Kỷ luật hay hình phạt?

GD&TĐ - Vài ngày nay, 2 câu chuyện khá trái ngược trên mạng xã hội đều được cư dân mạng dành sự quan tâm lớn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Câu chuyện thứ nhất từ trích đoạn một bộ phim với chủ đề về giáo dục của Ấn Độ, được biết đến với tên tiếng Việt là “Cậu bé đặc biệt”. Bộ phim lấy nhiều nước mắt của người xem không phải bởi thương cảm với cậu bé mắc chứng khó đọc, bị bạn bè coi thường, chế giễu, bị cả cha mẹ và thầy cô thường xuyên trách phạt nặng nề dẫn đến trầm cảm, tự ti, sợ hãi, rồi chai lỳ với tất cả mọi thứ quanh mình; mà đó là giọt nước mắt xúc động từ đáy tâm can trước sự thay đổi kì diệu của cậu bé này khi gặp được một người thầy tuyệt vời.

Với sự thấu hiểu, đồng cảm, sự kiên nhẫn và phương pháp sư phạm, thầy giáo trẻ đã giúp cậu bé vốn được coi là “ngu dốt, điên khùng” trong mắt mọi người, trở thành “một vì sao lấp lánh”. “Người thầy trung bình chỉ biết nói. Người thầy giỏi biết giải thích. Người thầy xuất chúng biết minh họa. Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”. Thông điệp nhân văn của bộ phim gây được ấn tượng mạnh và càng có ý nghĩa khi Ngày Nhà giáo Việt Nam gần kề.

Câu chuyện thứ hai không phải từ phim ảnh, mà là câu chuyện thật, mới diễn ra tại Trường THCS Ngô Quyền (quận Tân Bình, TPHCM). Một học sinh lớp 8 của trường này đã lập trang anti, đăng hình ảnh, bài viết có nội dung thô tục, xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc BTS. Điều mà dư luận quan tâm là hình thức phạt của nhà trường với học sinh: Cảnh cáo toàn trường, hạ hạnh kiểm, đình chỉ học…

Đặc biệt, một phó hiệu trưởng đã đề nghị giáo viên quay clip học sinh bị cảnh cáo trước toàn trường để đưa lên mạng. Mục đích của thầy này, như trả lời trên một số báo chí, là “làm sao để trấn an được cộng đồng fan BTS. Để cho em và gia đình không đối mặt với những nguy cơ nào khác”; tuy nhiên sau đó, thầy thừa nhận việc công khai video xử lý kỷ luật nam sinh vội vàng, do thiếu kinh nghiệm xử lý và không lường được hậu quả sau đó.

Hai câu chuyện về giáo dục có những tình tiết đối lập thực sự khiến chúng ta phải suy ngẫm.

Việc khen thưởng, kỷ luật vốn là hết sức bình thường, ngay cả trong môi trường giáo dục, nhưng vì sao câu chuyện của Trường THCS Ngô Quyền lại được quan tâm như vậy? Phải chăng, nói như nhiều ý kiến bình luận là nhà trường đã đưa ra một hình phạt nặng, chưa nhân văn và có thể đem đến tác dụng ngược?

Chúng ta từng tốn không ít giấy mực chỉ để nói về hình thức kỷ luật thế nào đối với học sinh vi phạm để có thể đạt được hiệu quả giáo dục. Tuy nhiên, không ít người vẫn đánh đồng, nhầm lẫn “kỷ luật” và “trừng phạt”. Ngành Giáo dục cũng đã có văn bản chỉ đạo thầy cô không được xúc phạm nhân cách học sinh dưới bất kỳ hình thức nào. Làm sao để giúp trẻ nhận ra lỗi lầm, điều chỉnh được hành vi, nhưng vẫn cảm thấy mình được tôn trọng, yêu thương, cảm thấy mình có giá trị, phẩm giá, không bị tổn thương thể xác và tinh thần – đó là điều người thầy có thể làm được bằng kỷ luật tích cực, chắc chắn không phải bằng sử dụng sự trừng phạt.

Chúng ta đang trong quá trình chuyển từ nền giáo dục trang bị kiến thức là chủ yếu sang phát triển năng lực và phẩm chất người học, lấy học sinh làm trung tâm của quá trình giáo dục. Để thực hiện điều này, ngành Giáo dục không chỉ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học mà còn phải thay đổi quan niệm, nhận thức và hành vi trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục, trong đó có việc thực hiện các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực.

Người thầy cũng cần có những thay đổi căn bản trong biện pháp giáo dục học sinh, trong đó có thực hiện kỷ luật tích cực, từ đó tạo lập mối quan hệ thân thiện, môi trường giáo dục lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ