, không nên quá lạm dụng vào CNTT mà đánh mất vai trò trung tâm của người thầy. Thầy cô cần gợi mở, định hướng cho HS cách truy cập những thông tin cần thiết liên quan đến vấn đề mà thầy trò đang quan tâm. Internet như con dao hai lưỡi, nếu không có định hướng tốt, các em sẽ đi chệch hướng. Muốn làm được điều này, thầy cô phải thật sự giỏi. Vì vậy, việc tự trau dồi bản thân là cần thiết.

Vai trò người “cầm lái”

Mỗi hiệu trưởng có một chiến lược riêng trong định hướng chung của ngành về xây dựng trường học hạnh phúc. Trong nhiều năm làm quản lý, cô Diệp cũng đã dần thay đổi theo xu hướng đổi mới cải cách, nhưng không phải là không có khó khăn.

Cô Diệp nhớ lại câu chuyện cũ như một bước đột phá trong suy nghĩ của giáo viên, buộc họ phải thay đổi. Đó là một lần trong kỳ thi GV giỏi môn Giáo dục công dân. Môn học này trước đến nay đều được coi là môn phụ, và thường dạy theo kiểu đọc chép. Cô đã mạnh dạn áp dụng một số phương pháp đúng đặc trưng bộ môn, đó là đưa nhiều trò chơi vào giảng dạy, đặc biệt cho HS sắm vai tự giải quyết các tình huống.

Lúc đầu GV đều nghi ngại, vì chưa bao giờ dạy học mà lại đưa trò chơi vào bài giảng. Với HS thì ngại ngần vì các em chưa bao giờ sắm vai để giải quyết tình huống pháp luật, gia đình, giao thông… Sau khi tiết học thành công, GV đều nhận thấy phương pháp dạy học theo cách này, thầy trò gắn kết hơn, HS khắc sâu kiến thức ngay tại lớp và đặc biệt đi từ “nhận biết” đến “thông hiểu” và “vận dụng” rất hiệu quả. Bản thân HS rất hào hứng khi được hóa thân vào nhân vật để xử lý các tình huống mà hàng ngày các em được chứng kiến, trải qua.

Giáo dục đang đổi mới nội dung và phương pháp, trẻ em đến trường không phải chỉ để học chữ, mà để sống, hạnh phúc. Mỗi nhà trường, hiệu trưởng, GV phải thay đổi. Ở vị trí “đầu tàu”, hiệu trưởng cần phải thay đổi. Mỗi thầy cô lấy yêu thương học trò làm hạnh phúc, thầy cô hạnh phúc, học trò hạnh phúc, lan tỏa yêu thương đến cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.